MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa

Mỗi ngày một bài bình luận

LÊ THANH PHONG LDO | 14/08/2018 12:38
Giữ chuyên mục Sự kiện Bình luận (SKBL) của Báo Lao Động được 15 năm, chuyện nghề có nhiều, xin được chia sẻ với bạn đọc nhân sinh nhật báo nhà.

Người giữ chuyên mục cho nhật báo ngày nào cũng phải có một bài. Trước đây, mỗi ngày đọc một bài của nhà báo Chu Thượng trên chuyên mục SKBL, tôi phát khiếp. Nhưng khi được giao nhiệm vụ, trước áp lực của tòa soạn, rồi cũng phải làm. Thế là mỗi ngày tôi phải viết, chưa kể phải thêm bài cho báo điện tử.

Viết một bài bình luận không khó, khó nhất là nghĩ ra đề tài. Cho nên từ sáng sớm cho đến tối, người viết bình luận luôn phải đọc tin tức. Đọc các báo, mạng xã hội, đọc để nắm thông tin, và để biết bạn đọc quan tâm đến đề tài gì nhất. Ngoài đọc báo để nắm tin tức, phải đọc những tài liệu, tạp chí, sách, tích lũy kiến thức về nhiều lĩnh vực khác nhau để không bị lạc hậu. Làm báo mà lạc hậu thì mất bạn đọc.

Báo Lao Động không muốn bạn đọc mất thì giờ, nên quy định mục SKBL chỉ 550 chữ. Đây chính là cái khó của người viết, vì viết ít chữ mà nói được nhiều ý luôn là thử thách. Tôi nhớ có ai đó nói: “Hôm nay tôi phải viết dài vì không có thời gian để viết ngắn”.

Viết SKBL tối đa 550 chữ mà mất hết một nửa để kể lại sự kiện mà ai cũng biết thì hỏng. Sự kiện chỉ là cái cớ, từ đó bằng quan sát của mình, tác giả nói rộng ra, sâu hơn, phản biện và đóng góp ý kiến xây dựng hoặc giải pháp xử lý. Vì hạn chế số chữ, cho nên câu cú, ngôn ngữ, cách hành văn của thể loại bình luận phải chọn lọc, ngắn gọn, súc tích. Viết lòng vòng không phải là văn phong bình luận.

Làm báo thời “điện tử” đòi hỏi phải nhanh, không lai rai như trước. Một cú điện thoại của tòa soạn đặt bài, là phải ngồi vào bàn viết ngay lập tức, nhanh nhất có thể. Làm báo thời điện tử rèn cho người viết tính sẵn sàng. Quá trình đọc liên tục đã giúp người viết nắm bắt thông tin, từ sự kiện thời sự đến các vấn đề liên quan, và phản ứng bằng một bài viết. Tất nhiên, không phải khi nào cũng viết sắc sảo, đưa ra được các đề xuất tốt, giải pháp hay.

Giữ chuyên mục còn phải sẵn sàng chuyện bị “đổ bài”, đổ vì bài viết kém chất lượng hoặc vì nhiều lý do nào khác. Chuyện thường xảy ra, đó là buổi tối chừng 8-9 giờ, điện thoại reo, thấy số của tòa soạn là biết có chuyện. Nghe hai chữ “đổ bài” và sau đó là cho phép bao nhiêu phút để nộp bài khác, thường thì chỉ có 30 - 40 phút. Nếu đang ở nhà thì thoải mái, còn đang trên đường, ở trong quán thì vất vả hơn. Đó cũng là lý do bạn bè thường thấy tôi viết bằng ipad hay điện thoại.

Tôi không dám tự nói nhiều về nghề viết của mình, xin trích hai ý của bạn bè nói về tôi, nhưng cũng khái quát về tính nghề nghiệp của nhà báo, nhất là những người giữ chuyên mục.

Nhà văn Vĩnh Quyền viết: “Mỗi dịp Lê Thanh Phong về Huế thăm quê, trong khi lái xe đưa Phong đi thăm thú đây đó, tôi chứng kiến cây bút “đời thứ hai” mục Sự kiện Bình luận Báo Lao Động múa bút, nhưng là với iPad đặt trên đầu gối. Khi đang bon bon trên đường, Phong tập trung viết rào rào, gõ send một phát dứt khoát chuyển bài đi tòa soạn, rồi quay lại sôi nổi ngay với chuyện vừa tạm ngừng, như chưa hề vắng mặt, như chẳng có “sự kiện” nào cả”.

Nhà báo Hoàng Văn Minh viết về cái sự viết của tôi như thế này: “Nhớ hồi còn ở Huế, khi iPad còn chưa xuất hiện ở Việt Nam, lần nào về thăm quê, Lê Thanh Phong cũng gọi tôi bảo “ghé văn phòng cho anh mượn máy tính 30 phút”. Và anh ngồi viết bình luận, lúc thì hai bài, có khi một mạch bốn, năm bài, nhẹ nhàng như thể chép lại một bài thơ đã học thuộc”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn