MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động đến TTDVVL Hà Nội tìm kiếm công việc mới sau một thời gian bị mất việc làm. Ảnh: Trần Kiều

Mất việc do dịch COVID-19: Người lao động vài tháng liền không có thu nhập

Trần Kiều - Sở Hạ LDO | 25/06/2020 11:00

Đến các Trung tâm dịch vụ việc làm thời điểm sau giãn cách phòng, chống dịch COVID-19, thực trạng chung của người lao động là thực hiện các thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Do ảnh hưởng của dịch, nhiều người lao động rơi vào cảnh nguồn thu giảm sút, thậm chí có người vài tháng liền không có thu nhập. 

Chật vật vì không có thu nhập

Có mặt tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội trong ngày thời tiết nắng nóng gay gắt gần 40 độ C, chị Nguyễn Thị Lâm (38 tuổi, quê Hải Dương) hiện rõ vẻ mệt mỏi. Chị Lâm làm việc cho một công ty thiết kế nội thất ở Hà Nội với mức lương vài triệu đồng/tháng. 3 tháng trước, do ảnh hưởng của dịch, công ty làm việc cầm chừng, cho tới khi hoạt động bình thường trở lại thì cắt giảm nhân sự. Chính vì vậy, chị Lâm bị mất việc. 

Từ thu nhập bị giảm sút, nay chị Lâm hoàn toàn không có khoản thu nhập nào. Cả gia đình 4 người duy trì sinh hoạt bằng số tiền 9 triệu đồng/tháng là thu nhập của chồng chị, hiện đang làm việc cho một công ty xây dựng. Trong khi số tiền có được để chi trả chỉ khiêm tốn như vậy thì áp lực các khoản chi phí: tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước, ăn uống rồi tiền con đi học… buộc gia đình chị phải tằn tiệm hết mức có thể.

  Số lượng người lao động đến TTDVVL Hà Nội nộp hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng cao do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ảnh: Trần Kiều

Làm hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp trong thời gian tìm kiếm công việc mới là một phương án chị Lâm lựa chọn cho mình lúc này. “Với số tiền được hưởng từ trợ cấp, ít nhiều tôi cũng sẽ giúp được gia đình có thêm tiền chi tiêu trong khi tìm công việc mới” – chị Lâm chia sẻ. 

Một trường hợp khác là chị Trần Ngọc Bích (30 tuổi, quê Hải Phòng). Chị Bích đã thất nghiệp vài tháng nay. Đến Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội nộp hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp, chị Bích hy vọng tiền trợ cấp sẽ giúp chị và gia đình có khoản chi tiêu trong thời gian chị đi tìm việc mới.

Trước khi thất nghiệp, chị Bích làm việc cho một công ty mỹ phẩm. Tổng thu nhập của hai vợ chồng được gần 25 triệu đồng/tháng nên cuộc sống khá ổn định. Nhưng từ khi mất việc vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, cuộc sống của chị Bích và gia đình không còn được thoải mái như trước nữa.

Chị Bích nói: “Nhiều tháng nay, tôi không xin được việc làm nên mọi chi tiêu trong gia đình đều lấy từ tiền tiết kiệm và luôn được tính toán rất kỹ. Ngoài tiết kiệm tất cả các khoản chi tiêu để nộp học phí cho con, tôi phải xin phụ việc tại một quán ăn để có tiền đắp đổi qua ngày, chờ có công việc mới”. 

Bảo hiểm thất nghiệp là "phao cứu sinh"

Tìm hiểu tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội, những trường hợp tương tự như chị Lâm, chị Bích có khá nhiều. Mọi người đa số đều mất việc do nơi làm cắt giảm nhân sự trước ảnh hưởng của dịch COVID-19. Số khác thì do chủ động xin nghỉ để tìm kiếm một công việc khác. Và nộp hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp trong thời gian tìm việc làm mới là phương án người lao động thất nghiệp lựa chọn. 

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội, từ đầu năm 2020 đến hết ngày 18.6.2020, Trung tâm đã tiếp nhận giải quyết cho 37.163 người lao động đến nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp. So với cùng kỳ năm 2019 (30.099 người), tỷ lệ người nộp hồ sơ đã tăng 23,47%. Riêng cao điểm từ đầu tháng 5 đến 18.6.2020, số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là 18.560 người. Con số này tăng 35,26% so với cùng kỳ năm 2019 (13.721 người). 

Ông Tạ Văn Thảo – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội. Ảnh: Nhật Huy 

Ông Tạ Văn Thảo – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội nhận định: “Hằng năm, khoảng thời điểm quý 2 và đầu quý 3 là cao điểm về giải quyết hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm. Tuy nhiên, qúy 2 năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, số lượng hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp tăng hơn thời điểm cùng kỳ hằng năm. Theo khả năng dự đoán của Trung tâm, người lao động đến nộp hồ sơ sẽ tiếp tục tăng đến hết tháng 7”. 

Cũng theo ông Thảo, "phao cứu sinh" bảo hiểm thất nghiệp ngoài hỗ trợ người lao động có được một khoản tiền để trang chải cuộc sống trong thời gian thất nghiệp thì chính sách này còn mang lại nhiều lợi ích khác. Cụ thể, người lao động bị mất việc, ngưng việc hoặc thiếu việc làm sẽ được tư vấn, giới thiệu việc làm để có thể làm các công việc tạm thời, công việc bán thời gian... nhất là trong thời gian dịch bệnh vẫn đang diễn ra. Từ đó, hỗ trợ người lao động nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn