MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Từ đầu năm, cả nước đã thu hơn 2.000 tỉ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Ảnh minh hoạ: Thu Giang

"Mỏ vàng" từ thị trường mua bán tín chỉ carbon

Thu Giang LDO | 10/10/2023 11:49

Thị trường trao đổi tín chỉ carbon của Việt Nam đang khá sôi động liên quan đến mua bán, bù trừ, đầu tư dự án sinh ra tín chỉ carbon.

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT), từ đầu năm đến nay cả nước đã thu 2.027,64 tỉ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung mở rộng đối tượng dịch vụ môi trường rừng và hướng tới việc bán tín chỉ carbon ra thị trường thế giới.

Cụ thể, Bộ NNPTNT đánh giá, việc chi trả dịch vụ môi trường rừng chủ yếu thực hiện công việc để duy trì nguồn nước, bảo vệ đất, chống bồi lắng lòng hồ cho sản xuất thủy điện, hoặc một số dịch vụ khác như cung cấp nước sạch, nước công nghiệp, du lịch sinh thái ở quy mô nhỏ, chiếm tỉ trọng thấp.

Theo Bộ NNPTNT, từ đầu năm đến nay cả nước đã thu 2.027,64 tỉ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Nhưng còn nhiều dư địa, tiềm năng lớn cho việc phát triển dịch vụ môi trường rừng, dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng, giảm phát thải khí nhà kính từ việc hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững.

Để tiếp tục phát huy tiềm năng từ dịch vụ môi trường rừng, thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định tại các Nghị định, Thông tư hướng dẫn liên quan hoặc ban hành các Nghị định, Thông tư mới.

Trong đó, Bộ NNPTNT sẽ tập trung vào mở rộng đối tượng dịch vụ môi trường rừng, thực hiện và tổ chức thực hiện các loại hình dịch vụ mới như kinh doanh du lịch sinh thái bên ngoài phạm vi khu rừng nhưng có sử dụng vẻ đẹp cảnh quan do rừng tạo ra, dịch vụ hấp thụ, lưu giữ carbon đối với tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh gây phát thải khí nhà kính lớn và bán tín chỉ carbon ra thị trường thế giới.

Tín chỉ carbon (tín chỉ CO2) là chứng nhận có thể giao dịch thương mại, thể hiện quyền phát thải một tấn khí CO2, hoặc một tấn khí nhà kính khác tương đương.

Phương thức mua bán được hiểu là một công ty tạo ra 12 tấn khí thải trong khi giới hạn cho phép là 10 tấn thì có thể mua lại 2 tấn tín chỉ từ công ty tạo khí thải thấp hơn mức giới hạn, điều này được xác nhận bởi một bên thứ ba. Mục tiêu cuối cùng của tín chỉ carbon là giảm phát thải khí nhà kính vào khí quyển.

Chia sẻ tại Diễn đàn cơ hội đầu tư thương mại và trách nhiệm của doanh nghiệp trong thị trường carbon tổ chức ngày 16.6, ông Phạm Cương - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ môi trường và Ứng phó biến đổi khí hậu - nhìn nhận, thị trường carbon được xem là giải pháp, chìa khóa để Việt Nam thực hiện mục tiêu Net Zero - Phát thải ròng bằng 0 vào năm 2025.

Ông Cương cho rằng, ở giai đoạn hiện tại thị trường trao đổi tín chỉ carbon của Việt Nam khá sôi động liên quan đến mua bán, bù trừ, đầu tư dự án sinh ra tín chỉ carbon. Ngay cả đối với việc trồng và bảo vệ rừng, cũng đang đem lại nguồn thu cho nông dân từ việc bán khí thải carbon.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn