MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Máy móc phơi nắng mưa sau khi cao tốc Bến Lức - Long Thành ngưng trệ. Ảnh: Hữu Chánh

Máy móc hoá sắt vụn trên đại công trường cao tốc Bến Lức - Long Thành

HỮU CHÁNH LDO | 25/08/2023 14:07

Trên công trường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đoạn qua huyện Bình Chánh (TPHCM), hàng loạt máy móc hoen gỉ, hư hỏng, bị cỏ dại phủ kín sau gần bốn năm ngưng trệ.

Công trường dang dở

Năm 2014, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành được khởi công với kỳ vọng trở thành con đường vận chuyển hàng hóa, rút ngắn thời gian đi lại của bà con các tỉnh miền Tây và miền Đông, thay vì phải đi lòng vòng xuyên qua một loạt tuyến đường vốn đang quá tải ở TPHCM.

Đây là dự án trọng điểm quốc gia thuộc trục cao tốc Bắc - Nam, với tổng mức đầu tư ban đầu (giai đoạn 1) là 31.320 tỉ đồng.

Công trình ban đầu ước tính chỉ cần 4 năm thi công để hoàn thành nhưng rồi khựng lại... khi được xác định đã đạt 80%.

Công trường cao tốc đoạn giao nhau với quốc lộ 50, huyện Bình Chánh dang dở.
Máy móc bị cỏ dại phủ kín trên công trường.

Những ngày cuối tháng 8, không khí vắng lặng tại công trường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đoạn qua huyện Bình Chánh. Nghe chúng tôi hỏi về công trường dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, người dân quanh khu vực ai cũng biết.

Có người thì tưởng là đơn vị thi công đến nên chạy lại hỏi dò về tiến độ. "Nhân dân mong chờ đoạn cao tốc Bến Lức - Long Thành này như nắng hạn đợi mưa rào" - một người dân xã Đa Phước cho hay.

Theo ghi nhận, công trường cao tốc đoạn giao nhau với quốc lộ 50, huyện Bình Chánh vẫn dang dở. Hai cầu dẫn từ tuyến quốc lộ lên cao tốc nằm trơ trọi, nhiều đoạn bêtông xám xịt vì phơi nắng mưa lâu ngày.

Hàng loạt xe cẩu, máy đào đất, xe bồn... nằm ngổn ngang, trơ khung sắt, hoen gỉ, cỏ dại phủ kín sau thời gian dài bị ngưng trệ.

Một máy xúc bị bong nhiều bộ phận, chỉ còn khung cabin.
Máy móc bị cỏ dại phủ kín, không thể nhận diện.

Dọc tuyến hướng về Long An, một số đoạn tuyến vẫn chưa được thảm nhựa, mặt đường được rải đá tạm. Các cầu qua kênh được xây dựng chưa hoàn chỉnh trơ các mấu sắt phơi nắng phơi mưa. Người dân vẫn sử dụng tuyến đường này để di chuyển tạm...

Một bảo vệ tại công trường cho biết, việc thi công tại đây đã dừng hơn ba năm nay, nhiều máy móc bỏ lại, công nhân rời đi. "Chúng tôi cứ túc trực ở đây nhưng chưa rõ ngày thi công trở lại" - bảo vệ nói.

Một đoạn cao tốc vẫn chưa làm xong mặt đường.

Theo người dân, việc dự án được quy hoạch đã nhiều năm nhưng vẫn chưa làm xong gây ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế của bà con địa phương.

"Khu vực xây dựng cao tốc không khác gì rừng hoang, cỏ cây mọc um tùm. Máy móc phơi nắng mưa, hoá thành sắt vụn, nhìn mà thấy xót xa" - bà Lê Thị Bình (xã Đa Phước) cho hay.

Người phụ nữ 55 tuổi mong ngóng từng ngày các cơ quan thẩm quyền làm cho xong dự án, để việc đi lại thuận tiện hơn, đời sống người dân ở dọc tuyến cũng có sự thay đổi.

Gia hạn đến năm 2025

Cao tốc Bến Lức - Long Thành dài gần 58 km, đi qua Long An, TPHCM và Đồng Nai. Tuyến chia thành ba đoạn, gồm 11 gói thầu xây lắp chính.

Trong đó, 5 gói đoạn phía Tây (A1, A2-1, A2-2, A3, A4) dùng vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Ba gói đoạn giữa (J1, J2, J3) dùng vốn của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Ba gói còn lại ở phía Đông (A5, A6, A7) dùng vốn từ hiệp định vay ADB lần hai.

Tính đến nay, có 4/11 gói thầu cơ bản hoàn thành gồm A2-1, A3, J2 và A5; 3 gói đang xây dựng; còn 4 gói các nhà thầu chấm dứt hợp đồng từ năm 2019.

Công trường cao tốc đoạn qua quốc lộ 50.

Hồi đầu tháng 7.2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành để các chủ thể liên quan làm cơ sở tiếp tục thực hiện, hoàn thành cao tốc này.

Cụ thể, dự án được điều chỉnh thời gian hoàn thành đến ngày 30.9.2025, thay vì hoàn thành trong năm 2023 như quyết định trước đây. Đồng thời, điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư dự án thành 30.073 tỉ đồng, giảm 1.247 tỉ đồng so với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.

Cơ cấu nguồn vốn đầu tư của dự án sau điều chỉnh gồm vốn vay ADB 8.065 tỉ đồng (giảm 5.588 tỉ đồng), vốn vay JICA 10.587 tỉ đồng (giảm 1.388 tỉ đồng), vốn đối ứng 3.872 tỉ đồng (giảm 1.817 tỉ đồng), bổ sung vốn Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường Cao tốc Việt Nam (VEC) tự thu xếp 7.547 tỉ đồng.

Thủ tướng cũng đồng ý điều chỉnh cơ chế tài chính đối với nguồn vốn vay ADB theo cơ chế VEC vay lại 100% vốn vay nước ngoài.

Gói thầu J1 với chiều dài hơn 2,5 km đang thi công trở lại.

Phía VEC cho hay, đang hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt, điều chỉnh dự án và đấu thầu lại 4 gói thầu còn lại để thi công đồng loạt.

Cùng với việc hoàn thiện thủ tục, VEC cũng đang chỉ đạo nhà thầu, Ban quản lý dự án tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các gói thầu đang thi công, bảo đảm thời gian quy định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn