MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một doanh nghiệp may tại An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội bị hỏng máy dệt, thiệt hại hàng chục triệu đồng vì bị cắt điện đột ngột. Ảnh: Minh Ánh

Máy móc hỏng hóc, thiệt hại hàng chục triệu đồng vì cắt điện đột ngột

Minh Ánh - Đức Mạnh LDO | 07/06/2023 19:09

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, việc cắt điện đột ngột, kéo dài gần 10 tiếng đồng hồ đã để lại thiệt hại không nhỏ về máy móc, đơn hàng...

Huyện Hoài Đức là một trong những khu vực bị cắt điện nhiều nhất trong ngày tại Hà Nội (trung bình 5 lần/ngày). Đặc biệt tại xã An Khánh, Cụm Công nghiệp Trường An ghi nhận hàng loạt công ty, nhà máy bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Chỉ riêng đợt mất điện đột ngột vào thứ Hai đầu tuần (ngày 5.6), Công ty TNHH Thành Nghĩa bị hư hỏng 1 máy dệt và 2 máy tính để bàn. Ước tính thiệt hại gần 27 triệu đồng, chưa tính đến chi phí vận chuyển linh kiện từ Nhật Bản về sửa chữa. Được biết, đơn vị này phải mất 20 ngày để đợi phụ tùng. Kéo theo đó, dây chuyền sản xuất, đơn hàng của khách nước ngoài sẽ bị ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Quang Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Thành Nghĩa - cho biết: "Với năng lực sản xuất ở mùa cao điểm hiện tại, từng công nhân và máy móc đều được tính ở trạng thái hoạt động hết công suất. Nên máy móc bị hỏng sẽ kéo theo tiến độ đơn hàng bị ảnh hưởng theo. Thậm chí, chúng tôi có thể bị khách hàng phạt giao hàng bằng máy bay do chậm trễ. Nếu đúng lịch đi tàu biển sẽ rẻ hơn".

Điều đáng nói, đợt cắt điện này diễn ra đột ngột, không có trên lịch cắt được được thông báo trước đó, nên các doanh nghiệp sản xuất tại cụm Công nghiệp Trường An, An Khánh, Hoài Đức đều không có thời gian chuẩn bị.

"Chúng tôi mong muốn bên điện lực có lịch cắt điện chính xác và cụ thể đối với từng công ty trên địa bàn để các công ty có thể chuẩn bị trước kế hoạch sản xuất và bảo vệ máy móc, thiết bị" - ông Nghĩa đề xuất.

Theo ông Nghĩa, dù công ty ông đã trang bị các hệ thống bảo vệ như automat, ổn áp công suất lớn... nhưng việc cắt điện đột ngột như vừa qua ảnh hưởng lớn đến độ bền của máy móc và năng suất lao động.

"Việc thông báo trước cụ thể khung giờ và vị trí cắt điện chính xác từng nhà máy sẽ giúp chúng tôi chủ động chuyển công nhân sang làm việc ca đêm. Đồng thời, chúng tôi mua xăng dầu trước để chạy máy phát điện. Trên thực tế, việc tích trữ nhiều xăng dầu chạy máy phát điện cũng không được phép do tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy tại các nhà máy" - ông Nghĩa cho hay.

Cắt điện đột ngột đã làm hỏng nguồn của máy dệt này. Chi phí thay thế lên đến 545 USD, chưa tính phí vận chuyển thiết bị từ Nhật Bản về. Ảnh: Minh Ánh

Không riêng doanh nghiệp dệt may Thành Nghĩa mà nhà máy đóng gói thực phẩm của CTCP Dịch vụ Cổng Vàng - Golden Gate cũng phản ánh phía điện lực gần đây không gửi thông báo cắt điện đúng như cam kết trước 48 giờ.

Ông Đạt - phụ trách kỹ thuật nhà máy - chia sẻ: "Việc mất điện sẽ khiến kế hoạch sản xuất của các nhà máy bị đảo lộn. Dù chúng tôi có máy phát điện nhưng cũng chỉ hỗ trợ phần nào. Khi mất điện, chúng tôi phải dừng một số dây chuyển sản xuất để ưu tiên cho kho đông lạnh, bảo quản hàng hoá. Ngoài ra, chi phí vận hành máy phát cũng cao hơn 3 - 5 lần so với chạy điện, từ đó ảnh hưởng đến chi phí vận hành nhà máy và giá thành sản phẩm".

Cắt điện làm đảo lộn kế hoạch sản xuất theo tuần, tháng của doanh nghiệp. Vận hành máy phát điện còn làm gia tăng khi chi phí vận hành. Ảnh: Đức Mạnh

Theo ông Đạt, để chạy máy phát điện, nhà máy phải giảm tải tối thiểu hoạt động sản xuất, thậm chí cho công nhân dừng ca để đi về. Một số kho đông lạnh phải cắt điện luân phiên để giảm tải lượng điện sử dụng trong lúc mất điện.

Trao đổi với Lao Động, Đại diện EVN Hoài Đức cho biết, việc ngắt điện đột ngột vào thứ Hai (ngày 5.6) do nguồn cung điện không đủ, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố nên EVN Hà Nội đã phải tiết giảm một số khu vực. Việc ngừng cung cấp điện khẩn cấp đã không thể thông báo ngay tức thời cho khách hàng.

Tại Hà Nội, EVNHANOI cho hay, lượng tiêu thụ điện trên địa bàn những ngày gần đây liên tục tăng cao cùng nắng nóng. Thống kê cho thấy, lượng điện tiêu thụ trung bình ngày trên toàn thành phố tháng 3 là 58.336 triệu kWh, tháng 4 là 61.542 triệu kWh thì tháng 5 là 75.406 triệu kWh. Như vậy, bình quân lượng điện tiêu thụ tháng 5 đã tăng hơn 22,5% so với bình quân tháng 4.

Hiện nay, do thời tiết cực đoan, ít mưa, mực nước các hồ thủy điện thấp, thậm chí nhiều hồ ở dưới mực nước chết nên nhiều khu vực đang được các đơn vị điện lực luân phiên ngừng cấp điện.

Được biết, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia đề nghị tăng mức tối đa ngừng cấp điện của hệ thống điện quốc gia từ 8.000 MW lên 15.000 MW, tương đương điện cho miền Bắc giảm 8.100 MW.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn