MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mẹ bầu tháng thứ 8 vẫn bê vác cả tấn hàng một ngày ở Cao Bằng. Ảnh chụp màn hình.

Mẹ bầu 8 tháng vẫn đi bốc vác mưu sinh không muốn nhận từ thiện

Tân Văn LDO | 21/02/2024 09:53

Cao Bằng - Hình ảnh mẹ bầu tháng thứ 8 vẫn miệt mài bốc vác để kiếm tiền trang trải cuộc sống đã lay động đến trái tim nhiều người.

This browser does not support the video element.

Đoạn clip được rất nhiều các trang mạng xã hội chia sẻ về quá trình làm việc của chị Hoàng Thị Diễm. Video: Nhân vật cung cấp.

Những ngày gần đây, trên nhiều nền tảng mạng xã hội liên tục chia sẻ đoạn clip ghi lại hình ảnh một thai phụ bê vác những bao tải hàng hoá nặng nề thu hút sự chú ý của mọi người.

Phóng viên Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi cùng người phụ nữ trong đoạn clip kể trên.

Chị Hoàng Thị Diễm (SN 1994, hiện đang sống tại nhà bố mẹ đẻ tại tổ 20, phường Sông Hiến, TP Cao Bằng) là nhân vật trong clip - cho biết, chị đang mang thai tháng thứ 8.

Con đầu của chị là bé gái hiện đang theo học mẫu giáo lớp 5 tuổi. "Từ khi biết có bầu em chỉ đi kiểm tra sức khỏe 1-2 lần, lâu rồi em cũng chưa đi kiểm tra lại" - chị Diễm nói.

Mẹ bầu Hoàng Thị Diễm hiện đang sống tại nhà bố mẹ đẻ. Ảnh: Tân Văn.

Theo lời chị Diễm, chị cùng chồng nên duyên vào khoảng năm 2020, gia đình 2 bên đều không có điều kiện nên vợ chồng cũng vất vả, ngược xuôi đủ nghề mưu sinh.

"Nhà chồng em (tại xã Bình Dương, huyện Hoà An) có 4 anh em, năm trước được bố mẹ chồng chia cho một suất đất, cùng với sự hỗ trợ của nhà nước và tiền vay mượn, 2 vợ chồng cất tạm một căn nhà làm nơi ở.

Đến nay nợ chưa trả xong nên em muốn cùng chồng san sẻ công việc. Thấy sức khoẻ còn tốt nên em vẫn đi làm công việc bốc vác như lúc chưa mang thai" - chị Diễm chia sẻ.

Chị Hoàng Thị Diễm cho biết, người đăng tải clip lên mạng xã hội cũng chính là người chủ hay gọi vợ chồng chị đi làm.

Hình ảnh chị Diễm bốc vác hàng hoá khi đang mang thai tháng thứ 8. Ảnh chụp màn hình.

Tại Cao Bằng, mức tiền trả cho những người bốc vác là 40.000 đồng/tấn hàng, có nơi chỉ trả 30.000 đồng/tấn. Nếu một ngày bốc vác được khoảng 12 tấn hàng thì vợ chồng chị Diễm sẽ có gần 500.000 đồng tiền công.

"Nhưng không phải ngày nào cũng có thu nhập ổn định như vậy, tiền làm ra chỉ đủ sinh hoạt hàng ngày, vợ chồng em không để dư được nhiều" - thai phụ cho hay

Khi được hỏi sao không chọn một số công việc nhẹ nhàng hơn để phù hợp với tình hình sức khoẻ hiện tại của bản thân, chị Diễm cho biết, do bố mẹ đẻ hiện tuổi đã cao, chị phải ở cùng để tiện chăm sóc, mặt khác con gái lớn 5 tuổi đang theo học lớp mầm non tại thành phố Cao Bằng (cách nhà chồng hơn 20km) nên chị muốn chọn công việc bốc vác để chủ động thời gian.

Căn nhà cấp 4 xây có phần tạm bợ mà 2 vợ chồng chị Diễm mới vay mượn cất lên. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nếu không đi bốc vác, thời gian rảnh chị Diễm thường hay phụ bố mẹ đẻ làm nương rẫy.

Chia sẻ về những dự định trong tương lai, chị chỉ cười hiền nói: "Sau khi sinh nở xong chắc vợ chồng em vẫn làm nghề bốc vác, bởi ruộng nương 2 vợ chồng cũng không có nhiều, chỉ trồng lúa đủ ăn.

Em cũng xin gửi lời cảm ơn đến những anh chị có ý tốt muốn giúp đỡ em. Đại diện một câu lạc bộ thiện nguyện đã liên hệ giúp em quần áo sơ sinh khi lâm bồn và một chút kinh phí ban đầu nên nếu có thêm sự giúp đỡ em xin nhường cho những người kém may mắn hơn".

Thông tin từ anh Hoàng Văn Khánh (trú TP Cao Bằng) - người chủ thường gọi vợ chồng chị Diễm đi làm, Diễm tự lượng được sức mình, vẫn có khả năng gánh vác công việc nên hàng ngày vẫn theo chồng đi làm, không nề hà bất cứ việc gì.

Thấy đôi vợ chồng hiền lành, chăm chỉ thật thà và nhiệt tình làm việc, anh Khánh đăng clip lên mạng xã hội để chia sẻ, không ngờ có nhiều người quan tâm tới như vậy.

“Có nhiều người muốn được hỗ trợ tiền và vật chất giúp Diễm, điều này làm tôi rất ngại. Vì tôi đăng clip lên không phải mục đích để câu view hay kêu gọi từ thiện" - anh Khánh quả quyết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn