MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những du khách quốc tế đầu tiên đã đặt chân xuống sân bay Đà Nẵng chiều 17.11 sau 2 năm đóng cửa du lịch vì dịch COVID-19. Ảnh: THANH CHUNG

Mở lại đường bay quốc tế để phục hồi kinh tế

Đặng Tiến LDO | 25/11/2021 11:00

Dự kiến từ tháng 12.2021, các hãng hàng không Việt Nam sẽ mở cửa trở lại đường bay quốc tế. Theo các chuyên gia, việc mở lại đường bay quốc tế là điều cần thiết để phục hồi kinh tế, kèm theo các quy định về kiểm soát y tế, đặc biệt là việc sử dụng hộ chiếu vaccine đối với người nhập cảnh vào Việt Nam.

Thí điểm đón khách quốc tế ở một số địa phương

Trao đổi với PV Báo Lao Động, đại diện Vietnam Airlines (VNA) cho biết, ngay sau khi có chủ trương về việc thí điểm mở cửa một số địa điểm du lịch cho khách quốc tế, hãng đã tích cực phối hợp với các đối tác lớn như: Sun Group, Vingroup, Thiên Minh Group, Sài Gòn Tourist… và các địa phương liên quan nhằm chuẩn bị, tổ chức các chuyến bay đưa khách quốc tế từ những thị trường trong khu vực Châu Âu, Đông Bắc Á như Pháp, Đức, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Dự kiến từ tháng 11.2021 đến tháng 1.2022, VNA sẽ khai thác 15 chuyến bay thí điểm đưa khách quốc tế các điểm du lịch nổi tiếng ở Việt Nam như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Quảng Nam. Khách đến đã hoàn thành tiêm chủng, được cấp hộ chiếu vaccine và sẽ tham gia tour du lịch trọn gói 7 ngày tại 5 điểm đến ở Việt Nam.

Hiện tại, VNA vẫn duy trì khai thác các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước theo hình thức cách ly tự nguyện. Với các chuyến bay thí điểm đưa khách quốc tế tới Việt Nam, hãng tích cực đàm phán với các đối tác là các doanh nghiệp lữ hành để triển khai các chuyến bay trọn gói, đưa khách quốc tế. Tiếp theo đó, VNA sẽ xây dựng lịch bay và chuẩn bị đầy đủ nguồn lực (máy bay, phi công, tiếp viên, thợ kỹ thuật…) trong năm 2022, bám sát vào lộ trình mở cửa trở lại do cảng hàng không đề xuất. Theo đó, từ tháng 1.2022, VNA dự kiến triển khai lại các đường bay thường lệ tới Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc…

Với các chuyến bay thường lệ chở khách tới Việt Nam, hiện các hãng bay Việt chỉ có thể khai thác theo hình thức chuyến bay hồi hương hoặc chuyến combo (chở khách chuyên gia) vào Việt Nam, giấy phép bay được cấp theo từng chuyến khi có đầy đủ bộ giấy tờ như yêu cầu. Tất cả hành khách phải thực hiện cách ly theo quy định. Do đó, các hãng bay Việt không đủ để khôi phục lại hoạt động chở khách quốc tế thường lệ và không đủ cạnh tranh với chính sách của các nước khác trong khu vực như Thái Lan, Singapore.

Hiện nay, du khách từ Australia, Canada, New Zealand, Singapore cùng nhiều nước khác có thể đi đến nhiều nước Châu Âu. Nước Anh cho phép du khách tiêm đủ mũi vaccine và không nằm trong danh sách đỏ có thể nhập cảnh mà không cần cách ly. Đức yêu cầu tất cả người nhập cảnh phải có kết quả xét nghiệm âm tính, chứng nhận tiêm vaccine hoặc đã bình phục sau khi mắc COVID-19, ngoài ra người đến từ vùng có nguy cơ cao có thể áp dụng biện pháp phòng dịch bổ sung. Trong khi đó, Pháp cho phép du khách đã tiêm đủ mũi vaccine nhập cảnh mà không có hạn chế, chỉ cần cung cấp chứng nhận tiêm vaccine và cam kết không có triệu chứng COVID-19.

Theo ông Philip Goh - Phó Chủ tịch IATA khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, lộ trình nối lại đường bay quốc tế của Cục Hàng không Việt Nam là bước đi đúng hướng. Tuy nhiên, việc Việt Nam yêu cầu cách ly khách quốc tế đến sẽ trì hoãn quá trình phục hồi cũng như là trở ngại lớn cho những lĩnh vực kinh doanh phụ thuộc vào hàng không và khách quốc tế. Hàng không sẽ tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng tài chính, còn du lịch, khách sạn vẫn sẽ đầy khó khăn, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế trên quy mô rộng lớn hơn.

Mở đường bay quốc tế để phục hồi kinh tế

Ông Yun Ok Hyon - Trưởng đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc đưa ý kiến, để nhiều nhà đầu tư, lao động kỹ thuật, chuyên gia và nhà quản lý Hàn Quốc có thể nhập cảnh và tiến hành hoạt động kinh doanh bình thường, việc mở lại đường bay quốc tế giữa Hàn Quốc và Việt Nam là điều cần thiết.

Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam - ông Jean-Michel Caldagues cho rằng việc nối lại các chuyến bay quốc tế sẽ đóng vai trò trọng yếu trong việc khôi phục kinh tế hậu COVID-19. Động lực kinh tế của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào ngoại thương, hay nói cách khác, việc có được luồng khách đi, đến quốc gia để thúc đẩy quan hệ giao thương là rất quan trọng. Cùng đó, việc nối lại bay thường lệ quốc tế có thể đem lại những tác động tích cực cho các dự án hạ tầng và đầu tư ở Việt Nam. Nhưng hiện nay, những rào cản về thủ tục nhập cảnh với chuyên gia đến Việt Nam thực sự là một điều khó khăn. Điều này khiến các dự án bị trì hoãn đáng kể.

Theo ông Jean-Michel Caldagues, Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam hoàn toàn ủng hộ việc nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ. Chúng tôi khuyến nghị Chính phủ Việt Nam có chính sách nhập cảnh hợp lý, đặc biệt là có chính sách nhanh chóng, thuận tiện hơn cho các công dân từ Châu Âu mà đã tiêm đủ liều vaccine và có xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ trước chuyến bay. Ngoài ra, cần đơn giản hóa các thủ tục nhập cảnh cho người lao động ngoại quốc có giấy phép hoặc thẻ cư trú ở Việt Nam, cũng như với chuyên gia ngoại quốc tới Việt Nam. Đồng thời, nối lại các chuyến bay phục vụ mục đích du lịch dành cho những du khách nước ngoài đến các điểm đến nhất định của Việt Nam theo mô hình khép kín (bubble).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn