MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gần 1,4 tấn thịt lợn bốc mùi hôi thối đã bị phát hiện khi đang trên đường vận chuyển đi tiêu thụ. Ảnh: Đội QLTT số 5

Mối nguy mất an toàn thực phẩm lại rình rập ở khắp nơi

Thùy Linh LDO | 06/10/2023 06:53

Gần đây, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện các vụ vận chuyển, tiêu thụ thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không hóa đơn chứng từ, thậm chí đã bốc mùi hôi thối. Tình trạng mất an toàn thực phẩm lại tái diễn ở khắp cả nước.

Liên tiếp phát hiện, buộc tiêu hủy hàng hóa không đủ điều kiện làm thực phẩm

Cuối tháng 9.2023, Đội QLTT số 1 đã phối hợp với Công an tỉnh Lào Cai đã liên tiếp phát hiện các vụ vi phạm an toàn thực phẩm. Hàng trăm kg xúc xích đông lạnh, trễ lợn, hàng nghìn cánh vịt ăn liền không rõ nguồn gốc xuất xứ... đã bị thu giữ, tiêu hủy. Trong đó, có nhiều lô hàng xuất hiện tình trạng chảy nước, bốc mùi hôi thối.

Tiếp đó, Đội QLTT số 10 - Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp cùng Đội Cảnh sát kinh tế - Công an thành phố Thanh Hóa đã kiểm tra phát hiện và tạm giữ 1.287 sản phẩm có dấu hiệu nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ và hết hạn sử dụng. Những sản phẩm bị thu giữ chủ yếu là bột pha chế trà sữa, cà phê, kem, ca cao và các loại thực phẩm như sụn lợn, nầm lợn, khoai dẻo, bò khô...

Ngày 4.10, Cục QLTT tỉnh Nghệ An phối hợp với Trạm Cảnh sát giao thông huyện Diễn Châu - Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Nghệ An phát hiện phương tiện đang vận chuyển 150kg thịt chim đông lạnh đựng trong 4 thùng xốp lớn, không hề có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và đã bốc mùi hôi thối.

Mới nhất, Đội QLTT số 5, Cục QLTT Hưng Yên phát hiện gần 1,4 tấn thịt lợn đang trong quá trình phân hủy, biến đổi màu sắc, bốc mùi ôi thiu, không đảm bảo vệ sinh thú y, không đủ tiêu chuẩn làm thực phẩm đang được vận chuyển đi tiêu thụ. Số thịt lợn bẩn này đã bị buộc phải tiêu hủy ngay.

Về phía người tiêu dùng, gần đây liên tiếp nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ở một số địa phương trên cả nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của cộng đồng khiến dư luận lo lắng.

Mới đây nhất là vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại chung cư Palm Heights (TP Thủ Đức, TPHCM) vào đêm 30.9 làm 50 trẻ em bị ngộ độc, 1 bé đã tử vong. Sở Y tế TPHCM phải tổ chức cuộc họp khẩn với các chuyên gia vào sáng 4.10.

Các chuyên gia nhận định bánh su kem bị nhiễm khuẩn khả năng cao là thủ phạm gây ngộ độc thực phẩm.

Ngay khi vụ việc xảy ra, Chủ tịch UBND TPHCM giao Ban Quản lý An toàn thực phẩm chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị có liên quan tập trung các biện pháp nhằm ngăn chặn, tránh để xảy ra ngộ độc trên địa bàn TPHCM.

Ngộ độc thực phẩm xảy ra, nhiều người mới giật mình

Chia sẻ với phóng viên Lao Động về việc liên tiếp phát hiện thực phẩm bẩn, liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, đây thực sự là đáng báo động về tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Dù ngộ độc thực phẩm xảy ra với cả thương hiệu lớn, lâu đời thì khuyến cáo về việc lựa chọn thực phẩm ở những nơi có uy tín, có thương hiệu vẫn đúng. Bởi lẽ, nguy cơ mất an toàn thực phẩm có thể xảy ra ở nhiều khâu mà chính doanh nghiệp cũng không lường hết được.

"Thực tế, khi có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra thì nhiều người mới giật mình lo lắng, còn về nguyên tắc phòng tránh ngộ độc thực phẩm cơ bản không có gì thay đổi" - PGS.TS Thịnh nhận xét.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo người tiêu dùng cần cẩn thận hơn khi mua và sử dụng thực phẩm. Với những loại có bao bì đóng gói thì phải có nhãn mác, hạn sử dụng. Nếu sản phẩm không có thông tin này thì không nên mua vì khi xảy ra sự cố không ai chịu trách nhiệm.

Ông cũng lưu ý, người Việt hay có thói quen mua thực phẩm đóng gói để biếu tặng, thắp hương, để dành chờ dịp đông đủ mới lấy ra ăn mà không để ý hạn sử dụng cũng như điều kiện bảo quản. Điều này dẫn đến nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

"Một điều cũng cần chú ý là kể cả đi ăn ở những quán ăn quá đông khách, khách hàng cũng nên dè chừng bởi khi quá tải rất khó kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm; còn quán ế khách rất dễ bán đồ thừa, kém chất lượng" - PGS.TS Thịnh phân tích.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn