MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lũ dâng cao bất thường ở vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh). Ảnh: X.H

Miền Trung: Biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt

NHÓM PV LDO | 26/10/2020 09:11
Trận mưa lũ vừa qua có thể nói là thảm hoạ thiên tai. Những hậu quả tang thương, mất mát con người và tài sản đã gióng lên hồi chuông về sự khốc liệt của biến đổi khí hậu.

Lũ lên nhanh bất thường, dân trở tay không kịp

Lượng mưa kỷ lục, đỉnh lũ vượt lũ lịch sử và sạt lở đặc biệt nghiêm trọng là những gì đã diễn ra ở tỉnh Quảng Trị từ ngày 6.10 đến ngày 22.10. Cụ thể, đợt mưa lũ vừa qua, lượng mưa trên địa bàn tỉnh Quảng Trị phổ biến từ 1.500mm ÷ 2.200mm; có nơi cao hơn, như xã Hướng Sơn 3.117mm. Mưa lớn, khiến lũ trên các sông đều lên nhanh và đạt đỉnh phổ biến ở mức xấp xỉ báo động 3 và trên báo động 3, riêng sông Hiếu (đo tại trạm Thủy văn Đông Hà) vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1983 (5,48m) 0,78m, sông Bến Hải (đo tại trạm Thủy văn tự động Hiền Lương) vượt đỉnh lũ lịch sử năm 2005 (2,76m) là 0,20m.

Nhà ông Hoàng Đức Hồ (xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) nằm ở nơi cao, và cách sông Hiếu một quãng ngắn. Những năm trước, vào mùa mưa lũ nước có ngập, nhưng chỉ vào đến sân, cao lắm thì xâm xấp ở ngang đầu gối. Nhưng năm nay, vào ngày 17.10 nước lũ đổ về rất đột ngột. Mới thấy ngang nền nhà, dọn đồ đạc quay lại đã ngang đầu gối, rồi một lúc sau thì ngang bụng, rồi ngập đến cửa sổ. Không nghĩ nước sẽ lên cao như vậy, cả gia đình ông Hồ 5 người đều không đi sơ tán, nên đã bị mắc kẹt. Ông Hồ cầu cứu, thì được canô của Công an huyện Cam Lộ đến di tản ra khỏi ngôi nhà đang ngập trong nước lũ. “Sống nửa đời người ở nơi này, nhưng lần đầu thấy nước lũ về ngập lênh láng như vậy” - ông Hồ, nói.

Tương tự, ở vùng rốn lũ huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị), lụt năm nào cũng về như cơm bữa. Nhưng năm nay thì khác, đến ngôi nhà tránh lũ được xây 2 tầng kiên cố ở thôn Trung Đơn (xã Hải Định, huyện Hải Lăng) cũng bị ngập gần hết tầng 1. Ông Lý Đình Du (trú tại thôn Trung Đơn) nói rằng, cả thôn chỉ còn vài nhà cao tầng là bám trụ được ở tầng trên, còn lại người dân sơ tán đến nhà tránh lũ hoặc trụ sở xã. “Nhưng ở trụ sở xã hay nhà tránh lũ chi cũng bị ngập gần hết tầng 1. Chưa năm nào lũ lên nhanh và ngập sâu như năm ni” - ông Lý Đình Du, cho hay.

Nếu ở các vùng đồng bằng bị ngập lụt trên diện rộng, thì trận mưa lũ này khiến miền núi tỉnh Quảng Trị bị ảnh hưởng không kém, khi hàng nghìn ngôi nhà ở gần sông, khe suối cũng bị ngập lụt. Đặc biệt, tình trạng sạt lở đất đã gây cô lập nhiều địa phương, và khiến ít nhất 30 người thiệt mạng.

Vượt dự báo và tính toán

Ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị nói rằng, khác với những năm trước, năm nay tình hình mưa bão ở địa phương diễn ra phức tạp, gây ảnh hưởng từ miền núi đến đồng bằng với thiệt hại về tài sản ước tính ban đầu là 2.000 tỉ đồng. “Mưa lũ càng ngày càng nghiêm trọng, vượt qua những dự báo và tính toán, nên không chỉ thiệt hại về tài sản mà cả về con người” - ông Hà Sỹ Đồng, thông tin.

Tại các địa phương như Quảng Bình, Hà Tĩnh, mưa lũ vừa qua gây thiệt hại rất lớn bởi vì qua nắm bắt thông tin từ người dân, ai cũng cho rằng do mưa lũ bất ngờ, nước dâng lên quá nhanh nên người dân trở tay không kịp. Tại Hồ Kẻ Gỗ (Cẩm Xuyên-Hà Tĩnh), lượng mưa quá lớn khiến lượng nước đổ về hồ có thời điểm lên tới hơn 2.000m3/s, buộc hồ phải xả tràn với mức hơn 1.000m3/s, gây ra tình trạng ngập lụt nặng nề vùng hạ du (huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, TP.Hà Tĩnh).

Theo Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên-Huế, liên tiếp từ ngày 6-22.10, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một tổ hợp hình thế thời tiết vô cùng cực đoan, với lượng mưa trung bình toàn tỉnh đạt 2.400mm, có nơi cao hơn như Bạch Mã 3.000mm, A Lưới 2.970mm, bằng 84% tổng lượng mưa trung bình cả năm. Trên các sông đã xuất hiện 3 cơn lũ đặc biệt lớn, với mức nước sông Bồ có 3 lần vượt báo động 3, trong đó có 1 lần đạt 5,24m, vượt mức lịch sử năm 1999 (là 5,18m). Trên sông Hương mức nước cao nhất đạt 4,17m trên báo động 3 là 0,67m.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn