MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều bài học kinh nghiệm từ việc triển khai các tuyến đường sắt đô thị. Ảnh: Hải Nguyễn

Metro Ga Hà Nội- Hoàng Mai: Bài học từ đường sắt trên cao Cát Linh- Hà Đông

Vương Trần LDO | 09/04/2022 08:00
Qua thực tế triển khai các tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội như tuyến Cát Linh - Hà Đông hay tuyến Nhổn - ga Hà Nội đều gặp những phát sinh vướng mắc liên quan tới bố trí vốn, giải phóng mặt bằng, tiến độ các dự án thường bị kéo dài, nguồn nhân lực chất lượng cao... Đây chính là những bài học để triển khai tuyến Metro Ga Hà Nội - Hoàng Mai tránh đi vào "vết xe đổ" của những dự án trước.

Bài học kinh nghiệm từ những dự án đường sắt đô thị

Cát Linh - Hà Đông là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở Hà Nội đưa vào khai thác, vận hành thương mại. Nhưng trước khi được đưa vào khai thác thương mại thì đây cũng là dự án kéo dài 13 năm kể từ khi được quyết định chủ trương đầu tư, 10 năm tiến hành thi công và hàng chục lần “trễ hẹn” khai thác thương mại. 

Đây cũng là dự án khiến người dân phải phàn nàn nhiều về kỷ lục đội vốn, chậm tiến độ. Dự án dùng vốn vay ODA với tổng mức đầu tư ban đầu 8.770 tỉ đồng (gần 553 triệu USD), sau đó “đội vốn” lên 18.002 tỉ đồng (hơn 868 triệu USD). 

Người dân đi tàu đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: T.Vương

Một tuyến đường sắt đô thị khác ở Hà Nội là tuyến Metro Nhổn - Ga Hà Nội cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc khi triển khai dẫn tới đội vốn, chậm tiến độ.

Dự án được phê duyệt từ tháng 4.2009 với tổng mức đầu tư ban đầu là 783 triệu euro, đến thời điểm tháng 10.2021 đã điều chỉnh lên 1.176 triệu euro. Theo tiến độ được phê duyệt ban đầu với thời gian hoàn thành Dự án là năm 2018 nhưng sau đó đã phải điều chỉnh tiến độ đến năm 2022.

Từ khâu giải phóng mặt bằng, triển khai các gói thầu, điều chỉnh bất cập, giải quyết khó khăn của dự án tuyến Metro Nhổn - Ga Hà Nội, đụng đâu cũng vướng mắc, khiến chủ đầu tư vô cùng chật vật.

Tàu metro Nhổn - ga Hà Nội đang vận hành thử với tốc độ cao. Ảnh: Tô Thế

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 380 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Chuẩn bị dự án đầu tư Tuyến đường sắt đô thị (metro) số 3, đoạn ga Hà Nội đến Hoàng Mai và Hỗ trợ nghiên cứu xây dựng hệ thống giao thông đô thị tích hợp cho dự án đường sắt đô thị”, sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Liên minh Châu Âu (EU). Tổng mức đầu tư dự án là hơn 343 tỉ đồng, được giao cho Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) làm chủ đầu tư. 

Từ những dự án đang triển khai đã để lại nhiều bài học lớn cho việc triển khai các dự án đường sắt đô thị trong thời gian tới.

Làm gì để tránh đi vào “vết xe đổ” chậm tiến độ?

Trao đổi với Lao Động, PGS.TS.KTS Nguyễn Quang Minh (Đại học Xây dựng Hà Nội) phân tích, qua thực tế triển khai các tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội như tuyến Cát Linh - Hà Đông hay tuyến Nhổn - ga Hà Nội đều gặp những phát sinh vướng mắc liên quan tới bố trí vốn, giải phóng mặt bằng (GPMB), tiến độ các dự án thường bị kéo dài, nguồn nhân lực chất lượng cao...

Do đó, trong triển khai tuyến Metro 3.2, ông cho rằng, trước tiên cần hoàn thiện các tiêu chuẩn về đường sắt đô thị ở Việt Nam. Đặc biệt, để tránh đi vào "vết xe đổ" đội vốn, chậm tiến độ, công tác GPMB cần đi trước một bước, chuẩn bị sớm, kỹ lưỡng và sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị. Khi có “mặt bằng sạch” thì việc triển khai, hoàn thành các dự án sẽ không bị kéo dài. Do đó, công việc này cần được chuẩn bị kỹ lưỡng.

Công tác giải phóng mặt bằng với các tuyến đường sắt đô thị cần được chuẩn bị kỹ lưỡng. Ảnh: TL

Theo PGS.TS.KTS Nguyễn Quang Minh, tuyến Metro 3.2 Ga Hà Nội - Hoàng Mai có đặc điểm riêng là đại bộ phận chiều dài đi ngầm nên sẽ giảm thiểu diện tích GPMB. Tuy nhiên, để xây dựng công trình ngầm đòi hỏi công nghệ - trang thiết bị tiên tiến và vốn đầu tư lớn tương xứng để đảm bảo chất lượng.

Với những đoạn phải đi nổi, công tác GPMB cần rút kinh nghiệm từ những dự án đi trước, tạo sự đồng thuận trong xã hội và đền bù thỏa đáng cho những hộ dân phải di dời và đảm bảo tái định cư cho họ ở khu vực mới có điều kiện sống và kinh doanh ít nhất là ngang bằng với nơi ở hiện tại.

Cùng trao đổi, ông Lê Trung Hiếu - Phó Trưởng Ban Quản lý Dự án Đường sắt Đô thị Hà Nội (MRB) cho rằng, để hạn chế những khó khăn vướng mắc khi triển khai dự án, MRB Hà Nội đã và đang thực hiện các giải pháp có liên quan.

Đó là, các tổ công tác của TP.Hà Nội đã được thành lập nhằm giải quyết ngay các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai dự án như nguồn vốn, quy chuẩn, tiêu chuẩn, các quy định về định mức, đơn giá, giá vật tư, thiết bị chuyên ngành ĐSĐT, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về ĐSĐT ở Việt Nam. 

MRB Hà Nội đã làm việc với các nhà tài trợ và Chính phủ để xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù cho ĐSĐT nhằm rút ngắn các quy trình, thủ tục. Cùng với đó là việc lựa chọn tư vấn pháp lý hỗ trợ Chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án nhằm giải quyết các tranh chấp với các Nhà thầu. 

Mặt khác, để đảm bảo tiến độ dự án, MRB đã và sẽ lựa chọn những nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm tốt tham gia triển khai thi công xây dựng.

Công nhân thi công công trình ngầm tuyến Metro Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: T.Vương

Ông Hiếu cho hay, để đẩy nhanh tiến độ, MRB Hà Nội sẽ tiến hành công tác GPMB ngay khi quy hoạch chi tiết được phê duyệt hoặc tách GPMB thành một dự án riêng để thực hiện nhằm đảm bảo có 100% mặt bằng sách giao cho nhà thầu thi công xây dựng ngay khi ký hợp đồng. 

MRB Hà Nội cũng sẽ tăng cường công tác phối hợp giữa chủ đầu tư, các Sở ngành, UBND các quận, huyện để thực hiện tốt công tác lấy ý kiến nhân dân, công khai phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, nắm bắt tâm tư nguyện vọng và yêu cầu chính đáng của nhân dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn