MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà sách Tiến Thọ bán sách giáo khoa, đồ dùng học tập trên đường Xuân Thuỷ (Cầu Giấy, Hà Nội) đóng cửa theo quy định giãn cách. Ảnh: H.N

Mở “luồng xanh” cho dịch vụ thiết yếu về giáo dục

Phạm Đông LDO | 29/08/2021 11:06
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu kéo dài thời gian giãn cách cần xem xét mở thêm “luồng xanh” cho các dịch vụ thiết yếu trong giáo dục như đồ dùng học tập, sách giáo khoa, phương tiện kết nối mạng... để đảm bảo học sinh, giáo viên có thể dạy và học trực tuyến tại nhà.

“Bỏ quên” dịch vụ thiết yếu trong giáo dục

Thời gian qua, người dân đã chấp hành nghiêm chỉnh chỉ đạo về giãn cách xã hội, “ai ở đâu thì ở yên đó”. Tuy nhiên, như Lao Động đã phản ánh ở bài viết “Điều hoà hỏng, máy tính hư... chờ “luồng xanh” ngày 26.8, khi thời gian giãn cách xã hội tiếp tục kéo dài đã bắt đầu nảy sinh một số vấn đề liên quan tới sinh hoạt thiết yếu của người dân. Từ chuyện chập cháy, hỏng hóc thiết bị điện nước, thiết bị dành cho học tập và làm việc tại nhà: Máy tính, điện thoại, đường internet...

Trao đổi với Lao Động, GS-TS Hoàng Bá Thịnh - chuyên gia xã hội học (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) - cho biết, hiện nay các dịch vụ thiết yếu mới chỉ được hiểu là hàng hoá như nhu yếu phẩm, thực phẩm, thuốc chữa bệnh cho người dân... Trong khi đó, các vấn đề trong sinh hoạt, học tập của người dân, của học sinh thì đang bị “bỏ quên” chưa được xem xét đến.

Ông Thịnh lấy dẫn dẫn chứng khi điện thoại, máy tính bị hư hỏng, người dân sẽ bị gián đoạn khi làm việc tại nhà. Với những gia đình có con nhỏ, bước vào năm học mới phải học online thì việc hỏng hóc máy tính hay thiết bị internet sẽ gây ra những xáo trộn trong học tập. Thậm chí đối với những gia đình có con nhỏ, các thiết bị điện như điều hoà hư hỏng trong thời tiết nắng nóng cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt.

Trong hơn 1 tháng qua, đa số người dân, học sinh ở nhiều tỉnh thành giãn cách phải làm việc và học trực tuyến tại nhà. Như vậy, máy móc, thiết bị phục vụ cho nhu cầu này cần được hiểu là hàng hóa thiết yếu. Trong trường hợp hỏng hóc thì sửa chữa là nhu cầu thiết yếu để công việc không ngưng trệ.

Hà Nội và các địa phương lần lượt có kế hoạch cho học sinh đi học trở lại từ ngày 23.8 và dự kiến khai giảng ngày 5.9. Do đó, việc cung cấp các dịch vụ thiết yếu như lắp đặt, sửa chữa máy móc, thiết bị phục vụ học tập và làm việc trực tuyến trong nhiều trường hợp đang trở nên bức thiết. Chính vì thế, ông Thịnh cũng kiến nghị nên quan tâm, xem xét với những dịch vụ thiết yếu, phục vụ cuộc sống hằng ngày của người dân.   

Để cuộc sống người dân không bị ảnh hưởng cũng như đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch trong thời gian dài, ông Thịnh đề xuất mở “luồng xanh” cho các loại dịch vụ này nhưng vẫn đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách và phòng, chống dịch. 

Xem xét mở “luồng xanh” cho các dịch vụ thiết yếu về giáo dục

Nhiều gia đình đã phải chuẩn bị sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho con bước vào năm mọc mới. Tuy nhiên, hơn 1 tháng qua, Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ phải giãn cách xã hội vì dịch COVID-19 nên nhiều cửa hàng sách đóng cửa, dịch vụ vận chuyển hàng (shipper) bị hạn chế, do đó gây khó khăn cho phụ huynh có nhu cầu mua sách giáo khoa cũng như đồ dùng học tập cho con em.

Chị Nguyễn Thị Mai (Nguyễn  Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội) bày tỏ: “Trường con tôi bắt đầu học online từ tuần sau, nhưng các cửa hàng sách ở Hà Nội phải đóng cửa do giãn cách. Sau một hồi kết nối tôi đặt dụng cụ, thiết bị học tập trên mạng nhưng nơi nào cũng bắt đợi từ 5-7 ngày mới có thể giao hàng. Như vậy, đến ngày các con phải học sẽ chưa có dụng cụ học tập ngay khiến tôi rất lo lắng”.

Nhiều phụ huynh chia sẻ, nếu không đặt trước với nhà trường từ cuối năm học thì không thể có bộ sách đầy đủ theo yêu cầu. Mua sách online thời dịch bệnh đã dẫn đến những hệ luỵ khi khách hàng đã chuyển tiền đầy đủ nhưng nhà sách vẫn không giao hàng được đúng hạn.  Do đó, nhiều phụ huynh học sinh đề xuất thành phố xem xét sớm mở dịch vụ thiết yếu phục vụ cho việc học tập.

Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TPHCM) cho biết, Hiến pháp năm 2013, điều 39 quy định: “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập”. Luật trẻ em quy định: “Trẻ em có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân” (điều 16 Luật trẻ em). Do đó, việc học tập theo quy định pháp luật hiện hành được xem là nhu cầu cơ bản của học sinh. Trong hoàn cảnh phải học online, máy tính sẽ được xem là vật dụng kết nối học tập không thể thiếu hoặc không thể thay thế.

Luật sư Bình cũng chỉ ra, trong bối cảnh hiện nay, việc sửa chữa máy tính, thiết bị học lập là nhu cầu thiết yếu nhưng cửa hàng sửa máy tính lại không phải là dịch vụ thiết yếu. Do đó, người dân sẽ không tìm được nơi sửa máy tính nào còn hoạt động trong thời điểm này.

Chính vì vậy, thành phố cần xem xét mở “luồng xanh” cho các cửa hàng sửa chữa, bán máy tính và các thiết bị phục vụ dạy học và làm việc từ xa được phép hoạt động. Kéo theo đó, dịch vụ sửa chữa xe máy, thiết bị điện tử, điện lạnh cũng cần được điều chỉnh một cách hợp lý. Luật sư cũng cho biết, khi giãn cách xã hội còn có thể kéo dài, đây sẽ không chỉ là nhu cầu đơn lẻ của từng cá nhân mà đang trở nên bức thiết.

Theo quy định, xưởng dịch vụ, sửa chữa của đại lý ô tô và xe máy không được coi là ngành nghề thiết yếu. Do đó, theo tìm hiểu của phóng viên, các gara, xưởng sửa chữa tư nhân đã đều đóng cửa, tạm dừng hoạt động. 

Ông Trần Văn Minh, Giám đốc Cứu hộ giao thông ABC cho biết, trong thời gian giãn cách xã hội, cứu hộ giao thông vẫn được phép hoạt động bởi các phương tiện vận tải hàng hoá thiết yếu hay xe hỗ trợ chống dịch vẫn hoạt động, khi gặp sự cố trên đường vẫn cần có cứu hộ giao thông. Trong trường hợp chủ xe gặp sự cố tại Hà Nội, các xe cứu hộ giao thông vẫn có thể sửa chữa nhanh một số thứ như thay lốp, hay câu bình ắc quy.

Giá thay lốp cao nhất khoảng 300.000 đồng đối với xe tải và xe con thì rẻ hơn khoảng 1 nửa. Còn nếu câu bình thì dao động từ khoảng 100.000 - 150.000 đồng.

Tuy nhiên, theo các tài xế, việc gọi cứu hộ và sửa chữa xe vào thời điểm giãn cách gặp rất nhiều khó khăn. Với ô tô, những lỗi hư hỏng nặng sẽ rất khó sửa chữa, thay thế khi gara không mở cửa. Còn đối với xe máy, nếu không tự sửa chữa được, người dân sẽ phải tự dắt bộ về nhà.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn