MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dịch COVID-19 đã làm hơn 44.000 lao động trong ngành Dịch vụ, du lịch ở Đà Nẵng mất việc. Ảnh: Nguyễn Tú

Miền Trung: Hàng chục nghìn lao động “mất việc chồng mất việc”

Nhóm PV LDO | 17/08/2020 12:12
Dịch COVID-19 bùng phát lần hai nên người lao động mất việc chồng mất việc. Theo thống kê chưa đầy đủ từ các địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, trung bình mỗi địa phương có hàng chục nghìn lao động bị ảnh hưởng, mất việc lần hai do dịch COVID-19.

Hàng chục nghìn CNLĐ và nLĐ tự do mất việc

Theo báo cáo của LĐLĐ thành phố (TP), hiện Đà Nẵng có hơn 56.000 công nhân lao động (CNLĐ) bị mất việc, ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tập trung nhiều nhất ở khối ngành Du lịch, dịch vụ với 44.274 người.

Tại các khu công nghiệp và khu công nghệ cao (KCN -KCNC), hiện 514 doanh nghiệp (DN) bị tác động lớn, trong đó có 14 DN phải tạm ngừng hoạt động, khiến trên 8.000 lao động (LĐ) phải nghỉ việc từ 7-14 ngày trở lên. Với khối du lịch dịch vụ, con số 44.274 là tăng gấp đôi so với đợt dịch hồi đầu năm với số LĐ làm việc trong các DN du lịch, dịch vụ bị tạm hoãn hợp đồng lao động (HĐLĐ), nghỉ không lương, làm việc luân phiên là trên 23.000 người.

Một trung tâm du lịch khác của miền Trung là TP.Hội An của tỉnh Quảng Nam, tình hình cũng không khá hơn với 53/54 tổ chức công đoàn cơ sở (CĐCS) trong các DN ở TP này ngừng hoạt động. Hơn 6.000 LĐ trong khối du lịch, dịch vụ bị mất việc hoàn toàn từ khi dịch COVID-19 tái bùng phát. Trong đó, hơn 5.200 người lao động (NLĐ) tại 53 CĐCS, nghiệp đoàn bị ngừng việc, chấm dứt HĐLĐ.

Đó là chưa kể đến con số những NLĐ tự do ở Đà Nẵng và Quảng Nam đến từ nhiều địa phương khác, đời sống phụ thuộc vào việc có làm có ăn, không làm không có ăn, không những bị mất việc hoàn toàn mà còn kẹt lại ở các TP. Ở Đà Nẵng, theo thống kê từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TP, con số này là khoảng 16.000 người. Ở Quảng Nam, con số là khoảng hơn 5.000 người… Tất cả họ đang lay lắt, mòn mỏi chờ các địa phương xây dựng chính sách hỗ trợ cũng như phương án “thoát khỏi” tâm dịch để về quê.

Đáng nói là hiện trong thời điểm chống dịch nước sôi lửa bỏng, các địa phương vẫn chưa có phương án gì hỗ trợ NLĐ tối ưu ngoài các con số thống kê. Tổ chức Công đoàn, dù đã vào cuộc rất sớm như LĐLĐ TP.Đà Nẵng, nhưng do số LĐ mất việc quá đông, trong khi nguồn lực hạn chế, nên các phần quà cũng chỉ mang tính giúp đỡ vượt qua khó khăn trước mắt và động viên tinh thần NLĐ là chính.   

Không phải tâm dịch cũng mất việc

Dù không phải tâm dịch như Đà Nẵng hay Quảng Nam, nhưng Khánh Hòa hiện nay cũng có hàng chục nghìn lao động lại bị mất việc hoặc ảnh hưởng.

Trở lại ngoạn mục sau 6 tháng “ngủ đông” do dịch, nhưng từ ngày 10.8, Công ty Du lịch Long Phú buộc phải đóng cửa 2 khu du lịch Đảo Hoa Lan và Đảo Khỉ lần 2 trong năm. Ông Trần Minh Đức - Phó Giám đốc công ty - cho biết: “Từ tháng 5 đến tháng 7, mỗi ngày chúng tôi đón 1.000 lượt khách, cao điểm có ngày 1.400 khách. Nhưng tháng 8, hơn 3.500 khách hủy tour, tổng doanh thu thiệt hại hơn 15 tỉ đồng. Cùng với diễn biến dịch, chúng tôi buộc phải đóng cửa 2 khu du lịch, kèm theo đó là cả trăm nhân viên vừa đi làm lại chưa lâu thì tiếp tục phải nghỉ”.

UBND tỉnh Khánh Hòa đánh giá, trong 6 tháng đầu năm do tình hình dịch bệnh COVID-19, toàn tỉnh có khoảng 58.240 NLĐ bị ảnh hưởng. Trong đó, 15.500 NLĐ bị chấm dứt HĐLĐ, 42.700 NLĐ tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không lương, ngừng việc, giãn ca, giảm ngày làm việc… Có 1.664 DN bị ảnh hưởng, 873 DN và 1.211 hộ cá nhân kinh doanh ngừng hoạt động. Tình hình sản xuất ở một số lĩnh vực phải ngừng như du lịch, thương mại, dệt may, da giày, sợi… Nguyên nhân chủ yếu do thiếu nguồn nguyên liệu, không có đơn đặt hàng, lượng khách du lịch giảm, sức mua sắm của người dân thấp.

Trong khi đó, tại các KCN, DN nhiều tháng qua đang cố gắng duy trì lực lượng LĐ với nhiều phương án như giảm giờ làm việc trong tuần, luân phiên làm việc... Tuy nhiên, sang tháng 9, dự báo sẽ có nhiều đơn vị cho LĐ nghỉ việc vì không có đơn hàng. Bà Huỳnh Thị Nam Khánh - Phó Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế-Khu công nghiệp (KKT-KCN) Khánh Hòa - thông tin: “Báo cáo của CĐCS đến ngày 10.8 có 5.453 LĐ bị ảnh hưởng việc làm, tăng gấp đôi so với tháng 5.2020. Số LĐ bị chấm dứt HĐLĐ 786 người, tạm hoãn HĐLĐ là 1.861 người và LĐ làm việc luân phiên 2.806 người. Sang tháng 9, các đơn hàng tiếp tục giảm sút, vì vậy một số đơn vị kéo dài cho công nhân tạm dừng việc”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn