MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mất việc vì COVID-19, người lao động phải đánh bắt tôm cá để mưu sinh

Lan Nhi LDO | 16/11/2021 10:27
Hà Nội - Nhiều tháng nay, hàng chục người lao động ở xã Văn Đức (huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội) bị mất việc trên phố vì dịch COVID-19. Để mưu sinh, họ phải tranh thủ ngày đêm đi thả lưới, đánh tôm cá trên sông Hồng.

Kiếm sống trên sông

Từ sáng sớm, chị Nguyễn Thị Hằng (SN 1985, xã Văn Đức) đã chuẩn bị tươm tất ghe vó, cùng chồng rong ruổi trên sông để đánh bắt tôm cá. Mất việc trên phố đã gần 6 tháng nay, đây là công việc duy nhất mà vợ chồng chị Hằng có thể làm để kiếm tiền nuôi con ăn học, trang trải cuộc sống. 

Do dịch COVID-19, hàng chục người lao động ở xã Văn Đức (huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội) bị mất việc làm. Họ phải rong ruổi trên sông để đánh bắt tôm cá mưu sinh. Ảnh: Lan Nhi 

Chị Hằng chia sẻ: "Trước đó, tôi làm công việc phụ ở làng nghề gốm sứ Bát Tràng. Đồng lương không cao nhưng ổn định từ 4 - 5 triệu đồng/tháng. Do dịch bệnh, xưởng phải đóng cửa, tạm ngưng sản xuất nên nhiều người lao động như tôi buộc phải sống bám vào dòng sông để mưu sinh".

Công việc thả lưới tuy vất vả nhưng theo thu nhập mà chị Hằng nhẩm tính thì chẳng đáng là bao. Hai vợ chồng chị cật lực chạy thuyền trên sông từ 3h sáng đến 17h chiều cũng chỉ thu về được  2- 3 kg tôm cá.

Trừ chi phí dầu nhớt thì chỉ còn vỏn vẹn khoảng 200.000 đồng/ngày. Nhiều khi vợ chồng chị Hằng vừa đi làm vừa thấp thỏm. Chị chỉ mong trường lớp nhanh chóng mở cửa trở lại, sợ rằng hai con học online không theo kịp các bạn sẽ "mất gốc".

Chị Nguyễn Thị Hằng (SN 1985, xã Văn Đức) đang chuẩn bị lưới, ghe vó cùng chồng đi đánh bắt tôm cá trên sông Hồng. Ảnh: Lan Nhi

Cũng "bám sông, bám nước" để mưu sinh, chị Đặng Thị Nẻo (SN 1980, xã Văn Đức) cùng chồng chạy ghe thuyền đi đánh tôm cá từ 2h sáng. Chị Nẻo cho rằng, đây là nghề lấy công làm lãi, chỉ đủ ăn qua ngày. Hôm nào may mắn thì vợ chồng chị vợt được nhiều tôm cá, bữa nào trống lưới thì cũng phải đành chịu. 

Chỉ mong hết dịch bệnh

Do ảnh hưởng chung của dịch COVID-19, nhiều nhà xưởng, cửa hàng trên địa bàn TP.Hà Nội đã phải đóng cửa, tạm ngưng hoạt động. Để trang trải cuộc sống, nhiều người lao động ở xã Văn Đức buộc phải nương nhờ theo con nước, gửi con cái cho ông bà để chuyển sang nghề đánh bắt tôm cá trên sông. 

Được biết, công việc đánh bắt tôm cá này của họ khá vất vả, thường xuyên diễn ra vào ban đêm, lúc rạng sáng. Vì ban ngày, các xà lan, thuyền lớn thường đi lại tấp nập nên lượng tôm cá ở tầng đáy sẽ bị tản mát, thu về không nhiều.

Đi thả lưới từ sáng sớm, chị Trịnh Thuý Ngà (SN 1984, xã Văn Đức) chỉ mong dịch bệnh tạm lắng để vợ chồng chị quay lại phụ việc ở công xưởng. Ảnh: Lan Nhi

Thả lưới từ tờ mờ sáng, chị Trịnh Thuý Ngà (SN 1984, xã Văn Đức) cũng ngậm ngùi, chị chỉ mong dịch bệnh tạm lắng để vợ chồng chị quay lại phụ việc ở công xưởng. Tuy đồng lương không cao nhưng thu nhập ở đây ổn định cũng giúp vợ chồng chị vơi bớt phần nào nỗi lo cơm áo. 

"Nếu hôm nào hai vợ chồng chịu khó đi thả lưới từ sáng sớm thì lượng tôm cá thu về sẽ nhiều hơn. Nói chung, đây cũng là công việc để người lao động chúng tôi duy trì, kiếm sống qua ngày khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

Trời yên bể lặng thì chúng tôi đỡ lo hơn. Những hôm mưa gió, nước sông lên đột ngột, nhiều cột sóng cuồn cuộn dâng cao, liên tục đánh táp vào bờ làm cho thuyền dân nhiều khi bị đắm nước, tốc mái là chuyện bình thường" - chị Ngà cho hay. 

   Công việc đánh bắt cá tôm trên sông chỉ phần nào giúp người lao động tạm thời duy trì, kiếm sống qua ngày khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Ảnh: Lan Nhi

Trao đổi với PV Lao Động, anh Nguyễn Văn Tú - Quản lý dân cư ở bến đò Văn Đức (huyện Gia Lâm) - cho biết: Dịch COVID-19 bùng phát ảnh hưởng rất lớn tới đời sống - kinh tế của bà con. Trước kia, ở đây có khoảng 104 hộ, nhưng hiện tại chỉ còn vài chục hộ dân trực tiếp sinh sống trên sông. 

Theo ông Tú, nhiều hộ dân, người lao động trẻ ở Văn Đức nếu không làm nghề vạn chài, đánh tôm cá thì sẽ đi vào thành phố, làm việc ở các nhà máy, xí nghiệp vùng lân cận để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn