MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hoạt động vận tải khách tại bến xe Nước Ngầm (Hà Nội) trước giãn cách. Ảnh: ĐT

Mở lại vận tải khách đường bộ liên tỉnh: Cần có các biện pháp rõ ràng cho từng loại hình vận tải

Đặng Tiến LDO | 13/10/2021 08:06
Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành quy định tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải hành khách đường bộ liên tỉnh. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không có chỉ đạo thông suốt, mỗi địa phương có một quy định riêng như hàng không sẽ tạo ra sự “ngăn sông cấm chợ” lại gây khó cho người dân và doanh nghiệp vận tải.

Vận tải phải thông suốt

Theo văn bản tạm thời về thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách đường bộ đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 do ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ GTVT ký, từ ngày 13.10.2021 đến hết ngày 20.10.2021 tạm thời triển khai hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh bằng xe ôtô có bến đi hoặc bến đến nằm trong địa phương/khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao đi, đến địa phương/khu vực có nguy cơ tương đương hoặc có nguy cơ thấp hơn và ngược lại trên phạm vi toàn quốc. Sau thời gian thực hiện, Bộ GTVT sẽ đánh giá và điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế giai đoạn tiếp theo.

Các chuyên gia cho rằng, trong giai đoạn hiện nay việc mở lại hoạt động vận tải là hết sức cần thiết, vì dịch bệnh đang dần được kiểm soát, việc tiêm vaccine đã tăng. Do đó các biện pháp phòng dịch phải sát với chủ trương mở cửa hoạt động của Bộ GTVT thì mới hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Văn Mão (chủ nhà xe chạy tuyến Giáp Bát (Hà Nội) - Ý Yên (Nam Định), hiện nhu cầu đi lại giữa các địa phương của người dân là rất lớn, khi vận tải khách được hoạt động trở lại sẽ hỗ trợ người dân đi lại rất nhiều, nhưng mỗi địa phương một quy định khiến khi triển khai, DN rất khó khăn như quy định chạy 30% chuyến/tuần so với trước đây cũng khiến các nhà xe khó triển khai được, nên không thể chạy được. Chưa kể nhiều lái xe mới tiêm được 1 mũi vaccine nên không đủ điều kiện để chạy xe.

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Khúc Hữu Thanh Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Hải Phòng - cho rằng, cần có các biện pháp rõ ràng cho từng loại hình vận tải, bởi mỗi tỉnh lại có 1 quy định riêng sẽ rất khó triển khai.

Cụ thể như hàng không, hành khách bay về các địa phương có những quy định thống nhất. Do đó, cần có sự thông suốt để việc vận chuyển liên tỉnh không bị “ngăn sông cấm chợ”, bởi doanh nghiệp vận tải khi hoạt động phải tăng cường công tác phòng chống dịch, nhưng nếu hoạt động không hiệu quả thì sẽ rất tốn kém.

Được hoạt động 30% số chuyến

Theo quy định của Bộ GTVT, trong thời gian thí điểm, doanh nghiệp vận tải thực hiện tối thiểu 5% và tối đa không vượt quá 30% số chuyến trong 7 ngày của đơn vị theo lưu lượng đã được Sở GTVT công bố (số chuyến/tháng) và có giãn cách chỗ trên phương tiện (không áp dụng giãn cách đối với xe giường nằm).

Đối với các địa phương nguy cơ thấp và bình thường đến địa phương/khu vực có nguy cơ tương đương thì tổ chức hoạt động vận tải bình thường. Đối với các địa phương nguy cơ thấp và bình thường đến địa phương/khu vực có nguy cơ tương đương thì tổ chức hoạt động vận tải bình thường.

Bộ GTVT đề nghị các địa phương nơi hành khách cư trú, lưu trú quản lý, theo dõi, kiểm tra, giám sát những người về địa phương theo quy định của Bộ Y tế và quy định cụ thể của từng địa phương, đảm bảo an toàn, không để lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng.

Hành khách khi đi từ địa phương/khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao đến địa phương/khu vực có nguy cơ tương đương hoặc thấp hơn phải tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 (thẻ xanh trên sổ Sức khoẻ điện tử/PC-COVID hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine của cơ quan có thẩm quyền cấp, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19).

Đồng thời, tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ hai kể từ khi về nơi cư trú, lưu trú đối với hành khách về từ vùng dịch (được công bố tại trang thông tin điện tử Bộ Y tế). Trường hợp phát hiện hành khách có các triệu chứng như sốt, ho, khó thở... hoặc có kết quả xét nghiệm dương tính thì triển khai quy trình xử lý dịch bệnh theo quy định.

Các bến xe, trạm dừng nghỉ xây dựng và triển khai phương án, kế hoạch đón, trả hành khách bảo đảm an toàn, an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường và các quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Yêu cầu xây dựng và triển khai phương án tổ chức vận tải hành khách bảo đảm tuân thủ quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải và quy định về phòng, chống dịch COVID-19; công bố công khai các yêu cầu vận chuyển đối với hành khách.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôô Việt Nam - ông Nguyễn Văn Quyền - mặc dù ngành Y tế, ngành Giao thông đã có những quy định về kiểm soát sức khoẻ người dân, hướng dẫn cụ thể việc đi lại sao cho phù hợp, nhưng các địa phương vẫn còn quá thận trọng nên việc xác nhận hai đầu tuyến để xe được phép hoạt động trở lên khó khăn hơn rất nhiều. Nói đúng hơn, đến nay chưa tỉnh nào làm được việc này. Trong khi đó, nhu cầu của người dân là có, nhu cầu của doanh nghiệp là có.

Ông Quyền cho rằng, vì hoạt động khách liên tỉnh chưa thể hoạt động, nên nhiều người dân mới phải “rồng rắn” đi xe máy đưa nhau về quê, việc đi lại tự phát thế này cũng là nguy cơ lây lan dịch bệnh khó kiểm soát.

Việc Bộ GTVT ban hành quy định tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải hành khách đường bộ liên tỉnh là cần thiết và các tỉnh nên nhanh chóng mở lại vận tải liên tỉnh, vì nếu có xe đi theo tuyến, thì việc kiểm soát sẽ thuận lợi hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn