MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh quán karaoke ở Đắk Nông. Ảnh: Minh Quỳnh

Một cách nhìn khác về quy định PCCC cơ sở kinh doanh karaoke

Nhóm PV LDO | 25/05/2023 19:33
Trước rất nhiều ý kiến, giải pháp được đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, đại biểu Quốc hội cho rằng, vì sao chúng ta không đưa phương án cứu người, cứu tài sản lên hàng đầu.

Nên đưa phương án cứu người, cứu hàng hóa lên hàng đầu

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã gặp nhiều vướng mắc khi thực hiện các quy định mới về phòng cháy chữa cháy. Trong đó, phổ biến nhất là về diện tích, xây dựng cầu thang thoát hiểm, vật liệu xây dựng và sơn chống cháy... có những quy định mới nhưng lại không phân biệt về mặt quy mô và chức năng vận hành, tức là công trình nhỏ hay to đều áp chung một quy định. Vì thế, chi phí tuân thủ của doanh nghiệp xây dựng công trình loại nhỏ đội lên rất nhiều so với có quy mô lớn, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Không chỉ những doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, mà ngay những cơ sở kinh doanh dịch vụ như karaoke, hiện đã có hàng trăm cơ sở trên cả nước bị đình chỉ hoặc xin tạm dừng hoạt động vì không đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn phòng cháy chữa cháy, đứng trước nguy cơ phá sản.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh. Ảnh: Tô Thế 

Trước rất nhiều ý kiến, giải pháp được đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, vì sao chúng ta không tính đến việc đưa phương án cứu người, cứu tài sản lên hàng đầu, thay vì những tiêu chuẩn về vật liệu không cháy, khó cháy, sơn chống cháy...

"Chỉ cần làm sao khách có thể thoát ra ngoài nhanh nhất có thể khi xảy ra cháy thì việc thiết kế sẽ dễ hơn là theo các quy định như bây giờ. Còn việc hạn chế cháy thì tự các cơ sở, chủ doanh nghiệp phải lo, cháy tài sản của họ thì chắc chắn họ sẽ sợ. Tương tự như cứu hàng hóa trong các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất. Chúng ta cứ gom chung lại hết sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp. Tôi mong các cơ quan liên quan sẽ nghiên cứu thêm về nội dung này." - đại biểu Nguyễn Văn Cảnh chia sẻ.

Trước những ý kiến bức xúc của cử tri, đại biểu Trần Văn Khải - đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cũng bày tỏ băn khoăn việc hơn 2 năm qua, không chỉ doanh nghiệp Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) chịu trận rất nhiều quy định "trên trời" của PCCC.

"Vì quy định "trên trời" đó, hàng vạn doanh nghiệp dừng sản xuất, và phải bỏ ra chi phí phát sinh hàng nghìn tỉ đồng để đủ điều kiện "trên trời". Trách nhiệm thuộc về ai cũng phải chỉ rõ, thiệt hại quy ra là bao nhiêu, cần phải quy trách nhiệm của người ban hành ra chính sách này, có lợi ích nhóm ở đây hay không." - đại biểu Trần Văn Khải nói.

Quy trách nhiệm cho từng cơ quan liên quan

Theo đại biểu Trịnh Xuân An - đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, đến thời điểm hiện tại dường như những bức xúc của doanh nghiệp trong quy định phòng cháy chữa cháy chưa được xử lý. Ông An cho hay, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về phòng cháy chữa, cần phải làm rõ các vấn đề mà doanh nghiệp đang đối mặt. Phải hết sức cụ thể, không thể chung chung.

"Các bộ phải ngồi lại với nhau, những quy định nào đang gây khó cho doanh nghiệp, liên quan đến bộ nào thì bộ đó phải đứng ra giải trình trước Chính phủ, Quốc hội và người dân. Có thể nói trong những quy chuẩn phòng cháy chữa cháy mới ban hành vừa rồi không phải đều bất cập, còn nếu đã phát hiện bất cập thì phải chỉ rõ tên, hướng xử lý thế nào và ứng với đối tượng nào. Ví dụ như không thể lấy quy chuẩn chung áp cho cả phòng khám y tế và doanh nghiệp sản xuất." - đại biểu Trịnh Xuân An bày tỏ.

Đại biểu Trịnh Xuân An. Ảnh: Tô Thế 

Cũng theo đại biểu Trịnh Xuân An, về nguyên tắc trong phòng cháy chữa cháy thì phải đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu, tuy nhiên không được hạn chế, không được gây khó, không được tạo ra cách hiểu thế nào cũng được vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh, thu nhập của doanh nghiệp, người lao động.

"Nghị quyết của Chính phủ được xây dựng trong trường hợp cấp bách, trong một dịp nhất định. Tuy nhiên trong thời điểm này nếu cần thiết chúng ta có thể xây dựng một nghị quyết của Chính phủ để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội." - đại biểu Trịnh Xuân An chia sẻ.

Trước đó vào ngày 5.4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện yêu cầu các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố rà soát, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc về PCCC trong đầu tư xây dựng nhà và công trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Làm rõ nguyên nhân để có giải pháp bổ sung, sửa đổi theo thẩm quyền ngay những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bảo đảm phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh… Kết quả thực hiện báo cáo Thủ tướng trước ngày 30.4.2023. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn