MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các chỉ số về chất lượng không khí diễn biến xấu tại Hà Nội trong những ngày gần đây. Ảnh: LĐ

Mịt mù bụi từ các công trình xây dựng

nhóm PV LDO | 16/12/2019 07:42
Trong 2 ngày cuối tuần, các chỉ số ô nhiễm không khí của Hà Nội liên tục nhảy vọt trong khi các phương tiện tham gia giao thông giảm đáng kể. Trong khi đó, tại các tuyến đường như Hồ Tùng Mậu, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Tân Xuân… bụi mù mịt phát ra từ các công trình xây dựng.

Trong 2 ngày cuối tuần, các chỉ số ô nhiễm không khí của Hà Nội liên tục nhảy vọt, theo cổng thông tin quan trắc môi trường của UBND TP.Hà Nội, nhiều điểm quan trắc chất lượng không khí đều cho chỉ số AQI ở ngưỡng tím - rất xấu. Ngày thứ 7 (14.12), AirVisual xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số 217. Chỉ 1 ngày sau, chỉ số AirVisual đã vọt lên 333. Tổ chức này cảnh báo ô nhiễm không khí Hà Nội đã ở mức độc hại ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người. Điều đáng nói, trong 2 ngày qua rơi vào 2 ngày cuối tuần, lượng phương tiện tham gia giao thông giảm đáng kể so với ngày thường. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Lao Động, tại các tuyến đường chính, trục đường chính như: Hồ Tùng Mậu, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Tân Xuân… bụi vẫn mù mịt.

Cụ thể, dự án đường vành đai 2 trên cao qua tuyến đường Trường Chinh (Hà Nội) được khởi công từ năm 2013, nhưng đến nay vẫn ngổn ngang các loại rác thải từ vật liệu xây dựng, đường đi thu hẹp khiến thường xuyên ùn tắc, gây khó khăn cho người tham gia giao thông. Tại đây không chỉ có phế thải xây dựng mà những loại tủ gỗ, bàn ghế hỏng, cành cây khô… cũng được đổ ra khiến nơi đây trở thành bãi tập kết rác cho người dân khu vực. Ngoài ra, những công trình xây dựng của các hộ dân 2 bên đường với những đống vật liệu xây dựng như cát sỏi cũng khiến cho tuyến đường mưa thì nhầy nhụa, nắng thì bụi mù mịt. Chính đất cát vương vãi trong quá trình xây dựng khiến đoạn đường trở nên bụi bặm, khiến cho các phương tiện lưu thông qua đây cảm thấy rất khó chịu.

Tiếp đó, tại tuyến Tân Xuân, đường Phạm Văn Đồng và đường Hồ Tùng Mậu cũng xảy ra tình trạng tương tự. Tại những tuyến đường này nhiều công trình xây dựng nhưng chỉ được che chắn sơ sài, không có các biện pháp giảm thiểu khói bụi. Không chỉ bụi bẩn, tiếng ồn từ các công trình xây dựng ở đây cũng trở thành nỗi ám ảnh của người dân sinh sống tại 2 bên đường. Dọc tuyến đường Nguyễn Trãi, nhiều cao ốc đang được xây dựng, che chắn sơ sài. Ở phía bên dưới, vào ban đêm các công nhân đang cải tạo, sửa chữa đường thổi bụi mù mịt khiến người đi đường ngột thở như tra tấn.

Trao đổi với PV Lao Động, TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam - cho biết chỉ số ô nhiễm không khí, chỉ số quan trắc môi trường AQI cao được xác định do các nguồn ô nhiễm từ những hoạt động của con người từ giao thông, xây dựng, sản xuất, đốt rác, đớt rơm rạ… nhưng chưa có biện pháp hạn chế. Bên cạnh đó, những ngày qua thời tiết không thuận lợi, không phát tán được khí thải lên cao. Nguồn khí thải bị lưu cữu lại dẫn tới tình trạng ô nhiễm về đêm và sáng sớm.

Theo ông Tùng, nguyên nhân của ô nhiễm không khí đó là chúng ta chưa kiểm soát tốt nguồn thải. Nhiều công trình xây dựng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm. 

TP.Hồ Chí Minh:

Cấp bách kiểm soát khí thải xe máy để giảm ô nhiễm không khí

Những ngày gần đây, không khí TPHCM thường xuyên bị cảnh báo ở mức có hại cho sức khỏe. Theo ông Cao Tung Sơn - Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM) - kết quả quan trắc ở 30 vị trí cho thấy chỉ số bụi tổng phát sinh từ hoạt động giao thông, công nghiệp đa phần đều vượt mức quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong đó, kết quả quan trắc ở vòng xoay Mỹ Thủy - đường vào cảng Cát Lái, quận 2, luôn vượt ngưỡng trên 90%.

Theo ông Sơn, hoạt động giao thông là nguồn chính gây ô nhiễm không khí tại TPHCM. Hiện thành phố có khoảng 10 triệu phương tiện (7,6 triệu xe máy, 700.000 ôtô, còn lại là xe của người tỉnh thành khác mang vào); 37 điểm thường xuyên kẹt xe... nên lượng khí thải độc hại ra môi trường là rất lớn. Vào dịp cuối năm, nhu cầu vận chuyển hàng hóa, đi lại của người dân tăng cao nên khí thải từ các phương tiện đổ vào không khí nhiều hơn.

Theo Giám đốc Sở TNMT TPHCM Nguyễn Toàn Thắng, hiện trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh có 327 điểm đặt trạm quan trắc thủ công. Cuối năm 2019, thành phố sẽ đưa vào vận hành 6 trạm quan trắc tự động trong gói đầu tư 58 trạm quan trắc tự động đang được xây dựng.

Để khắc phục hạn chế này, giai đoạn 2020 - 2021, thành phố sẽ đầu tư thêm 50 trạm quan trắc tự động để nắm bắt các thông số về không khí, nước, sụt lún để đưa ra giải pháp tổng thể kiểm soát môi trường. Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng điều quan trọng là phải có giải pháp kiểm soát khí thải từ gần 8 triệu xe gắn máy.

Theo ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TP.Hồ Chí Minh, Sở GTVT đang đề xuất UBND TPHCM xem xét, chấp thuận chủ trương thuê đơn vị tư vấn có đủ năng lực, kinh nghiệm xây dựng đề án kiểm soát khí thải môtô, xe máy.

Theo ông Lâm, đề án kiểm soát khí thải môtô, xe máy sẽ có nhiều nội dung, như xây dựng, ban hành bộ tiêu chuẩn địa phương về khí thải môtô, xe máy cũng như các cơ chế, chính sách và lộ trình thực hiện. Đáng chú ý, với những xe máy cũ gây ô nhiễm sẽ có các biện pháp như thu hồi, phân vùng những xe đạt chuẩn khí thải lưu thông... MINH QUÂN

Bụi từ các nhà máy ximăng ở Ninh Bình:

Không có khả năng gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội

Liên quan đến việc Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng nguồn gây ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội những ngày qua là do 12 nguồn, trong đó có việc bụi từ các nhà máy ximăng ở Ninh Bình gây ra. Ông Lê Hùng Thắng - Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Ninh Bình - khẳng định không có khả năng xảy ra.

Ngày 15.12, PV Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hùng Thắng - Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Ninh Bình. Theo ông Thắng, hiện nay trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 5 nhà máy sản xuất ximăng đang hoạt động với 8 dây chuyền. Từ đầu năm 2019, tất cả các nhà máy này đều đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động liên tục tại các ống khói thải của nhà máy để đo các chỉ số, lưu lượng bụi như: SO2, O2, CO, CO2, NO2… Hệ thống quan trắc này được kết nối và truyền dữ liệu trực tiếp về máy chủ của Sở TNMT tỉnh 5 phút một lần nên tất cả các chỉ số này đều được kiểm soát chặt chẽ. Đến thời điểm này, tất cả các chỉ số trên đều nằm trong ngưỡng cho phép theo quy định. Tại cổng ra vào các nhà máy ximăng đều có hệ thống phun nước, dập bụi. “Bụi ở các nhà máy ximăng thực chất là do xay, nghiền clinker mà ra, vì vậy bụi ở đây cũng chính là nguyên liệu để sản xuất ximăng. Chính vì vậy các nhà máy này đều hạn chế tới mức thấp nhất để bụi không lọt ra ngoài” - ông Thắng nói.

Cũng theo vị Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Ninh Bình thì hiện nay, Ninh Bình là một trong những địa phương đi đầu trong việc lắp đặt hệ thống quan trắc tự động đối với những cơ sở có nguồn thải lớn như các nhà máy ximăng. Tất cả các dữ liệu từ nhà máy chuyển về máy chủ của sở và được kết nối online với Ban giám đốc và những người phụ trách, cứ 5 phút thì dữ liệu chuyển về một lần nên khi có sự cố hay các chỉ số về môi trường vượt quá ngưỡng cho phép là được xử lý ngay. Ngoài ra, cứ 3 tháng thì các nhà máy này phải gửi báo cáo định kỳ về sở.

Thực tế, hiện nay hệ thống lọc bụi tại các nhà máy ximăng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đều được lắp đặt dưới 2 dạng, đó là lọc bụi bằng ống và lọc bụi tĩnh điện. Theo ông Thắng, việc nói bụi ở các nhà máy ximăng tại Ninh Bình là một trong những nguồn gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội trong những ngày qua là không có khả năng. nguyễn trường

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn