MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
4,7 triệu người sẽ được tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu. Ảnh THANH TUẤN

Mở chiến dịch tiêm chủng 10 triệu liều vaccine bạch hầu

THANH TUẤN LDO | 10/07/2020 13:36

Ngày 9.7, tại tỉnh Gia Lai, đoàn công tác do quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long dẫn đầu đã làm việc với các tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi về công tác phòng chống dịch bạch hầu. Bộ Y tế sẽ cấp 10 triệu liều vaccine để tiêm chủng mở rộng cho khoảng 4,7 triệu người. Với chiến dịch này, kỳ vọng dịch bệnh bạch hầu sẽ được khống chế.

Các tỉnh than phiền công tác tiêm chủng

Theo cập nhật mới nhất về tình hình dịch bệnh của Bộ Y tế, hiện tại dịch bạch hầu đã xuất hiện ở 4 tỉnh Tây Nguyên gồm: Gia Lai (15 ca, có 1 ca tử vong), Kon Tum (24 ca), Đắk Lắk (1 ca), Đắk Nông (26 ca, có 2 ca tử vong). Tỉnh Lâm Đồng có 3 huyện giáp ranh với tỉnh Đắk Nông là Di Linh, Bảo Lộc và Đam Rông nên có nguy cơ hình thành ổ dịch cao. Còn tại tỉnh Quảng Ngãi, năm nay chưa ghi nhận ca mắc mới nào, vào năm ngoái có đến 29 ca bệnh bạch hầu, 2 ca tử vong, chủ yếu ở huyện miền núi Sơn Hà, Trà Bồng.

TS Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, tình hình dịch bệnh có xu hướng lan rộng. Điều đáng lưu ý, có nhiều ca bệnh không phát hiệu triệu chứng nhiễm khuẩn bạch hầu, vì vậy nguy cơ lây truyền từ người này sang người kia rất dễ dàng.

Tỉ lệ người dân tộc thiểu số mắc bệnh chiếm trên 90%. Có trường hợp người trên 60 tuổi vẫn bị mắc bệnh bạch hầu. Bệnh chủ yếu ở xảy ra ở những người chưa tiêm chủng vaccine phòng bệnh. Các ca bệnh thường có chẩn đoán ban đầu là viêm họng, viêm amydal. Khi chuyển lên bệnh viện thì bệnh đã diễn biến nặng, dẫn đến tử vong.

Theo ông Đặng Quang Tấn, một thời gian dài, dịch bệnh bạch hầu không xảy ra nên cán bộ y tế có tâm lý chủ quan, chẩn đoán nhầm với các bệnh thông thường khác. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành Y tế.

Tại hội nghị, đại diện ngành Y tế của các tỉnh Tây Nguyên, Quảng Nam và Quảng Ngãi đều chung nhận định, việc tuyên truyền, vận động người dân vùng sâu vùng xa đi tiêm chủng vaccine rất khó khăn. Nhiều nơi người dân còn trốn tránh, viết giấy cam kết không tiêm chủng.

Hiện tượng dân di cư tự do, không khai báo và tập quán sinh hoạt cộng đồng gây khó khăn cho công tác tiêm chủng và phòng ngừa bệnh. Đại diện ngành Y tế Kon Tum thông tin, ý thức bảo vệ sức khỏe của người dân miền núi còn thấp. Khi cán bộ y tế xuống tận nhà cấp phát thuốc thì bà con không chịu uống, có người uống vào rồi sau đó nhả ra. “Họ bảo tôi có ốm đau gì đâu mà uống thuốc. Chính tâm lý này cũng là trở ngại không nhỏ trong công tác dập dịch”, vị này nói. UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo tuyên truyền về dịch bệnh không chỉ trên loa truyền thanh mà còn phát tờ rơi, tờ gấp vào nhà dân. Phát tiếng dân tộc thiểu số để bà con hiểu rõ, ý thức được tác hại của bệnh bạch hầu nguy hiểm mức độ nào.

Còn tại tỉnh Đắk Lắk, suốt 15 năm qua chưa ghi nhận ca bệnh nào. Mới đây, chính quyền phải phong tỏa xã Bông Krang, huyện Lắk và điều trị dự phòng cho người dân do xuất hiện 1 ca bệnh. UBND tỉnh chỉ đạo các trạm y tế cơ sở sớm tuyên truyền cho bà con về dịch bệnh, các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh tiếp nhận, thu dung bệnh nhân để chống dịch.  

Tại Đắk Nông, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) thống kê có 28 trường hợp mắc bạch hầu, 2 ca tử vong. Đến nay chỉ còn 21 trường hợp đang điều trị, 5 ca bệnh được xuất viện vì khỏi bệnh. CDC tỉnh lấy 1.200 mẫu xét nghiệm đưa đi kiểm tra, hiện còn 500 mẫu chờ kết quả xét nghiệm. Đắk Nông là tỉnh có đến 9 ổ dịch và cách ly hoàn toàn với trên 3.500 người dân. CDC tỉnh Đắk Nông đã tiêm mũi trên 4.800 liều vaccine Td để phòng bệnh cho người dân. Khó khăn của tỉnh này là các trạm y tế tuyến xã cách khá xa nơi đồng bào sinh sống, làm hạn chế việc khám chữa bệnh.

Phải tiêm đúng liều, đủ mũi vaccine mới hiệu quả   

Hiện các ổ dịch bệnh bạch hầu ở các tỉnh Tây Nguyên đang bị phong tỏa nghiêm ngặt, Công an, dân quân tự vệ cắm chốt ở các ngõ ra vào nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh. Các cán bộ, nhân viên y tế đã phun hóa chất khử khuẩn Cloramin B toàn bộ khu vực xã, nhà dân và tiến hành cấp phát thuốc kháng sinh dự phòng Erythromycin.  

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, vấn đề nổi lên hiện nay là dù tiêm vaccine nhưng hy hữu có trường hợp vẫn tử vong. Cơ quan chuyên môn xác định, việc tiêm vaccine vẫn có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu, tỉ lệ này chiếm rất nhỏ, khoảng từ 2-3%. “Điều quan trọng là chúng ta phải tiêm đầy đủ, đúng liều, đúng thời gian”, ông Tuyên nhấn mạnh.

Ông Tuyên cho rằng, chính quyền địa phương cần chú tâm công tác truyền thông sức khỏe để thay đổi nhận thức cho người dân. Phải đi từng ngõ, gõ từng nhà để kêu gọi tiêm chủng.

Phát biểu tại hội nghị, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian qua nghành vừa nỗ lực chống dịch Covid-19 vừa phải chống dịch bệnh bạch hầu. Với đợt dịch bệnh này, quan điểm của Bộ Y tế là làm sao kiểm soát một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất và kiểm soát toàn diện theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ để sớm ổn định đời sống người dân.

Những năm trước, dịch bệnh bạch hầu đã từng diễn ra nhưng quy mô nhỏ, rải rác. Năm nay dịch bệnh diễn ra trên quy mô lớn, chiều hướng lan rộng, phức tạp. GS.TS Nguyễn Thanh Long đánh giá, dịch bạch hầu mặc dù lây lan nhưng tốc độ không nhanh như đại dịch COVID-19. Khác với dịch COVID-19 chưa có vaccine điều trị, dịch bạch hầu đã có vaccine đặc trị hiệu quả, cán bộ y tế cũng đã hiểu rõ về cơ chế lây truyền, cách dự phòng, điều trị bệnh.

Để khống chế dịch, phải tổ chức tiêm chủng vaccine trên diện rộng cho tất cả người dân, từ trẻ em 2 tháng tuổi trở lên. Chiến dịch tiêm chủng này được phát động dự kiến sẽ tiêm cho 4,7 triệu người ở các tỉnh Tây Nguyên và 2 tỉnh liền kề là Quảng Nam, Quảng Ngãi. Bộ Y tế đã chỉ đạo khẩn cấp đưa 10 triệu liều vaccine để triển khai chiến dịch tiêm chủng.

Bộ Y tế đánh giá cao việc điều trị dự phòng hiệu quả để ngăn ngừa các biến chứng của bệnh bạch hầu. Chủ động phát hiện sớm để ngăn chặn, cách ly, dập ổ dịch triệt để. Giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương lập danh sách, số lượng người để tổ chức tiêm chủng lưu động từ trường học, bệnh viện, kể cả các Đồn Biên phòng.

Sắp tới, Bộ Y tế sẽ làm việc với đơn vị cung cấp phần mềm NCOVI, cũng giống như chống dịch COVID-19, các ca bệnh bạch hầu, đối tượng tiếp xúc gần sẽ được thống kê, lập danh sách. Sau đó chuyển cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh để tiến hành theo dõi, quản lý, giám sát những người tiếp xúc gần, xác định được trường hợp có nguy cơ.

“Nhờ phần mềm này mà chúng ta đã phòng chống hiệu quả, thành công dịch bệnh COVID-19. Nỗ lực chống dịch bạch hầu, chúng ta cũng không thể chủ quan, quên nhiệm vụ chống đại dịch COVID-19”, ông Nguyễn Thanh Long nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn