MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bán hàng ăn trên hè phố tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất vệ sinh an toàn. Ảnh: N.L

Mối nguy hại từ những món ăn đường phố giá rẻ

Ngọc Lê LDO | 12/12/2020 11:12

Không khó để bắt gặp những gánh hàng rong, xe bán thức ăn đường phố ở các con đường, hẻm, đặc biệt là trước cổng trường học trên địa bàn TPHCM. Những món ăn này không được che chắn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc.

Thức ăn đường phố “bủa vây” cổng trường

Thời gian qua, những vụ việc liên quan đến mất an toàn vệ sinh thực phẩm tại các gánh hàng rong ở cổng trường đang khiến dư luận hết sức quan ngại. Gần đây nhất là vụ việc 6 học sinh tại Đà Nẵng phải nhập viện nghi bị ngộ độc do ăn thức ăn đường phố bánh tráng trộn đã khiến không ít người phải giật mình vì lâu nay tưởng những món ăn này vô hại.

Tại TPHCM, không khó để bắt gặp những gánh hàng rong ở các con đường, đặc biệt là trước cổng các trường học trên địa bàn. Theo ghi nhận của PV, trước cổng trường THCS Minh Đức (Quận 1), trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Quận 3), trường Đại học Công Nghiệp TPHCM (quận Gò Vấp),… có đến hàng chục xe bán hàng rong đa dạng các món ăn không được che chắn kỹ lưỡng.

Ghi nhận tại cổng trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (Quận 5), để thu hút học sinh, các xe bán hàng rong được xếp dài 2 bên đường, các món ăn như bánh tráng trộn, thực phẩm xiên que,… đều được bày bán và chế biến lộ thiên ngoài trời, tiếp xúc với khói xe, bụi bẩn, kể cả vi khuẩn ngoài đường.

Thậm chí, PV còn bắt gặp hình ảnh người bán dùng đôi tay trần để chế biến các món ăn rồi cầm tiền thối cho sinh viên, tiếp đến lại dùng đôi tay chế biến món ăn bán cho người khác, trong khi tiền là nơi ẩn náu của nhiều loại vi khuẩn độc hại mà mắt thường không thể nhìn thấy được. Khi được hỏi vì sao không đeo bao tay để làm thức ăn cho khách, một người phụ nữ bán trái cây thừa nhận không đeo là sai với quy định nhưng lại thuận tiện hơn. “Tôi bán ở đây mấy năm nay, vẫn thường chế biến như vậy, các món ăn đều an toàn, chưa có ai ăn xong mà bị gì cả” - Người này biện minh.

Nguy hại không tưởng

Không chỉ quy trình chế biến thức ăn đường phố tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc mà nguồn gốc nguyên liệu, gia vị chế biến cũng rất đáng lo. Đa phần các món ăn này đều có giá khá rẻ từ 10.000-15.000đồng/món, nguyên liệu chế biến đều không có nhãn mác, một số nguyên liệu còn được người bán quảng cáo “make in nhà làm”.

Theo bác sĩ Phạm Công Danh - Bộ Môn Dinh dưỡng - An toàn thực phẩm trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch nhận định, khi tiêu thụ các sản phẩm không rõ nguồn gốc, người tiêu dùng sẽ đối mặt với nguy cơ ngộ độc cấp tính hoặc mãn tính do nguồn nguyên liệu không đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ. Quá trình chế biến món ăn đường phố không đảm bảo yêu cầu về vệ sinh như trang thiết bị, quy trình chế biến,... Bên cạnh đó, thức ăn cũng không được bao gói, chứa đựng trong các vật liệu an toàn cho sức khoẻ, sử dụng các phụ gia thực phẩm không đúng với quy định của Bộ Y tế.

Mặt khác, các loại thức ăn này còn có thể dẫn tới tình trạng mất cân bằng về dinh dưỡng nếu trẻ ăn thường xuyên các món chiên xào, bỏ nhiều muối, đường, chất béo. “Điều quan trọng là phụ huynh, nhà trường giáo dục trẻ biết bảo vệ sức khỏe, lựa chọn thực phẩm bày bán, chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh. Hạn chế tối đa các món ăn đường phố, không nên mua thực phẩm không tốt cho sức khỏe” - bác sĩ Công Danh khuyên.

Đại diện Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM cũng cho biết, thời gian qua, một số quận huyện trên địa bàn Thành phố đã kiểm tra, giải tỏa các điểm bán thức ăn đường phố ở các cổng trường. Tuy nhiên, một số nơi vẫn bán hàng theo hình thức “du kích”. Tại nhiều trường học, cứ gần giờ ra chơi hoặc giờ tan học khoảng 30 phút là những chiếc xe bán hàng thực phẩm lưu động với nhiều món ăn lại xuất hiện. Đối với những cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, nhận thức pháp luật còn kém nên xử phạt cũng rất khó. Do đó, việc kiểm tra, phát hiện sai phạm chủ yếu dừng lại ở nhắc nhở.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn