MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nghiêm bên căn nhà cấp 4 cũ của mình

Miệt mài 5 năm “xây nhà” cho 500 hài cốt vô chủ

Tuấn Quỳnh LDO | 17/11/2019 07:45

Mặc dù căn nhà của gia đình đang xuống cấp, thế nhưng ông Trần Xuân Nghiêm trú tại làng Thượng Lộc xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) vẫn dồn tiền, kêu gọi nhiều người chung tay xây dựng hàng trăm ngôi mộ cho hài cốt vô chủ về nghĩa trang địa phương.

Buổi chiều đầu đông lạnh giá, hình ảnh một người đàn ông tuổi ngoại lục tuần, len lỏi thắp hương cho những ngôi mộ khiến chúng tôi vô cùng xúc động. Ông là Trần Xuân Nghiêm (64 tuổi), người đã bỏ ra hơn 5 năm trời tìm kiếm và chôn cất những hài cốt vô chủ.

Theo lời kể của ông Nghiêm, làng Thượng Lộc nơi ông đang sinh sống trước đây là một cánh đồng hoang. Ngày trước, chưa có quy hoạch nghĩa trang cụ thể nên các xóm 8,9,10 xã Nghi Vạn mỗi khi có người mất lại mang thi thể đến đây chôn lấp. Cuối năm 1978, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông xuất ngũ về quê lấy vợ và được xã cấp đất ở khu vực này làm nơi trú ngụ.

Khi đó, người dân ra đây dựng nhà ở nhưng hết sức lo lắng, bất an bởi dưới lòng đất có rất nhiều ngôi mộ vô chủ. Thấy nhưng hài cốt nằm phơi sương, hay những ngôi mộ vô chủ không người thân chăm sóc, trâu bò giày xéo mỗi ngày, ông lại không cam lòng.

Ông Nghiêm kể: “Đến năm 2013, người con trai đi xuất khẩu nước ngoài, chắt chiu những tháng lương đầu tiên của mình gửi về cho vợ chồng tôi sửa lại căn nhà cấp 4 đã hư hỏng. Cầm 50 triệu trong tay tôi liền nghĩ đến dự định ấp ủ xây dựng khu nghĩa trang bấy lâu nay. Đem chuyện này bàn với vợ, may sao bà nhà đồng ý ngay. Không chần chừ tôi bắt tay vào việc xây dựng khu nghĩa trang vào ngay ngày hôm sau".

Hằng ngày, ông đến từng nhà để vận động, thuyết phục người dân cùng đi bốc mộ với mình. Thấy việc làm có ý nghĩa, nhiều người dân trong làng đã ủng hộ ông. Ông Nghiêm bỏ tiền ra mua gạch, đá, xi măng, tiểu sành, chọn khu đất nằm cạnh nghĩa trang của làng để xây nghĩa trang riêng cho những ngôi mộ bỏ hoang. Những ngôi mộ đầu tiên được xây lên trong sự phấn khởi của mọi người.

Khi đó, bà Phạm Thị Dương, vợ ông Nghiêm, cùng những phụ nữ trong xóm nấu nướng, sửa soạn bữa trưa và bữa tối cho những người đi cất bốc mộ. Cùng với sự giúp sức của người dân, ngày đầu tiên ông bốc được 30 hài cốt. Để thuê thợ xây mộ, ốp lát gạch men hoàn chỉnh, mỗi mộ tính ra chi phí cũng gần 1 triệu, theo đó số tiền 50 triệu của con trai gửi về cũng vơi dần.

Thấy được sự nhân văn, cần thiết của việc xây dựng nghĩa trang, nhiều người dân ở đây như gia đình ông Trần Xuân Tiềm, Trần Xuân Liêm... cùng nhau tích cực tham gia vào việc tìm kiếm các ngôi mộ vô chủ. Người góp công, người góp của làm việc nghĩa. Nhiều gia đình có con em lao động kiếm sống ở nước ngoài đã vận động gửi tiền về để góp vào xây dựng nghĩa trang. Theo thống kê đã có hơn 500 triệu đồng được gửi về từ nước ngoài đóng góp kinh phí để xây dựng nghĩa trang.

Khi rảnh rỗi, ông Nghiêm lại ra nghĩa trang quét dọn cho sạch sẽ. Những dãy mộ không xác định được tên tuổi nên không gắn bia, được xây cất gọn gàng, ngăn nắp, ngay hàng thẳng lối.

Trên nền bê tông rộng chừng 500 m2, cao cách mặt đất khoảng 25 cm là các dãy mộ được ghép bằng gạch hoa sáng bóng. Mỗi hàng có 22 ngôi mộ, tính ra đến thời điểm hiện tại cũng gần 500 mộ. Ông Nghiêm nói, cứ đến ngày rằm, lễ tết việc hương hoa cũng do ông đảm nhiệm. “Mình làm việc thiện thì đầu óc cũng  thấy vui và thoải mái hơn hẳn”.

"Đến năm 2014, khi căn nhà cấp 4 đã chuẩn bị sập, xét thấy việc xây dựng nghĩa trang cho những hài cốt không tên căn bản đã hoàn chỉnh, tôi mới tính đến xây nhà cho bản thân mình", ông Nghiêm nói. 

Với ông, hạnh phúc là làm được một việc thiện gì đó cho người khác, kể cả người đã khuất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn