MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vaccine COVID-19 nhập khẩu về Việt Nam. Nguồn: Bộ Y tế

Mở chiến dịch tiêm chủng lớn nhất, giảm tác động của đại dịch

Thùy Linh LDO | 26/02/2021 08:02

Ngày 24.2, hơn 117.000 liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca đã về tới Việt Nam, mở đầu cho chiến dịch tiêm chủng COVID-19 lớn nhất, chưa từng có trong tiền lệ. Hiện Bộ Y tế đang chuẩn bị khẩn trương các kịch bản, huy động tất cả đơn vị trong và ngoài ngành y tế tham gia vào quá trình tiêm, để đẩy nhanh tiến độ tiêm, đảm bảo độ bao phủ, làm sao sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, giảm tác động của đại dịch COVID-19 đến đời sống.

Tập huấn toàn tuyến về tiêm chủng

Tại cuộc họp về tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 diễn ra ngay sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam với hơn 100 triệu liều. Bộ Y tế đang chuẩn bị khẩn trương các kịch bản, huy động tất cả đơn vị trong và ngoài ngành y tế tham gia vào quá trình tiêm, để đẩy nhanh tiến độ tiêm, đảm bảo độ bao phủ, làm sao sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, giảm tác động của đại dịch COVID-19 đến đời sống.

Vấn đề bảo quản vaccine cũng được bàn bạc, rà soát kỹ. Hệ thống kho lạnh ở các khu vực đủ khả năng bảo quản vaccine, các thiết bị vận chuyển vaccine tới các trạm y tế, các điểm tiêm lưu động cũng đảm bảo.

Theo các chuyên gia, bất cứ vắc xin nào cũng không thể đảm bảo được độ an toàn 100%, nhất là vaccine phòng COVID-19 mới được phát triển trong thời gian ngắn. Do đó, việc theo dõi đánh giá phản ứng sau tiêm rất quan trọng. Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn đánh giá này, nhưng tới đây sẽ phải tiếp tục làm rõ để không gây hoang mang trong người dân với những phản ứng sau tiêm.

Muốn có miễn dịch cộng đồng thì phải "phủ" vaccine ở 60%-70% dân số

Nói về việc tổ chức tiêm vaccine COVID-19, PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết: Theo kế hoạch, việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 sẽ được tổ chức với hình thức chiến dịch nhưng không phải là triển khai đồng loạt trên toàn quốc cho tất cả đối tượng mà sẽ tổ chức cuốn chiếu tại các địa phương, cho từng nhóm đối tượng phù hợp với tiến độ cung ứng vaccine.

Dựa trên hệ thống tiêm chủng đang triển khai trên toàn quốc với khoảng hơn 13.000 cơ sở tiêm chủng bao gồm TCMR tại xã, phường, điểm tiêm chủng tại bệnh viện và các cơ sở tiêm chủng dịch vụ đảm bảo đủ điều kiện tiêm chủng. Nhân lực tham gia công tác tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ tại Việt Nam đều được tập huấn về tiêm chủng, có kinh nghiệm trong việc tổ chức buổi tiêm chủng…

PGS Hồng nhấn mạnh, vaccine phòng COVID-19 là vaccine mới, do vậy cán bộ tiêm chủng sẽ được tập huấn về việc sử dụng vaccine và theo dõi xử lý sự cố bất lợi sau tiêm chủng... để đảm bảo triển khai vaccine an toàn.

Còn theo PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, hiện nay muốn có miễn dịch cộng đồng thì phải "phủ" vaccine ở 60%-70% dân số, trong khi việc tiêm vaccine chưa hẳn đã có miễn dịch ngay sau khi tiêm hoặc đề phòng sự biến thể của virus không có tác dụng với vaccine vừa được tiêm. Do vậy, chúng ta vẫn phải áp dụng biện pháp phòng bệnh có hiệu quả như thực hiện nguyên tắc 5K. Một minh chứng cụ thể là Israel đã tiêm vắc-xin được 50% dân số thì Chính phủ vẫn khuyến cáo người dân đeo khẩu trang, khử khuẩn...

Theo PGS Phu, mỗi người sẽ cần tiêm 2 mũi đối với loại vaccine Astrazeneca. Thời gian tiêm cách nhau tối thiểu 21 ngày. Sau khi tiêm cũng không cần phải kiêng cữ gì nhưng cần theo dõi nếu có sự khác thường về sức khỏe thì báo ngay cho cơ sở y tế.

Việc tiêm vaccine bình thường sau một thời gian mới có kháng thể để chống lại virus. Thường thì 15 ngày cơ thể sẽ có miễn dịch nhưng mức độ bảo vệ còn tuỳ thuộc vào loại vaccine, tùy vào từng đối tượng và sau tiêm một mũi hay sau tiêm mũi nhắc lại lần 2.

Đối với vaccine COVID-19 Việt Nam nhập khẩu của hãng AstraZeneca sáng 24.2 thì miễn dịch khoảng 60%-70% và thực tế hiện nay người ta cũng chưa biết miễn dịch kéo dài được bao lâu. Nhưng theo tôi, với việc đáp ứng miễn dịch như vậy, việc bảo quản vaccine này không đòi hỏi ở nhiệt độ âm 70 độ C cũng như giá thành thấp là phù hợp với Việt Nam.

Vì vậy, trong thời điểm nguy cơ dịch trên thế giới vẫn còn lây lan và nguy cơ dịch trong nước vẫn còn cao nên cũng không vì có vaccine hoặc đã được tiêm vaccine mà chúng ta lơ là phòng bệnh.

Loại vaccine nào cũng có thể có phản ứng

PGS Dương Thị Hồng cho biết: Cũng như sử dụng thuốc hay các loại vaccine khác đều có thể có phản ứng không mong muốn bao gồm: Phản ứng thông thường như các phản ứng tại chỗ đau, sưng /hoặc đỏ tại chỗ tiêm; phản ứng toàn thân bao gồm sốt và các triệu chứng khác (khó chịu, mệt mỏi, chán ăn) và có thể có những trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng như phản ứng dị ứng, sốc phản vệ hay tử vong.

Theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới sau tiêm vaccine phòng COVID-19 của Astra Zeneca, các phản ứng thường gặp với tỉ lệ >10% như đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, khó chịu, sốt trên 38 độ C. Phản ứng tại chỗ như sưng tấy, ban đỏ tại chỗ tiêm chiếm 1- <10 %.

Tuy nhiên các phản ứng sau tiêm chủng thường gặp được báo cáo theo kết quả thử nghiệm lâm sàng ở Brazil, Nam Phi, Anh thì tỉ lệ phản ứng còn có thể cao hơn, cụ thể đau tại chỗ tiêm, nhức đầu, mệt mỏi (> 50%); đau cơ, khó chịu (>40%); sốt, ớn lạnh (>30%); và đau khớp, buồn nôn (>20%).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn