MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Metro số 1 đang chạy thử đoạn trên cao, dự kiến hoàn thành cuối năm nay. Ảnh: Anh Tú

Metro số 1 sẽ tăng 62% số lượng hành khách nếu kết nối mạng lưới xe buýt gom

MINH QUÂN LDO | 28/05/2023 10:23

TP Hồ Chí Minh – Tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) dự kiến hoàn thành cuối năm nay và khai thác thương mại đầu năm 2024 nhằm thu gom và giải tỏa hành khách từ các nhà ga của tuyến Metro số 1 tới các khu vực lân cận và ngược lại, rất cần có sự hỗ trợ của xe buýt.

Tầm quan trọng của xe buýt với Metro số 1

Với chiều dài gần 20 km, tuyến Metro số 1 có 14 nhà ga, trong đó có 11 nhà ga trên cao (chủ yếu dọc theo trục Xa lộ Hà Nội), 3 nhà ga ngầm khu vực trung tâm: Ba Son, Nhà hát Thành phố và Bến Thành.

Tuy nhiên, hiện nay, các tuyến xe buýt của thành phố nằm dọc Xa lộ Hà Nội chỉ đơn thuần để đón trả khách theo nhu cầu lưu thông hiện hữu mà chưa được kết nối vào các nhà ga của Metro số 1.

Một kết quả nghiên cứu mới đây của các chuyên gia Nhật Bản được Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh (MAUR) công bố cho thấy, việc đầu tư phát triển mạng lưới xe buýt gom có thể sẽ giúp tăng lượng khách của tuyến Metro số 1. Trường hợp có mạng lưới buýt gom thì lượng khách là 110.000 lượt hành khách/ngày, tương đương mức tăng 62% so với trường hợp chưa có kết nối.

Theo Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn - chuyên về quy hoạch đô thị, tuyến Metro số 1 khi đưa vào khai thác thì vai trò của xe buýt rất quan trọng. Ông Sơn nhận định, nếu không có xe buýt gom khách thì Metro số 1 sẽ không hoạt động hiệu quả, lượng khách ít, dẫn tới ngân sách nhà nước phải tốn tiền bù lỗ nhiều. “Đáng lẽ metro chưa chạy thì xe buýt phải chạy rồi. Ngay bây giờ, việc kết nối xe buýt vào Metro số 1 là rất cấp bách” – ông Sơn nói.

Hệ thống xe buýt dọc Xa lộ Hà Nội sẽ được tổ chức lại để hút khách đi Metro số 1. Ảnh: Minh Quân

Theo số liệu dự báo nhu cầu vận tải hành khách của tuyến Metro số 1, lượng hành khách lên xuống tại các nhà ga rất lớn (hàng trăm nghìn lượt hành khách mỗi ngày), vượt quá mức độ phát sinh nhu cầu trong khu vực lân cận các nhà ga trong bán kính đi bộ 500 m.

Song song đó, mức độ phân bổ và phát triển dân cư dàn trải hiện nay của TP Hồ Chí Minh cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng vận hành của Metro số 1, nếu khâu tổ chức, phối hợp và liên kết giao thông không đồng bộ.

Tổ chức mạng lưới xe buýt gom khách cho Metro số 1

Ông Lê Hoàn - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Sở GTVT TP Hồ Chí Minh) khẳng định, hiện trung tâm đã có dự án tổ chức mạng lưới tuyến xe buýt kết nối các nhà ga của tuyến metro số 1 phù hợp với định hướng phát triển hệ thống xe buýt và giúp khai thác hiệu quả tuyến metro này.

Dự kiến trong quý IV năm nay, trung tâm sẽ triển khai thi công, hoàn thành đưa vào sử dụng dự án, tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga của tuyến Metro số 1.

Theo đó, hệ thống xe buýt dọc Xa lộ Hà Nội được thay đổi theo hướng từ "điểm nối điểm" sang "tuyến trục - tuyến nhánh". Việc thay đổi này nhằm đảm bảo người dân tại các địa bàn Thành phố Thủ Đức, Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) đều có thể tiếp cận được các nhà ga metro bố trí dọc xa lộ Hà Nội thông qua hệ thống xe buýt.

Ông Lê Hoàn cho hay, khi Metro số 1 hoạt động, ngoài 5 tuyến buýt trục chính bao phủ trục Xa lộ Hà Nội, sẽ có thêm 7 tuyến buýt nhánh và 20 tuyến buýt gom khách đi sâu vào các khu dân cư, làng đại học, khu công nghiệp, khu công nghệ cao... Hệ thống buýt nhánh và buýt gom khách này tạo thành các đường “xương cá” kết nối vào các nhà ga metro. Cứ khoảng 500 m có trạm xe buýt để người dân dễ dàng đón xe tới thẳng các nhà ga metro bố trí dọc Xa lộ Hà Nội.

Ngoài ra, tuyến xe buýt chất lượng cao (thay thế tuyến BRT số 1) dài hơn 26km chạy dọc hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ sẽ kết nối tuyến Metro số 1 tại ga Rạch Chiếc.

Bên cạnh đó, bổ sung các công trình hạ tầng phục vụ vận tải xe buýt và tăng cường khả năng xe buýt tiếp cận các nhà ga trên cao và dọc hai bên các tuyến đường có tuyến đường sắt đô thị chạy qua.

Cụ thể, xây dựng mới các hạng mục công trình gồm 67 nhà chờ xe buýt, 196 trụ dừng xe buýt, đường bộ hành, vỉa hè… tại 11 vị trí lân cận các nhà ga metro như Văn Thánh, Tân Cảng, Thảo Điền, An Phú, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Thủ Đức, khu Công nghệ cao, Đại học Quốc gia, Bến xe Suối Tiên.

Riêng khu vực nhà ga Văn Thánh và Bình Thái sẽ được xây dựng mới các sân, bãi dừng, đậu cho các xe buýt, taxi… với tổng diện tích xây dựng khoảng 3.260 m2.

Khởi công năm 2012, Metro số 1 là dự án đường sắt đô thị đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỉ đồng. Toàn dự án hiện đạt khoảng 95% khối lượng,

MAUR cho biết đang triển khai thi công khối lượng còn lại của dự án như: hoàn thiện kiến trúc, lắp đặt thiết bị hệ thống, xây 9 cầu bộ hành, tòa nhà văn phòng Công ty O&M, gói thầu hệ thống công nghệ thông tin cho văn phòng Công ty O&M.

Đến nay, tuyến Metro số 1 đã tiến hành chạy thử đoạn trên cao từ ga bến xe Suối Tiên đến An Phú.

Sau khi hoàn tất công tác xây dựng, MAUR cho biết sẽ tiến hành nghiệm thu, bàn giao công trình cho Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt đô thị số 1 TP Hồ Chí Minh (Công ty HURC1) để chuẩn bị cho công tác vận hành, khai thác và bảo dưỡng cho tuyến Metro số 1 từ năm 2024. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn