MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Phương bên những ngôi mộ trong nghĩa trang cá voi ở Cẩm Nhượng. Ảnh: TT.

Miếu Đức Ngư Ông cùng tục táng cá voi ở vùng biển Cẩm Nhượng

TRẦN TUẤN LDO | 15/02/2022 12:07
Hà Tĩnh - Miếu thờ cá voi với tên gọi Đức Ngư Ông nằm bên bờ biển thuộc thôn Xuân Bắc, xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên có diện tích hơn 2.000 m2 với lịch sử khoảng 600 năm từ thời khai sinh vùng đất này.

Chăm chút miếu Đức Ngư Ông

Tìm hiểu về miếu Đức Ngư Ông cùng tục án táng cá voi tại xã biển Cẩm Nhượng, ông Nguyễn Hữu Phương - Trưởng ban quản lý miếu chia sẻ, đây là công trình đã được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh Hà Tĩnh năm 2007.

Trong khuôn viên miếu có ba điện thờ cá voi, được đặt các tên gồm: Nam Hải Nhân Ngư Tôn Thần; Đức Cá Ông, Đức Cá Bà; Đức Cậu và Đức Cô. Trong đó, Nam Hải Nhân Ngư Tôn Thần được thờ chính tại đây là một con cá voi lớn. Bên trái là nghĩa trang cá voi với hơn 100 ngôi mộ.

Miếu Đức Ngư Ông. Ảnh: TT.

Tương truyền, một lần vua Lê Thánh Tông cùng tùy tùng đi thuyền rồng trên biển, bất ngờ bão tố nổi lên khiến mọi người một phen sợ hãi. Lúc này bỗng xuất hiện một cá voi lớn đẩy thuyền vào bờ an toàn.

Thoát nạn, nhà vua bèn đặt tên cá là một vị Đại vương, cho lập miếu thờ cúng, ban tặng sắc phong. Từ đó về sau, ngư dân địa phương mỗi lần ra khơi thường đến miếu cầu may, cầu an rồi hình thành nên tục an táng cá voi.

Cũng như nhiều ngư dân địa phương, khi còn trẻ theo nghề biển, mỗi lần ra khơi, ông Phương thường đến miếu thắp hương cầu khấn chuyến ra khơi được an toàn, may mắn. Ông cũng là người đã tham gia chôn cất, an táng nhiều cá voi bị nạn chết dạt vào bờ.

Theo quy định, ngư dân thấy cá voi chết thì sẽ gọi điện, chụp ảnh gửi về cho Trưởng ban lễ nghi để chuẩn bị, sau đó vào bờ phối hợp làm thủ tục chôn cất.

Điện thờ bên trong miếu Đức Ngư Ông. Ảnh: TT.

Ông Phương kể, khi tiếp nhận một con cá voi bị chết, ban lễ nghi sẽ thắp hương cầu khấn, làm lễ xin thổ địa cho cá được an táng tại khu vực miếu. Mọi người sau đó dùng nước sạch rửa cá, xịt nước hoa, đổ rượu lên thân để khâm liệm như khâm liệm người chết.

Nếu trên đầu cá có chữ thập, nghĩa là cá voi già, được đặt tên là Đức Cá Ông hoặc Đức Cá Bà. Đối với những con không có chữ thập trên đầu thì phải tung đồng xu. Nếu ba lần hai xu đều thể hiện một mặt dương thì đặt lên là Đức Cậu - là con cá đực. Ngược lại hai mặt xu cùng lật mặt âm thì tên Đức Cô - là cá cái. Xong thủ tục khâm liệm, cá được đưa ra khu đất trống cạnh miếu để chôn cất.

Hương khói nghĩa trang cá voi

Hiện nay nghĩa trang cá voi trong khuôn viên miếu Đức Cá Ông rộng khoảng 300 m2, phía trên có một tấm bia lớn màu xanh, đúc tượng con cá voi màu xám, xung quanh có hơn 100 ngôi mộ bằng ximăng,  bề ngang 40 cm, dài gần 1 m, phía trước đặt tấm bia, lư hương.

“Mỗi năm phát hiện 3-5 con cá voi nặng từ 20-50 kg chết dạt bờ, năm nhiều nhất hơn 10 con, đều được ngư dân cùng ban lễ nghi gồm tôi và 14 thành viên khác tổ chức an táng chu đáo tại miếu này” - ông Phương chia sẻ.

Theo Trưởng Ban quản lý miếu, cá voi mới chết sẽ chôn ngoài nghĩa trang, được làm lễ cúng hương đăng, hoa quả vào các thời điểm 3 ngày, 50 ngày, 100 ngày, giỗ đầu. Sau hai năm, khi "mãn tang" sẽ làm lễ bốc mộ, cải táng đưa bộ xương vào chôn cất trong nghĩa trang.

Mộ cá voi trong nghĩa trang cạnh miếu Đức Ngư Ông. Ảnh: TT.

Theo thời gian, miếu Đức Ngư Ông bị xuống cấp, 4 năm trước được chính quyền phối hợp với người dân phục dựng lại. Ông Phương mong muốn sắp tới sẽ quyên góp kinh phí để làm tấm bia tượng cá lớn, đồng thời thay mới những ngôi mộ cũ để nơi thờ tự cá được khang trang hơn.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng - cho biết, tục an táng cá voi tại miếu Đức Ngư Ông là sinh hoạt văn hóa phi vật thể của người dân địa phương, nó gắn với lễ hội Cầu ngư Nhượng Bạn và hội chèo cạn diễn ra vào ngày 8.4 âm lịch hàng năm.

Lễ hội Cầu ngư Nhượng Bạn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào ngày 27.5.2021 vừa qua.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn