MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Lê Thị Muộn cùng kỷ vật là chiếc áo của liệt sĩ Phan Văn Sự. Ảnh: Tư liệu

Mẹ liệt sĩ Gạc Ma ở Đà Nẵng ngày một vắng đi

Hoàng Văn Minh LDO | 20/07/2022 07:45

Gặp lại ông Nguyễn Văn Tấn - Trưởng ban Liên lạc Bộ đội Trường Sa Thành phố Đà Nẵng - tôi mới hay bà Lê Thị Muộn, mẹ của liệt sĩ Gạc Ma Phan Văn Sự - người suốt 29 năm mặc chiếc áo di vật của con đã không còn trên cõi đời. Mẹ liệt sĩ Gạc Ma ở Đà Nẵng ngày một vắng đi. 

Hai năm mất 2 mẹ liệt sĩ

“Hai năm COVID-19, Đà Nẵng mất đi 2 mẹ liệt sĩ Gạc Ma. Đó là bà Lê Thị Muộn, mẹ của liệt sĩ Phan Văn Sự và bà Hồ Thị Lai, mẹ của liệt sĩ Trương Quốc Hùng”, ông Nguyễn Văn Tấn, Trưởng Ban Liên lạc Bộ đội Trường Sa thành phố Đà Nẵng mở đầu câu chuyện.

Theo ông Tấn, mặc dù không bị COVID-19 nhưng cả hai mẹ đều qua đời đúng vào các thời điểm Đà Nẵng bị phong tỏa để phòng chống dịch nên đám tang của hai mẹ chỉ được tổ chức đơn giản, không nhiều người biết. Và ông Tấn là người duy nhất ở Đà Nẵng trong hai thời điểm đó thay mặt các cựu binh đến viếng hai mẹ.

Trong hai mẹ liệt sĩ Gạc Ma vừa qua đời thì bà Lê Thị Muộn là một trường hợp rất đặc biệt khi suốt 29 năm liền, mỗi khi nhớ con, mẹ lại mang kỷ vật - chiếc áo mà liệt sĩ Phan Văn Sự mặc khi còn làm nhiệm vụ ở đất liền trong năm đầu nhập ngũ ra mặc.

Và trong chuyến ra Trường Sa, liệt sĩ Phan Văn Sự bỏ quên chiếc áo này ở đơn vị. Sau đó được đơn vị trao lại cho gia đình. Vào năm 2008, khi một tàu cá của ngư dân huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi tìm được hài cốt của 4 chiến sĩ trên tàu HQ604. Sau đó Bộ Quốc Phòng, Hải quân vùng 4 đã tìm đến từng nhà của 64 liệt sĩ xin mẫu AND để xét nghiệm, định danh liệt sĩ, bao người mẹ, người cha liệt sĩ đã rất hy vọng. Nhưng rồi chỉ có 4 gia đình may mắn.

Những Mẹ Ngò, Mẹ Muộn... không tìm thấy xác con và chỉ nhận được những kỷ vật mà các anh để lại đơn vị, và bây giờ được trao lại gia đình như một sự an ủi, động viên.

29 năm mẹ mặc áo con

Lần cuối cùng chúng tôi gặp bà Lê Thị Muộn là năm 2017, lúc đó bà đã 86 tuổi và trí nhớ không còn được minh mẫn lắm. Bà Phan Thị Lưu, chị ruột thứ 3 của liệt sĩ Phan Văn Sự kể: “Kể từ ngày có chiếc áo của con trai, bà Muộn như cảm thấy người con đã được về với gia đình. Bà giấu kỹ dưới chiếc gối nằm của mình, khi đi đâu cũng mang theo nhưng chỉ mình bà biết. Những ngày nhớ thương con, bà mang chiếc áo ấy ra sờ soạng, ngắm nghía, rồi lặng lẽ khóc thầm trong nhớ thương...”.

Suốt mấy năm trời như vậy, mãi đến khi đơn vị của liệt sĩ Phan Văn Sự về viếng hương, hỏi thăm thì bà Muộn mới đem áo ra và kể cho mọi người biết mình đã giấu mang theo bên mình suốt mấy năm nay.

Sau khi mọi người đã biết chuyện, mẹ Muộn đã đem chiếc áo ấy của liệt sĩ Sự cắt ra, tự khâu vá lại cho vừa vặn với mình, để khi buồn hoặc đến ngày giỗ kỵ, bà lại khoác lên mình chiếc áo lính đó cho vơi bớt nỗi nhớ thương con...

Câu chuyện thầm kín của mẹ sau đó được báo chí phát hiện khi đến thăm gia đình dịp 14.3.2013. Và khi gần hoàn thiện Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ở Khánh Hòa năm 2017, chúng tôi đã đến thắp hương cho liệt sĩ Sự, thuyết phục mẹ Muộn và gia đình để xin chiếc áo ấy về đặt trang trọng trong bảo tàng của Khu tưởng niệm.

“Tui già quá rồi, sẽ không còn sống được bao lâu trên đời nên quyết đinh hiến tặng kỷ vật của thằng Sự để lại cho khu tưởng niệm để anh em đồng đội, bà con đến thăm có cái mà nhìn, có chuyện mà kể…”, bà Muộn nói.

Đó cũng là những lời cuối cùng của bà Muộn mà chúng tôi nghe được. Bây giờ thì những mẹ Lai, mẹ Muộn không còn, nhưng chiếc áo lính đầy bi hùng của người con trai mẹ Muộn cùng câu chuyện cảm động đó sẽ còn lưu mãi với thời gian.

Những kỷ vật đơn sơ, đôi khi có phần riêng tư, nhưng giờ đã là câu chuyện chung, kể về một lớp người anh hùng đầy cảm động. Còn hôm nay, theo tâm thức của người Việt, biết đâu đó nơi chín suối, những mẹ Muộn, mẹ Lai đang cùng các liệt sĩ Phan Văn Sự, Trương Quốc Hùng ngồi tỉ tê bao nhiêu chuyện trên đời…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn