MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều người dân Giẻ Triêng ở Phước Sơn, Quảng Nam đãi vàng sa khoáng trên sông Đăk Mi để mưu sinh. Ảnh: Hoàng Bin

Mỏi mắt tìm vàng sa khoáng nơi thượng nguồn thủy điện

Hoàng Bin LDO | 24/07/2023 09:34

Vào mùa lũ, vàng sa khoáng từ trên núi trôi xuống dòng sông Đăk Mi, huyện Phước Sơn, Quảng Nam nhưng bị nước thủy điện dâng cao nhấn chìm dưới đáy. Mùa khô, nước cạn, nhiều người dân Giẻ Triêng đổ ra thượng nguồn đãi cát tìm vàng.

Nhọc nhằn mưu sinh

Trên đoạn sông gần 2 km, gần 100 người Giẻ Triêng chia thành từng khu vực, cách nhau khoảng 200 m để đãi vàng, bắt đầu từ 7, 8 giờ sáng đến chiều, khi thủy điện Đak Mi 4 xả nước thì trở về lều nghỉ ngơi.

Vợ chồng ông Hồ Văn Hin (49 tuổi, ở xã Phước Chánh, huyện Phước Sơn) đang hì hục đãi vàng dưới dòng sông Đăk Mi khô cạn, vừa để mắt đến đứa con trai út 5 tuổi, vô tư chơi đùa bên cạnh.

“3 đứa lớn lên núi phụ việc nương rẫy. Còn đứa nhỏ nhất phải theo chân cha mẹ ra suối vì ở nhà không có người trông coi. Vất vả lắm, nhưng mình không làm thì không có tiền mua mắm, mua muối, nên phải bỏ sức đi làm thôi” - ông Hin thật thà kể.

Cạnh đó, Hồ Văn Dê (20 tuổi, xã Phước Chánh) chậm rãi bước về phía căn lều dựng tạm, toàn thân ướt sũng, tay giở nắm cơm ra ăn lót dạ, em kể: “Nhà em ra đến bờ sông này hơn 10 km. Mẹ có tuổi rồi, mà việc đãi vàng phải khom lưng nhiều, nên hay đau mỏi. Buổi sáng em phụ mẹ, chiều xuống, nước lớn thì ra sông giăng lưới kiếm thêm con cá cải thiện bữa ăn”.

Anh Hồ Văn Đáy (40 tuổi xã Phước Chánh) là người có thâm niên đãi vàng ở dòng sông này, cho biết: “Để lấy được vàng, đầu tiên mình dùng rổ múc cát, sỏi dưới sông lên đặt trên máng nước. Sau đó lấy gàu nước dội mạnh vào rổ, cho cát và vàng mịn trôi ra, đọng lại trên thảm. Sau chừng 20 rổ thì gom cát trên tấm thảm cho vào mâm tròn, tiếp tục đãi mới ra được vàng cám. Ngày nào nhiều, 2 vợ chồng kiếm được 300.000 đồng, cũng có ngày ít hơn”.

Thấp thỏm đãi vàng trái phép

Vàng có sẵn dưới sông, nhưng để lấy được vàng người dân vô cùng khó nhọc. Ngày đầu ra sông đãi vàng, chị Hồ Thị Chiêm (30 tuổi, xã Phước Chánh) chưa quen với công việc tốn sức, dù ngâm mình dưới nước nhưng dưới cái nắng chói chang, mồ hôi nhễ nhại.

Theo ông Hồ Văn Huy - Chủ tịch UBND xã Phước Chánh - việc đãi vàng trên sông Đăk Mi là trái phép, chính quyền thường xuyên vận động, đẩy đuổi, nhưng do đời sống đồng bào còn khó khăn nên họ vẫn lén lút làm.

“Đời sống bà con ở Phước Chánh rất nghèo. Như tôi đây thì có con gái bệnh tật đã 5 năm nay.

Một tuần kiếm được bao nhiêu lại đưa con gái xuống Đà Nẵng chữa bệnh, hết tiền lại về đãi vàng” - chị Hồ Thị Nga (34 tuổi, xã Phước Chánh) tâm sự.

Có lẽ vì hoàn cảnh nghèo khó, đông con, cái ăn, cái mặc phải chạy lo từng bữa, khiến đồng bào Giẻ Triêng chúng tôi gặp, đều toát lên vẻ lam lũ. Thiếu sinh kế ổn định, cuộc sống của họ bấp bênh như con nước lên, xuống nơi lòng hồ thủy điện.

Huyện Phước Sơn được xem như là "thủ phủ" vàng của tỉnh Quảng Nam với trữ lượng lớn thứ hai cả nước (Chỉ sau mỏ Bồng Miêu, huyện Phú Ninh). Hiện có 13 mỏ vàng được cấp phép cho 8 công ty khai thác. Hoạt động đãi vàng trên sông Đăk Mi thường diễn ra trong mùa khô, từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm. Vàng sa khoáng sau khi đãi xong, được người dân bỏ vào chậu mang về nhà. Sau đó, họ sẽ dùng thủy ngân để tách lấy vàng nguyên chất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn