MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mở đường bay thẳng Việt Nam - Mỹ: Cơ hội lớn, thách thức lớn

Đặng Tiến LDO | 14/10/2019 13:30
Mỗi năm có khoảng 700.000 lượt khách qua lại giữa Việt Nam và Mỹ, đây là cơ hội tốt cho thị trường vận tải hàng không. Từ năm 2008 hàng không Việt Nam đã triển khai nghiên cứu về đường bay thẳng giữa 2 nước, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được, vì gặp rất nhiều rào cản kỹ thuật. Cơ hội thực hiện “giấc mơ bay” thẳng đến Mỹ sẽ không còn xa khi Việt Nam được Cục Hàng không liên bang Mỹ cấp chứng chỉ phê chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT 1)...

Rào cản lớn nhất là thị trường

Việt Nam và Mỹ đều là thành viên của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) và từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Việt Nam đã xây dựng chính sách từng bước tự do hóa vận tải hàng không với Mỹ. Tháng 3.2003, hiệp định tự do hóa vận tải hàng không giữa Việt Nam và Mỹ đã được ký kết. Tuy nhiên, hiệp định này chưa cho phép mở thông thoáng thị trường do năng lực hàng không của hai nước còn khác nhau. Việc Cục Hàng không Việt Nam được cấp CAT 1 của Cục Hàng không liên bang Mỹ, là điều kiện tiên quyết để các hãng hàng không Việt Nam mở đường bay đến Mỹ.

Tại buổi Tọa đàm về "Bay thẳng Việt - Mỹ”, được tổ chức mới đây, Chủ tịch Tập đoàn FLC, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của hãng hàng không Bamboo Airways Trịnh Văn Quyết đã đưa ra câu hỏi là tại sao Bamboo Airways muốn mở đường bay đi Mỹ? Và theo ông Quyết, Mỹ là một thị trường tiềm năng vì dân số Việt Nam  hiện nay gần 100 triệu và hiện lượng người gốc Việt ở Mỹ bằng nửa dân số Singapore (5,8 triệu người). Trong khi đó, hãng hàng không Singapore Airlines đang phải bay “vợt khách” trên khắp thế giới. Trong khi đó, tiềm năng thị trường hàng không giữa Việt Nam và Mỹ là rất lớn với khoảng 700.000 lượt khách đi lại mỗi năm và chỉ cần khoảng 30.000 - 60.000 khách/năm là có thể tính đến mở đường bay.

Theo TS Trần Quang Châu - Chủ tịch Hội KHCN Hàng không Việt Nam - thị trường Mỹ rất khó tính, ngoài giá cả cạnh tranh và văn hóa còn đòi hỏi từ chi tiết nhỏ như giờ giấc và văn hóa ứng xử… mà các doanh nghiệp phải nỗ lực cố gắng vượt qua. Nhưng với con người Việt Nam thì không có gì là không thể và đây cũng là thử thách lớn. Cũng theo ông Châu, việc mở đường bay cũng rất khó khăn và phải được tính toán rất kỹ, cụ thể Vietnam Airlines tính toán mở đường bay sang Mỹ từ năm 2008 đến nay và vẫn chưa bay được. Do đó yếu tố kỹ thuật phải được đặt lên hàng đầu, hiện chúng ta có nhiều máy bay thế hệ mới thân rộng với tầm bay xa và có khả năng đáp ứng được các yêu cầu này.

Cùng đó, các hãng phải cân nhắc nếu khai thác có điểm dừng thì dễ hơn, nếu bay không điểm dừng (non-stop) sẽ có những khó khăn nhất định đòi hỏi phải chọn lựa máy bay và đáp ứng yêu cầu đánh giá năng lực giám sát an toàn máy bay. Đồng thời phải đào tạo nhân lực chất lượng cao như kỹ thuật viên, phi công, tiếp viên…

Kết nối các nền kinh tế

Theo Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, việc mở đường bay thẳng sang Mỹ là sự dũng cảm của các hãng hàng không và đáp ứng mong muốn của người dân Việt. Tuy nhiên, giấc mơ bay này có hai màu sáng - tối, nên phải cố gắng làm sao để màu sáng nhiều hơn.

Bài toán tổng thể mà Bamboo Airways tính tới không chỉ là một đường bay. Trong những năm đầu đường bay thẳng có thể phát sinh lỗ nhưng với bài toán dài hạn sẽ thành công. Cũng theo ông Lộc, trước đây đã có hai người “khổng lồ” hàng không của Mỹ (Delta và United Airlines) phải bỏ cuộc khi mở chặng bay thẳng Mỹ - Việt nên quyết định của Bamboo Airways cần có bài toán kinh tế tổng hợp để có lãi, các hoạt động khác phải hỗ trợ.

Ngoài ra, việc thành công với đường bay thẳng, uy tín của tập đoàn sẽ tăng lên và thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn. Phó tổng giám đốc Hãng hàng không Bamboo Airways Trương Phương Thành cho biết, đây là một đường bay có nhiều ý nghĩa và giá trị quan trọng. Không chỉ là đường bay kết nối hai đất nước nằm ở hai châu lục, mà còn là đường bay kết nối hai nền kinh tế đang có rất nhiều tiềm năng hợp tác, khẳng định một bước tiến tốt đẹp trong quan hệ giữa chính trị, ngoại giao giữa hai nước, thúc đẩy tăng trưởng các lĩnh vực thương mại, đầu tư và du lịch.

Phó Cục trưởng Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường cho rằng, việc thiết lập đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và Mỹ không chỉ mang tính thương mại thuần túy còn thể hiện năng lực của hãng hàng không cũng như toàn ngành hàng không và đặc biệt là thể hiện mối quan hệ toàn diện giữa hai đất nước. Nhưng ông Cường cũng cho rằng, phải cân nhắc nghiên cứu kỹ lưỡng về điều kiện kỹ thuật khai thác tàu bay khi thực hiện “giấc mơ bay” thẳng. Nếu khai thác có điểm dừng đón khách tại nước thứ 3 thì dễ thở hơn, nếu bay non-stop (bay không có điểm dừng trung gian) sẽ có những khó khăn nhất định đòi hỏi phải chọn lựa tàu bay và đáp ứng yêu cầu đánh giá năng lực giám sát an toàn tàu bay. “Khi hàng không phát triển sẽ dựa trên nền kinh tế và chính trị ổn định. Nếu bay thẳng đến Mỹ thì vị thế Việt Nam được nâng lên nhiều, hãng nào tiên phong bay đến sẽ khẳng định được đẳng cấp của mình” - ông Cường nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn