MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Moong than lộ thiên 917 của Công ty than Hòn Gai tại phường Hà Khánh, TP.Hạ Long. Ảnh: Nguyễn Hùng

Moong than đầu tiên thành hồ nước ngọt dung tích 20 triệu m3 ở Hạ Long

Nguyễn Hùng LDO | 13/08/2022 08:21

Quảng Ninh - Moong khai thác than lộ thiên 917 của Công ty than Hòn Gai, nằm trên địa phường Hà Khánh, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh sẽ là moong than đầu tiên được cải tạo thành hồ chứa nước ngọt…

Các đơn vị liên quan đang làm các thủ tục, quy trình để sớm đưa hồ chứa nước ngọt đặc biệt này, có dung tích khoảng 20 triệu m3, vào khai thác.

Ông Bùi Khắc Thất – Giám đốc Công ty than Hòn Gai – cho biết, hết năm nay, công ty sẽ đóng cửa moong than này và chuyển sang khai thác hoàn toàn hầm lò.

Hiện, Công ty Than Hòn Gai đang xây dựng dự án cải tạo, phục hồi môi trường moong khai thác than lộ thiên 917  khi kết thúc khai thác và đổ thải, để biến moong than sâu hơn 100m này trở thành hồ chứa nước ngọt theo chủ trương của tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Moong than lộ thiên 917 của Công ty than Hòn Gai có dung tích khoảng 20 triệu m3. Ảnh: Nguyễn Hùng

Trước mắt, công ty sẽ cải tạo, phục hồi môi trường moong 917, xây dựng bờ đê xung quanh moong, tiến hành trồng cây phi lao và keo lai diện tích 60ha xung quanh hồ với mật độ 2.500 cây/ha; cải tạo các tuyến đường, xây dựng hệ thống mương thoát nước xung quanh moong.

Đồng thời, Công ty Than Hòn Gia cũng sẽ làm việc với địa phương và các cơ quan chức năng về điều chỉnh quy hoạch đất 2021-2026, thủ tục pháp lý…, để sớm chuyển moong thành hồ chứa nước ngọt với dung tích 20 triệu m3.

Theo đại diện Công ty Môi trường – TKV, qua khảo sát, đối với vùng Hòn Gai, hiện nay Công ty đang vận hành 6 trạm xử lý nước thải mỏ với tổng công suất xử lý 29,473 m3, thực tế năm 2021 đã xử lý trên 31,9 triệu m3. Như vậy, với dự kiến hồ chứa nước ngọt dung tích 20 triệu m3 là hoàn toàn đáp ứng được.

Cùng với đó, Công ty sẽ xây dựng hệ thống dẫn nước, thu toàn bộ nước bề mặt, các hồ sơ cấp, trung cấp, đáp ứng cho hồ chứa nước công suất 20 triệu m3/năm và nghiên cứu triển khai tái chế nước thải mỏ phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Moong than lộ thiên của Công ty CP than Núi Béo tại phường Hà Tu, TP.Hạ Long. Mỏ than lộ thiên lớn nhất Hạ Long này vừa hết thời hạn hoạt động. Ảnh: Nguyễn Hùng

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cần đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố kỹ thuật liên quan đến hồ nước, đảm bảo an toàn, chất lượng nước, công tác xử lý bùn đất, tác động của hồ nước đến khai thác hầm lò, các công trình bên trên…

Để sớm biến moong khai thác than 917 thành hồ chứa nước ngọt, TKV đã giao Công ty Than Hòn Gai cùng ban, đơn vị liên quan của TKV khẩn trương hoàn thành phương án để báo cáo Tập đoàn xem xét.

Như Lao Động đã thông tin, để hoàn nguyên (san lấp) một moong tương đương với moong 917 của Công ty than Hòn Gai cần khoảng 1.000 tỉ đồng. Chưa kể, để có nguyên vật liệu để san lấp thì sẽ phải đào xúc đất đá ở các bãi thải mỏ gần đó – vốn đã ổn định về mặt địa chất, thậm chỉ được phủ cây xanh. Việc này vừa tốn kém vừa gây ra những hệ lụy khác về môi trường, cảnh quan…

Moong than của Công ty Cp than Cọc 6 tại TP.Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Đây được coi là moong than sâu nhất Việt Nam - sâu khoảng 300m. Ảnh: CTV

Được biết, hầu hết các mỏ khai thác than lộ thiên đều phải hoàn nguyên sau khi khai thác xong. Hiện, tại Hạ Long, ngoài các moong của Công ty CP than Núi Béo, Công ty than Hòn Gai, còn có các moong than của Công ty CP than Hà Tu. Các mong than rộng và sâu thì phải nói đến vùng than Cẩm Phả, với các moong than cực lớn của các công ty than: Cao Sơn, Cọc Sáu, Đèo Nai...

Trong đó, mỏ than lộ thiên than Cọc 6 là mỏ than lộ thiên sâu nhất cả nước hiện nay, sâu hơn 300m.

Vì thế, TKV đã kiến nghị tỉnh Quảng Ninh và Bộ TNMT cho giữ lại các moong than sau khi đóng cửa mỏ, thay vì phải hoàn nguyên. Việc này vừa tiết kiệm cho ngành than một nguồn kinh phí rất lớn, vừa có thể tận dụng các moong than để làm hồ chứa nước sạch sau này.

Đây cũng là chủ trương về “kinh tế tuần hoàn”, đã được Quảng Ninh và TKV thống nhất cao, trong đó có việc dùng đất đá thải mỏ để san lấp mặt bằng các dự án và nghiên cứu sử dụng các moong than sau khi đóng cửa mỏ để làm hồ chứa nước ngọt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn