MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lồng bè nuôi trồng thủy sản của người dân huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) bị thiệt hại nặng nề sau bão số 12.

Mới chỉ khắc phục được trên bờ

NHIỆT BĂNG LDO | 07/12/2017 15:27
Đã hơn 1 tháng kể từ sau cơn bão số 12 đổ bộ vào Khánh Hòa, vẫn còn khá nhiều lồng bè nuôi thủy sản của người dân bị chìm dưới biển sâu, không được trục vớt. Có vùng biển được giao cho doanh nghiệp quản lý cũng “khóc ròng” vì lồng bè nơi khác đang bị chìm, chưa được trục vớt.

Vẫn còn ngỗn ngang

Nhiều ngày qua, ông Lê Văn Khánh (thị trấn Vạn Giã) thuê cả thợ lặn ra vùng nuôi tôm hùm ở gần khu vực Vũng Ké để trục vớt lồng bè, nhằm mục đích tận dụng lại các thanh gỗ, phuy nhựa, lưới để phục hồi lồng bè nuôi nhưng hết sức khó khăn vì tài chính có hạn. “Tại Vũng Ké không những lồng bè của gia đình tôi mà có hàng trăm hộ dân khác bị sóng biển đánh tan tành, trôi dạt lại thành đống như… “bãi chiến trường”. Các thùng phuy nhựa bị thủng, vỡ kéo chìm rất nhiều lồng, bè xuống biển” - ông Khánh cho hay. Theo thống kê, sau bão số 12, toàn tỉnh Khánh Hòa có 35.785 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại hoàn toàn. Tuy vậy, gần như các địa phương chậm báo cáo tỉnh phương án khắc phục, xử lý vấn đề này. Ông Trần Kim Bảo - Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh - cho biết, qua khảo sát sơ bộ, còn khá nhiều lồng bè nuôi tôm, cá của người dân chìm dưới biển chưa được trục vớt. Tuy nhiên, việc đánh giá mức độ, phạm vi là rất khó. Trong khi huyện không đủ nhân lực, thiết bị lặn xuống biển để khảo sát cụ thể được. “Có khả năng chúng tôi phải đề xuất phương án thuê đơn vị chuyên môn để thực hiện các biện pháp trục vớt” - ông Bảo cho hay.

Cứ mãi lo trên bờ

Tại hội nghị đối thoại doanh nghiệp lần 2 do UBND tỉnh tổ chức mới đây, ông Lê Thế Cường - Trợ lý Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Trai Sài Gòn (huyện Vạn Ninh) - đặt câu hỏi khiến nhiều người không khỏi “lạnh” người: “Có khi nào dưới các lồng bè bị chìm trong địa phận chúng tôi quản lý còn thi thể lao động lồng bè không?”. Doanh nghiệp này được cấp phép diện tích khoảng 90ha tại vịnh Vân Phong để nuôi trai lấy ngọc. Sau bão, rất nhiều lồng bè bị chìm trong vùng nuôi này nhưng không phải của doanh nghiệp, mà của người dân trôi dạt đến. “Chúng tôi không thấy ai trục vớt các lồng bè này lên, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến hoạt động nuôi ngọc trai” - ông Cường nói và đề nghị tỉnh cần có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trục vớt các lồng bè lên càng sớm càng tốt.

Ngoài ra, nhiều tàu thuyền của người dân bị chìm “mạnh ai nấy trục vớt” chứ chưa được hỗ trợ gì. Qua thống kê của UBND huyện Vạn Ninh, toàn huyện có hơn 13.400 lồng bè nuôi tôm hùm và 3.114 lồng bè nuôi các loại cá bị bão số 12 đánh chìm, trôi dạt, hư hỏng. Bên cạnh đó, 868 chiếc tàu thuyền bị bão đánh chìm, hư hỏng nặng nề. Theo ông Bảo, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, địa phương đang lên phương án trục vớt lồng bè, tàu thuyền bị chìm báo cáo UBND tỉnh trước ngày 10.12 để xử lý. Ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa - nhìn nhận, trên thực tế, các cơ quan chức năng của tỉnh, chính quyền sở tại mới chỉ quan tâm khắc phục bão số 12 ở trên bờ, còn dưới nước thì chưa thực sự quan tâm đúng mức.

Được biết, UBND tỉnh Khánh Hòa đã đề xuất Chính phủ hỗ trợ vay tín chấp, Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong 5 năm đầu, thời hạn cho vay phù hợp với từng đối tượng nuôi trồng thủy sản để ngư dân có điều kiện đầu tư, khôi phục sản xuất; hỗ trợ các ngư dân có tàu cá bị thiệt hại trong cơn bão số 12 được xem xét vay đóng mới tàu cá khai thác xa bờ với lãi suất ưu đãi 100%.

“Xẻ” rừng lấy gỗ về đóng lồng bè sau bão 12: Không lập biên bản, xử lý được trường hợp nào

Ông Trần Minh Thu - Phó Chi cục Trưởng Chi cục kiểm lâm Khánh Hòa - cho hay như vậy khi trao đổi với PV Lao Động vào sáng nay (6.12). Ông Thu cho biết, tình trạng người dân huyện Vạn Ninh lên rừng chặt gỗ về đóng lồng bè nuôi trồng thủy sản sau bão số 12 cơ bản ổn. Không nhiều như sau bão (trung bình mỗi ngày có khoảng 50-60 người dân lên rừng lấy gỗ về làm lồng bè nuôi tôm) nhưng theo ông Thu là vẫn còn 4-5 trường hợp/ngày lên rừng lấy gỗ. Nơi người dân “xẻ thịt” rừng trái phép này chủ yếu tập trung ở hai xã Vạn Phú, Vạn Bình (huyện Vạn Ninh). Điều trái khoáy là, ông Thu cho hay không phát hiện, xử lý được trường hợp nào. “Xử lý dứt điểm việc này là rất khó, vẫn có các đối tượng lén lút vào rừng lấy gỗ” - ông Thu nói. Tiếp nhận báo cáo của cấp dưới, ngày 24.11, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa đã triển khai đội kiểm lâm cơ động chốt chặn các vị trí. UBND huyện Vạn Ninh cũng triển khai lực lượng chốt chặn các ngã đường dẫn vào rừng. “Kiểm lâm nằm vùng tại khu vực Dốc Mỏ, Suối Hương (xã Vạn Bình, huyện Vạn Ninh) nhưng không phát hiện được vụ nào” - ông Thu cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn