MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hạn hán khốc liệt tại miền Trung và Tây Nguyên ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Ảnh: PCTT

Miền Trung và Tây Nguyên đang vật lộn với hạn hán khốc liệt

Khánh Vũ LDO | 13/04/2020 09:47

Dung tích trữ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện ở miền Trung và Tây Nguyên đang ở mức thấp, một số nơi tương đương các năm hạn hán nặng 2015- 2016. Miền Trung đang đối mặt với nắng nóng, hạn hán trên diện rộng.

Nhiều nơi “khát nước”

Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên trong tháng 4-5.2020 tiếp tục ít mưa và thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Dòng chảy trên các sông phổ biến thiếu hụt từ 15-70%, một số sông thiếu hụt trên 85%.

Đã hơn 1 tháng nay, tình trạng nắng nóng, khô hạn đã xảy ra tại Tây Nguyên. Theo ông Phan Văn Quân - Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Thành Công (xã Dliê Ya huyện Krông Năng – tỉnh Đắc Lắc), xã Dliê Ya huyện Krông Năng có tổng diện tích tự nhiên 8.625ha; trong đó, đất sản xuất nông nghiệp 6.412ha. Phần lớn người dân làm nông nghiệp nên nắng nóng đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất.

“Hợp tác xã đã lập phương án chống hạn, nhiều hộ dân đã chuyển sang tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước, nhưng do hiện lượng nước trong 5 hồ chứa vừa và lớn chỉ còn khoảng 50-70%, các hồ chứa nhỏ còn dưới 40% dung tích thiết kế, nên nếu trong 1 tháng tới trời không mưa, xã sẽ đối mặt với tình trạng hạn hán, không còn khả năng cung cấp nước phục vụ tưới tiêu”- ông Quân cho biết.

Tại tỉnh Kon Tum, gần 3 tháng nay trên địa bàn tỉnh không có mưa. Lượng nước ở các sông suối trên địa bàn tỉnh đang thiếu hụt 40-70% so với trung bình hằng năm, nhiều hồ đập trên địa bàn tỉnh cạn nước do lượng mưa năm 2019 thiếu hụt 20%. 

Tại Quảng Nam, mực nước ở các huyện Thăng Bình, Quế Sơn, Núi Thành… thấp hơn trung bình nhiều năm, thậm chí có hồ thấp hơn 2-3m.

Khẩn trương ứng phó với hạn hán

Theo Tổng cục Phòng, Chống thiên tai,  mùa khô năm nay dự báo sẽ diễn ra khá nghiêm trọng ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Đặc biệt là tại lưu vực sông Ba, qua tỉnh Gia Lai và Phú Yên. 

Hạn hán ở miền Trung và Tây Nguyên. Ảnh: TNMT

Với tình trạng nguồn nước như trên, nguy cơ xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước trên diện rộng, ở mức hạn vừa đến hạn nặng, thậm chí hạn hán cực đoan nếu xảy ra tình trạng nắng nóng kéo dài.

Trước tình trạng nói trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đề nghị các địa phương nói trên thực hiện nghiêm Chỉ thị 04/CT-TTg ngày 22.1.2020 của Thủ tướng về việc triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Các địa phương theo dõi, cập nhật sát thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, thông tin dự báo nguồn nước và khuyến cáo xây dựng kế hoạch sử dụng nước.

Xác định từng vùng, số hộ khả năng thiếu nước sinh hoạt, xây dựng phương án cân đối cung cấp nước sinh hoạt cho từng cụm dân, xã, huyện, bảo đảm không để người dân thiếu nước sinh hoạt; giám sát việc vận hành việc điều tiết nước các công trình thủy lợi, hồ chứa thủy điện; khi xảy ra thiếu nước, phải ưu tiên cung cấp cho sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng lâu năm…

Dự báo, trong những tháng còn lại đặc biệt là từ tháng 5 đến tháng 8.2020, lượng dòng chảy trên các sông suối ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên vẫn rất nhỏ, phổ biến thiếu hụt từ 15-70% so với trung bình nhiều năm và có thể gay gắt hơn mùa khô năm 2019. Vì vậy, nguy cơ tiếp tục xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước là rất lớn và có thể sẽ rất nghiêm trọng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các địa phương chuyển giao các công trình giếng khoan đã được tìm kiếm, thăm dò và kết cấu thành các giếng khoan khai thác để đầu tư, xây dựng các công trình cấp nước tập trung; tìm kiếm nguồn nước dưới đất, số liệu quan trắc, dự báo và cảnh báo tài nguyên nước để thực hiện các giải pháp phòng chống hạn hán thiếu nước, xâm nhập mặn trước mắt cũng như  lâu dài, đặc biệt là bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho nhân dân những vùng đang xảy ra tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn