MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mổ heo ăn Tết: Nét văn hóa lâu đời của người Nam bộ

Văn Sỹ LDO | 20/01/2023 15:58

Bạc Liêu - Mặc dù không còn phổ biến như nhiều năm về trước, tuy nhiên, việc mần heo ăn Tết vẫn được nhiều hộ gia đình ở các tỉnh miền Tây thực hiện trong mỗi dịp Tết đến. Đây được xem như một nét văn hoá hoá xưa của người dân Nam bộ. 

Ngày 29 tháng Chạp, trời vừa hửng sáng, gia đình ông Lê Văn Vinh ở ấp Ninh Thành, xã Ninh Quới A, (Hồng Dân, Bạc Liêu) đã nhộn nhịp cảnh mổ heo để chia thịt. Cách đó vài trăm mét, một số gia đình khác cũng tất bật mổ heo chia thịt để ăn Tết.

Theo ông Vinh, việc mổ heo chia thịt không thực hiện thường xuyên mỗi năm mà còn tùy vào tình hình giá heo hơi và giá thịt ngoài thị trường mà bà con trong xóm mới bàn với nhau sẽ mổ heo chia thịt hay không.

 Sáng sớm ngày 29 tháng Chạp, nhiều gia đình ở miền Tây mần heo chia thịt dịp Tết. Ảnh: Mỹ Duyên

Riêng dịp Tết Quý Mão năm nay, do giá heo hơi khá rẻ, chỉ 4,8 triệu đồng/100kg; trong khi giá thịt heo ngoài chợ được tiểu thương bán lại đến tay người tiêu dùng khá cao nên nhiều người đã thống nhất mổ  heo chia thịt để đỡ phần chi phí mua thịt ăn Tết.

“Nhà tôi con cháu cũng đông, nếu mua thịt ngoài chợ thì bỏ ra cũng 1 triệu đồng mới mua thịt cho thoải mái. Thấy vậy, tôi bàn với vợ cùng mấy anh em ở gần và anh chị em ruột chọn một con heo ngon nhất trong chuồng để mổ thịt chia nhau.

 Bà Đoàn Thị Thi (trái) chế biến thịt heo sau khi chia thịt về. Ảnh: Mỹ Duyên

Con heo gia đình tôi thịt có trọng lượng 110 kg. Chia cho 12 hộ gia đình, mỗi hộ chọn có thịt có giò, có sườn, tùy người chọn 2, 3 loại trong phần heo đã mổ, giá xô ngang mỗi ký 60 nghìn đồng. Trung bình mỗi hộ chỉ 500 nghìn đồng là thoải mái trong 3 ngày Tết”- Ông Vinh chia sẻ.

 Sau khi thịt heo, gia chủ sẽ dành phần lòng nấu nồi cháo lòng đãi khách và nướng mọi thịt heo cho các cháu nhỏ. Ảnh: Mỹ Duyên

Ông Lâm Văn Hảo, người đến phụ mổ heo và chia thịt nhà ông Vinh cho biết:  “23 năm nay, từ khi cưới vợ ra ở riêng đến nay gia đình tôi không có mua thịt heo ở chợ mà  toàn là chia thịt heo ở xóm. Không nhà này thịt thì cũng có nhà kia thịt heo để chia thịt nên mình chia để vừa có thịt tươi ngon mà rẻ hơn nhiều so với ở chợ.

Việc mổ heo chia thịt ăn Tết không biết có tự bao giờ, nhưng từ khi tôi còn nhỏ đã thấy các ông chú, ông bác ở xóm và nội tôi cũng thường làm heo để chia dịp Tết. Hồi đó, không chia thịt lấy tiền như bây giờ mà chia thịt rồi tính bằng giạ lúa, táo lúa, hoặc tính bằng ngày công lao động như: Công gặt, công cấy lúa".

 Nhiều người dân thích chia thịt heo ở xóm vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa có giá rẻ hơn nhiều so với mua ở chợ. Ảnh: Mỹ Duyên

“Tôi vẫn rất thích không khí mổ heo ăn Tết, nó vừa lưu giữ nét văn hóa của đời ông, đời cha để lại mà cũng vừa giúp nhiều hộ gia đình đỡ phần chi phí khi phải đi chợ mua thịt heo. Với lại, mình ăn thịt heo nhà làm cũng đảm bảo an toàn hơn.

Tôi thích nhất là bà con chòm xóm được tụ họp lại  cùng mổ heo xong rồi cùng nhau thưởng thức nồi cháo lòng nóng hổi và chia sẻ những chuyện vui buồn của năm cũ, ước nguyện trong năm mới,…rất thắm đượm tình làng nghĩa xóm”- Bà Đoàn Thị Thi chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn