MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trung tâm Hành chính Thành phố Dĩ An nơi bà Hạnh làm việc. Ảnh: HC

Một cán bộ UBND Thành phố Dĩ An có dấu hiệu cản trở nhà báo tác nghiệp

Huân Cao LDO | 20/01/2022 17:57

Mặc dù đã xuất trình thẻ nhà báo, nhưng cán bộ UBND Thành phố Dĩ An (Bình Dương) vẫn yêu cầu phóng viên phải cung cấp thêm giấy "Giấy đăng ký kinh doanh của báo", "giấy xác nhận tôn chỉ, mục đích của báo" thì mới làm việc.

Yêu cầu phóng viên xuất trình "giấy phép con"

Sáng 20.1.2022, phóng viên Báo Lao Động đến UBND Thành phố Dĩ An (tỉnh Bình Dương) để làm việc xoay quanh thông tin bạn đọc phản ánh đến Báo. Theo đó, bạn đọc đã gửi đơn đến tòa soạn Báo Lao Động phản ánh về dấu hiệu vi phạm của một dự án trên địa bàn phường Đông Hòa, Thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Trên cơ sở đơn thư phản ánh của bạn đọc, tòa soạn Báo Lao Động đã cử phóng viên đến làm việc với các cơ quan chức năng liên quan để xác minh đơn thư phản ánh.

Khi đến làm việc với UBND Thành phố Dĩ An, phóng viên đã xuất trình thẻ nhà báo theo đúng quy định của Luật Báo chí. Đồng thời, cung cấp nội dung những câu hỏi liên quan đến bạn đọc phản ánh, đề nghị Ban Tiếp công dân và Văn phòng UBND Thành phố Dĩ An chuyển đến Chủ tịch UBND Thành phố để có thông tin trả lời đến báo chí theo thẩm quyền.

Thế nhưng, bà Nguyễn Thị Hiếu Hạnh là cán bộ được UBND Thành phố Dĩ An cử tiếp báo chí, đã yêu cầu phóng viên phải cung cấp thêm "giấy đăng ký kinh doanh của báo" thì mới làm việc. Ngạc nhiên trước yêu cầu này, phóng viên đề nghị bà Hạnh xem lại Luật Báo chí, vì căn cứ Điều 25, Luật Báo chí quy định “Quyền và nghĩa vụ của Nhà báo”, nhà báo khi đến tác nghiệp chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo, chứ Luật không có quy định xuất trình "giấy đăng ký kinh doanh" của cơ quan báo chí.

Trước ý kiến này của phóng viên, bà Hạnh chuyển sang yêu cầu nếu không có "giấy đăng ký kinh doanh của báo" thì phải có "giấy xác nhận tôn chỉ, mục đích của báo" do tòa soạn ký và đóng dấu. Về yêu cầu này, PV giải thích trong quy định của Luật báo chí, không có mục nào quy định Nhà báo đến làm việc phải xuất trình "giấy xác nhận tôn chỉ, mục đích của báo".

Giải thích thêm về tôn chỉ, mục đích của các cơ quan báo chí (trong đó có Báo Lao Động) đã được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền thông, nên đề nghị bà Hạnh có thể trực tiếp vào cổng thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông để xem.

Có dấu hiệu cản trở nhà báo tác nghiệp

Mặc dù phóng viên đã giải thích nhiều lần thế nhưng, bà Hạnh vẫn yêu cầu phóng viên cung cấp "giấy đăng ký kinh doanh của báo" hoặc "giấy xác nhận tôn chỉ, mục đích của báo" thì mới làm việc.

Khi phóng viên không chấp nhận xuất trình các giấy tờ theo yêu cầu của bà Hạnh vì trái luật, thì bà Hạnh nhất quyết không tiếp nhận những câu hỏi của PV đặt ra để chuyển cho Chủ tịch UBND Thành phố Dĩ An trả lời theo thẩm quyền. Bà Hạnh còn khẳng định, đang làm đúng theo quy định của UBND tỉnh Bình Dương và Bộ Thông tin Truyền thông, là yêu cầu khi phóng viên đến làm việc phải xuất trình "giấy đăng ký kinh doanh của báo" hoặc "giấy xác nhận tôn chỉ, mục đích của báo" thì mới tiếp và làm việc. Tuy nhiên, khi phóng viên yêu cầu bà Hạnh phải trình ra văn bản nào của tỉnh Bình Dương và Bộ Thông tin Truyền thông có những quy định như trên thì bà Hạnh không xuất trình được.

Với cách làm việc tùy tiện của bà Hạnh, đồng thời có dấu hiệu cản trở báo chí tác nghiệp đúng luật, ngay sau đó, phóng viên đã liên hệ với ông Bùi Thanh Nhân - Bí thư Thành ủy Dĩ An để trình bày lại toàn bộ vụ việc vừa xảy ra. Sau khi nghe phóng viên trình bày, ông Nhân cho biết sẽ cho kiểm tra lại vấn đề này và chấn chỉnh ngay theo đúng quy định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn