MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủy điện Hố Hô (Hương Khê, Hà Tĩnh) xả lũ từ sáng 10.10. Ảnh: TRẦN TUẤN

Miền Trung lại chìm trong mưa lũ

GHI NHANH CỦA NHÓM PV BẮC TRUNG BỘ LDO | 11/10/2017 06:58
Chỉ chưa đầy 1 tháng trước, 6 tỉnh miền Trung phải oằn mình hứng chịu cơn bão số 10. Hàng chục người chết và mất tích, hơn 6.000 tỉ đồng thiệt hại về tài sản còn chưa khắc phục xong, thì một lần nữa người dân nơi đây phải hứng chịu đợt áp thấp nhiệt đới gây mưa lũ trên diện rộng. Người dân xứ Nghệ và miền Trung lại tiếp tục lao đao...

 

Diêm dân Nghệ An tìm cách vớt vát muối bị lũ tràn về. Ảnh: NGUYỄN HỒNG QUÂN

Mưa lớn, thủy điện liên tiếp xả lũ gây ngập nặng

Hà Tĩnh là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt mưa lũ này. Mưa lớn kéo dài, sáng 10.10, thủy điện Hố Hô (Hương Khê) bắt đầu xả lũ, đến chiều cùng ngày, xả 3 cửa với lưu lượng nước mạnh. Ông Vũ Mạnh Hùng - Giám đốc Cty Thủy điện Hồ Bốn (Cty sở hữu Nhà máy thủy điện Hố Hô) - cho biết, lúc 7h sáng 10.10, nước đổ về hồ đạt đỉnh gần 1.600m3 nên nhà máy đã xả 1.219m3/s. Đến 10h30, khi nước đổ về hồ giảm còn 680m3/s thì điều tiết xả lưu lượng 491m3/s. Trước khi xả lũ và sau mỗi lần điều tiết, nếu tăng lưu lượng xả thì đều thông báo đến chính quyền tỉnh, huyện và các xã ở hạ du.

Ông Lê Quang Vinh - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hương Khê - cho biết, hiện đã có 8 xã của huyện Hương Khê bị ngập lụt gây cô lập. Cụ thể như các xã: Phương Mỹ, Phương Điền, Hương Đô, Hương Giang, Hương Thủy... Ông Vinh cũng lo ngại, hiện nước sông Ngàn Sâu vẫn đang dâng, trong khi thủy điện Hố Hô vẫn đang điều tiết xả sẽ tiếp tục gây ngập lụt lớn.

Cuối chiều 10.10, ông Hoàng Xuân Tần - Chủ tịch UBND xã Phương Mỹ (Hương Khê) - cho biết, mưa lớn cùng với việc thủy điện Hố Hô xả lũ điều tiết trước, trong và sau khi áp thấp nhiệt đới đổ bộ nên hiện nay, hầu hết các con đường trong xã đã bị ngập, có chỗ ngập sâu đến 2,5m. Xã hoàn toàn bị cô lập, trường học, một số quán hàng ven đường đã bị ngập. “Hiện nước vẫn đang lên. Thủy điện vẫn đang giữ lưu lượng xả 491m3/s nên đang gây lo ngại sẽ ngập lụt rộng thêm” - ông Tần nói. Là địa bàn trũng thấp nhất của huyện, ngập sâu và rút chậm nên chắc chắn phải sau một tuần nữa thì học sinh của xã mới trở lại trường được. Hiện việc đi lại đều phải sử dụng thuyền.

Tại huyện Hương Sơn, mưa lớn liên tục hai ngày nay làm nước sông dâng cao, nhiều khu vực đã bị ngập, chia cắt, xảy ra hiện tượng sạt lở đất, làm cuộc sống người dân đảo lộn. Mưa lớn đã làm cho một số tuyến đường giao thông bị ngập và chia cắt tại tuyến đường nội thị thuộc thị trấn Phố Châu, các xã Sơn Giang đi Sơn Lâm, SơnThịnh, Sơn An, Sơn Lễ, Sơn Tiến, Sơn Phúc, Sơn Mai, Sơn Thủy, Sơn Lĩnh. Trường Mầm non Sơn Giang, Sơn Mai, Trường THCS Sơn Tiến, Trường Mầm non Sơn Phúc, Trường THCS Phan Đình Phùng xã Sơn Hàm.

Hiện công tác chỉ đạo ứng phó đang được khẩn trương triển khai. Các xã, thị trấn đang khẩn trương rà soát lại các hộ có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và có kế hoạch sơ tán. Hiện tại đã sơ tán 19 hộ, 57 khẩu, tại các xã Sơn Kim 2 có 14 hộ, 46 khẩu, Sơn Tiến 4 hộ, 10 khẩu, Sơn Lễ 1 hộ, 1 khẩu. Công an huyện đã hạ thủy 1 thuyền máy tại vị trí cầu Tràn Phố Châu, Ban Chỉ huy Quân sự huyện hạ thủy 1 thuyền máy tại xã Sơn Giang sẵn sàng ứng cứu kịp thời các tình huống trong mưa lũ.

Hiện đường QL8A qua huyện Hương Sơn có 2 vị trí ngập gồm đoạn qua Bến xe trung tâm và khu vực cổng B Cửa khẩu Cầu Treo. Trong đó, khu vực cổng B nước ngập sâu tới 50-60cm, các xe máy, xe ôtô con không thể di chuyển được. Thủy điện huyện Hương Sơn cũng đã điều tiết xả lũ từ 12h ngày 10.10.

Tại huyện Vũ Quang, hiện có hơn 500 ngôi nhà ở xã Đức Giang và Đức Bồng bị ngập, một số tuyến đường liên thôn cũng bị ngập. Mưa, lũ cũng đã gây vỡ đập Cố Châu ở xã Gia Hanh (huyện Can Lộc) có dung tích gần 5 triệu mét khối. Vị trí bị vỡ gồm 2 điểm: Tại đập chính đoạn vỡ được xác định khoảng 20m, đập phụ vỡ chừng 7m. Do vỡ đập đã gây ngập lụt cục bộ cho 4 xã hạ du. Ngay khi vỡ đập, chính quyền địa phương đã tập trung chỉ đạo người dân hạ du kê cao các tài sản, bảo vệ tính mạng. Trong sáng 10.10, tuyến QL15B đoạn qua xã Sơn Lộc (Can Lộc) nước ngập băng đường, 1 chiếc xe bán tải bị nước cuốn trôi khi cố vượt qua vùng nguy hiểm. Rất may tài xế nhanh chóng thoát ra ngoài.

Người dân Hà Tĩnh liều mình vớt củi trôi lụt. Ảnh: MINH LÝ

7 người chết và mất tích

Theo thống kê ban đầu, hiện các tỉnh miền Trung đã có 7 người tử vong và mất tích do mưa lũ. Nghệ An là địa phương thiệt hại nặng nề nhất về người, với 5 người tử vong. Ông Nguyễn Ngọc Quế (SN 1958, xã Nghi Thiết, Nghi Lộc) bị điện giật tử vong. Ông Nguyễn Trung Hải (SN 1966, xã Quang Sơn, Đô Lương) đi đánh cá bị nước cuốn trôi. Cháu Lang Gia Huy (SN 2013, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Hợp) bị trượt chân ngã xuống suối tử vong. Cháu Lê Thị Huyền (SN 2005, xã Lý Thành, Yên Thành) bị trượt chân ngã xuống ngõ ngập nước bị cuốn trôi. Chị Hồ Thị Sáu (SN 1993, xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp) đi qua cống bị nước cuốn trôi. Nghệ An còn có một nạn nhân mất tích là chị Lê Thị Ngoan (SN 1995, xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai) trên đường chở cháu đi học bị nước cuốn.

Chiều tối 9.10, học sinh Lê Văn S của Trường THPT Lê Lợi (TP.Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) khi đi học về, ngang qua đoạn cống ở khu phố 4, phường Đông Lễ (TP.Đông Hà) thì bị nước lũ cuốn trôi, mất tích. Cơ quan chức năng đã huy động lực lượng công an, quân đội, chính quyền địa phương với quân số hàng trăm người để triển khai công tác tìm kiếm nạn nhân, nhưng chưa có kết quả.

Trường Mầm non Sơn Giang (Hương Sơn, Hà Tĩnh) ngập trong biển nước. Ảnh: MINH LÝ

Nhiều địa bàn bị cô lập, ngập sâu

TP.Vinh (Nghệ An), sáng 10.10 chìm trong cơn ngập nặng. Nhiều tuyến đường nước ngập sâu hàng mét, xe máy, ôtô chết máy và không thể lưu thông, các trường học đóng cửa, bệnh viện vắng người. Nhiều tuyến đường ngập nặng, sạt lở, ách tắc giao thông.

Từ rạng sáng 10.10, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên tại Quảng Bình, nhiều nơi có mưa to, nước lũ dâng cao khiến nhiều địa bàn bị cô lập. Từ sáng 10.10, nhiều nơi thuộc phía bắc tỉnh Quảng Bình bị ngập cục bộ, gây chia cắt giao thông tại các xã Phù Hóa, Quảng Thạch, Quảng Trường, Quảng Tiến, đường từ chợ Phù Hóa đến xã Quảng Liên (huyện Quảng Trạch), cầu phao ở xã Quảng Trường cũng tạm dừng hoạt động từ rạng sáng 10.10... Mưa rất to khiến nhiều tuyến đường thuộc huyện miền núi Minh Hóa cũng bị nước lũ cô lập cục bộ, thôn Kim Bảng (xã Minh Hóa), xã Tân Hóa có 4 điểm bị chia cắt; đường vào bản Lòm nơi sinh sống của đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa cũng bị chia cắt… Trong ngày 10.10, học sinh trên toàn huyện Minh Hóa đều phải nghỉ học do nước lũ dâng cao không thể đến trường. UBND huyện Minh Hóa cho biết, tại xã Tân Hóa, học sinh còn phải nghỉ học dài ngày do đường bị chia cắt, nước rút chậm. Trước đó, vào trưa 9.10 ông Thái Xuân Hóa (ở thôn 1, Yên Thọ, xã Tân Hóa) khi đi qua ngầm Lạc Thiện (xã Tân Hóa) thì bị nước cuốn cả người và xe. May mắn ông Hóa bơi được vào bờ còn chiếc xe máy thì bị nước lũ cuốn trôi. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn