MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Rừng ngập mặn đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả xanh mướt. Ảnh: Đoàn Hưng

Màu xanh trên tuyến đường bao biển đẹp nhất Việt Nam

Đoàn Hưng LDO | 01/07/2023 18:43

Quảng Ninh – Sở hữu danh xưng tuyến đường bao biển đẹp nhất Việt Nam, đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả không chỉ gây ấn tượng bởi kết cấu đồng bộ, hiện đại mà còn bởi màu xanh của những cánh rừng ngập mặn trải dọc cung đường. Màu xanh ấy đã và đang được Quảng Ninh thực hiện nhiều giải pháp để giữ gìn, nhân rộng, phù hợp với định hướng mà địa phương đang kiên trì thực hiện, đó là tăng trưởng gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả là tuyến đường kết nối di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long, có chiều dài toàn tuyến 18,7 km, điểm đầu tuyến là đường Trần Quốc Nghiễn (TP Hạ Long) và điểm cuối tuyến là ngã ba cảng Km6 (phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả).

Ngày 30.4.2023, dự án được khánh thành với quy mô 6 làn xe. Đây được đánh giá là tuyến đường du lịch ven biển hiện đại, độc đáo ở Việt Nam bởi có sự kết hợp của núi, biển với những cảnh quan đặc sắc. Trên tuyến đường có hầm xuyên núi dài 235 m gồm 2 ống được ví là "kỳ quan mới nơi đất Mỏ".

Đặc biệt, ngay khi khánh thành, tuyến đường đã gây ấn tượng bởi hệ thống rừng ngập mặn ven biển Hạ Long – Cẩm Phả đang tạo ra nhiều giá trị cảnh quan sinh thái.

Tất cả những vị trí rừng ngập mặn phía trong đều có cống thông thủy. Ảnh: Đoàn Hưng

Ông Nguyễn Văn Bông - Phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh - cho biết: “Tỉnh có quan điểm rất rõ về việc hạn chế thấp nhất chuyển đổi rừng ngập mặn. Trong quá trình triển khai xây dựng đường bao biển, kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh đã tham gia ý kiến, yêu cầu tất cả các vị trí rừng ngập mặn phía bên trong phải có phương án bắc cầu, cống thông thủy với biển, đảm bảo rừng ngập mặn sinh trưởng phát triển bình thường"

Tuy nhiên, khi đang triển khai giai đoạn I của dự án thì gần 4,8 ha rừng thuộc địa phận phường Hà Phong, TP Hạ Long và phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả ngả màu xám. Những cây đước, vòi cao trung bình chừng 2 m bị khô héo, thân đen, lá rụng.

Theo kết luận của Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Bắc (Cục Bảo vệ thực vật), do quá trình thực hiện dự án đường bao biển, đơn vị thi công đã làm lấp hệ thống thoát nước khiến thủy triều không vào, ra hợp lý. Hậu quả là các vạt rừng thường xuyên bị ngập nước, nước tù đọng dẫn đến sinh nấm chứng bệnh đốm lá do Phyllosticta sp gây hại.

Ngay sau khi tìm được nguyên nhân, cơ quan chức năng của Quảng Ninh đã yêu cầu đơn vị thi công khơi thông các dòng chảy, nạo vét bùn, đất ảnh hưởng đến cánh rừng.

Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh, rừng ngập mặn đang sinh trưởng, phát triển tốt. Ảnh: Đoàn Hưng

Sau một thời gian bắt bệnh và cứu chữa, cánh rừng đã xanh trở lại. Hiện rừng ngập mặn ven đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả rộng khoảng hơn 200.

Theo ông Nguyễn Văn Bông - Phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh, rừng ngập mặn tại vị trí đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả tồn tại cũng gần 100 năm, đây là rừng tự nhiên, có trồng rừng bổ sung. Rừng ngập mặn ở đây đa dạng sinh thái về cây rừng như mắm, trang, đước, sú cũng như các loài cá, tôm, cua, ốc, vạng, móng tay và một số loài cá giá trị như cá dìa, cá song, cá bớp. Một số loài chim như cò, cuốc, chim ngói đã xuất hiện ở đây.

Một số vị trí cây rừng ngập mặn bị bệnh, ngả màu xám giờ đã xanh trở lại. Ảnh: Đoàn Hưng

Ông Nguyễn Thế Huy – người dân phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả hào hứng chia sẻ: “Giá trị lớn nhất của đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả tất nhiên là con đường này, giá trị thứ 2 mà công trình này đem lại là bảo tồn được những cánh rừng ngập mặn. Không phải ở địa phương nào cũng có được những điều này. Ra đây không khí trong lành, cảnh quan đẹp, rất thích. Là người dân chúng tôi cũng thấy rất tự hào”.

Để bảo vệ rừng ngập mặn ven biển đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo hệ thống cống thoát nước qua tuyến đường bao biển được thông thủy để cho cây sinh trưởng và phát triển tốt, hạn chế ảnh hưởng đến điều kiện sinh trưởng, phát triển tự nhiên của rừng ngập mặn ven biển.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn