MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu vực mỏ đá Bình Minh ở Quốc Oai. Ảnh: Hải Đăng

Mỏ đá đóng cửa "trên giấy", chính quyền có thờ ơ?

Xuyên Đông LDO | 12/12/2023 06:31

Nhiều mỏ đá trên địa bàn huyện Quốc Oai hết hạn gần 10 năm chưa hoàn thổ tiềm ẩn nguy hiểm. Thế nhưng, việc đóng cửa các mỏ đá này vẫn chỉ thực hiện "trên giấy".

Chưa thể cung cấp thông tin

Như Lao Động thông tin, nhiều mỏ đá ở huyện Quốc Oai (TP Hà Nội) đã hết hạn khai thác, trong đó Công ty TNHH Bình Minh chậm trễ trong việc thực hiện trách nhiệm hoàn thổ khu vực khai thác.

Để thông tin khách quan, đa chiều, phóng viên Báo Lao Động liên hệ với ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai về việc triển khai hoàn thổ các mỏ đá trên địa bàn.

Ông Nguyễn Trường Sơn cho biết, việc này đang thanh tra nên không thể trả lời phóng viên. Khi nào có kết luận, huyện sẽ trả lời sau.

Trao đổi với Lao Động về việc bảo vệ môi trường sau khai thác khoáng sản, Tiến sĩ Trần Văn Miều - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam chia sẻ, trước khi cấp phép hoạt động khai thác mỏ, các đơn vị đã phải nộp đầy đủ báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Thông thường, trong báo cáo ĐTM đã có quy định về việc hoàn nguyên khoáng sản sau khi khai thác xong.

“Về nguyên tắc, ngay sau khi hết hạn khai thác khoáng sản, đơn vị khai thác phải hoàn thổ nhằm đảm bảo an toàn môi trường cho người dân”, ông Trần Văn Miều cho biết.

Ở góc độ trách nhiệm, Tiến sĩ Trần Văn Miều cho rằng, ngoài các đơn vị khai thác khoáng sản, cơ quan quản lý nhà nước khi cấp phép có trách nhiệm kiểm tra ĐTM của các đơn vị khai thác khoáng sản.

Trong quá trình khai thác, cơ quan chức năng vẫn phải thường xuyên kiểm tra việc hoạt động có đảm bảo an toàn môi trường như trong ĐTM hay không? Đặc biệt khi hết hạn, cơ quan chức năng không thể thờ ơ mà cần có trách nhiệm kiểm tra việc hoàn nguyên khoáng sản.

Nói đến vấn đề đất đai sau khai thác khoảng sản, ông Trần Xuân Hòa - Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ Việt Nam cho biết, ngay sau khi hết hạn cấp phép mỏ, các đơn vị khai thác phải có trách nhiệm trả lại đất đai cho nhà nước.

Vẫn chỉ hoàn thổ trên giấy

Theo nguồn tin riêng của phóng viên Báo Lao Động, trên địa bàn huyện Quốc Oai (TP Hà Nội) có 5 mỏ đá đã hết hạn khai thác.

Các mỏ đá này của 5 công ty: Công ty Cổ phần Xây dựng và Sản xuất thương mại Hà Tây; Công ty TNHH Đầu tư khai thác khoáng sản SOTRACO; Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư xây dựng khai thác mỏ Thuận Phát; Công ty TNHH Bình Minh.

Trước đó, Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội nhiều lần có văn bản về việc hoàn thổ các mỏ đá hết hạn.

Tiêu biểu ngày 22.4.2021, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội gửi Văn bản số 2788/STNMT-KS tới UBND huyện Quốc Oai và các tổ chức, cá nhân có giấy phép khoáng sản hết thời hạn (đã ký quỹ phục hồi môi trường) để yêu cầu các đơn vị tổ chức thực hiện nghĩa vụ khi giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực theo quy định.

Theo đó, các đơn vị khẩn trương lập đề án đóng cửa mỏ và gửi hồ sơ đề nghị đóng cửa mỏ về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30.6.2021 để thẩm định, trình UBND Thành phố.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã liên quan phối hợp, chỉ đạo UBND các xã tại vị trí có mỏ khai thác khoáng sản có giấy phép đã hết hiệu lực đôn đốc các đơn vị thực hiện theo quy định.

Tiếp đến, ngày 16.7.2021, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục có văn bản số 3551/STNMT-KS đôn đốc các đơn vị thực hiện nghĩa vụ khi giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực và đề nghị UBND huyện Quốc Oai đôn đốc, giao UBND các xã, yêu cầu các đơn vị khẩn trương lập đề án đóng cửa mỏ.

Đối với trường hợp khi giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực mà tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác khoảng sản bị giải thể, phá sản hoặc không liên hệ được, đề nghị UBND huyện, rà soát, nghiên cứu và đề xuất UBND Thành phố xem xét, chỉ đạo theo quy định.

Hố tử thần ở mỏ đá xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai. Ảnh: Hải Đăng

Doanh nghiệp "trây ỳ" lập đề án đóng cửa mỏ khoáng sản, tài nguyên bị lãng phí

Sau nhiều văn bản đốc thúc mà chưa thể đóng được mỏ trên thực tế, ngày 30.11.2022, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội trực tiếp tổ chức Đoàn kiểm tra công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, lập đề án đóng cửa mỏ trên địa bàn huyện Quốc Oai.

Tại thời điểm kiểm tra, 5 đơn vị trên chưa lập đề án đóng cửa mỏ khoáng sản trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Do đó, đất khu vực mỏ chưa bàn giao lại cho cơ quan quản lý nhà nước.

Đoàn kiểm tra yêu cầu các đơn vị khai thác khoáng sản đã hết hạn khai thác trên địa bàn huyện Quốc Oai hoàn thiện, bổ sung các hồ sơ liên quan đến việc đóng cửa mỏ theo đúng quy định.

Đoàn kiểm tra cũng đã đề nghị UBND huyện Quốc Oai kiểm tra công tác lập đề án đóng cửa mỏ đối với các đơn vị có giấy phép khai thác đã hết hạn.

UBND huyện Quốc Oai tiếp tục đôn đốc, theo dõi việc lập đề án đóng cửa mỏ khai thác khoáng sản của 5 đơn vị khai thác đã hết hạn giấy phép khai thác khoáng sản.

Có thể nói trên giấy tờ, các đơn vị của Hà Nội có nhiều văn bản đôn đốc nhưng ngoài thực tế, các cửa mỏ đã khai thác xong vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt". Việc này tiềm ẩn nguy hiểm đến tính mạng của người dân, lãng phí tài nguyên đất đai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn