MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhờ sự giúp đỡ của lực lượng công an, hiện nay, anh Đinh Văn L. (SN 1985, trú tại tổ 5, phường Thanh Tuyền, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) đã có một cơ ngơi nhiều người mơ ước. Ảnh: Công an Hà Nam

Một nẻo về tươi sáng cho những bước chân lỡ lầm

Khánh Linh LDO | 24/05/2023 07:00

Hà Nam - Lực lượng công an đã hỗ trợ tìm kiếm, tư vấn việc làm và bảo lãnh xin việc cho người mãn hạn tù, giúp những người đã từng có quá khứ lầm lỡ sớm làm lại cuộc đời.

Giúp người mãn hạn tù làm lại cuộc đời

Trong xưởng gỗ rộng với hơn 200m2 của anh Đinh Văn L (SN 1985, trú tại tổ 5, phường Thanh Tuyền, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), những ngày này, tiếng máy bào, máy chà và tiếng đục, đẽo liên tục vang lên để kịp những đơn hàng trong tháng.

Sau 14 năm 6 tháng chấp hành án phạt tù về tội cố ý gây thương tích, không ai nghĩ anh L giờ đã là chủ một xưởng gỗ lớn chỉ sau ba năm vay vốn không lãi từ một doanh nghiệp.

Anh L tâm sự: "Năm 2008, tôi bị Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xử phạt 14 năm 6 tháng tù giam về tội “Cố ý gây thương tích”, tôi chấp hành án tại Trại giam ở tỉnh Khánh Hòa.

Trong thời gian mới ra tù, bản thân tôi mặc cảm, tự ti, chưa kể còn bị kì thị, xa lánh. Quả thực lúc đó hoang mang lắm, không biết sẽ phải làm gì". 

Hiện, anh Đinh Văn L đã trở thành một chủ xưởng gỗ tại phường Thanh Tuyền, TP Phủ Lý. Ảnh: NVCC

Thấu hiểu hoàn cảnh của anh L, Trung tá Trương Quang Hà - Trưởng Công an phường Thanh Tuyền (TP Phủ Lý) đã luôn bên cạnh, động viên và nhận bảo lãnh, giúp anh Long vay 50 triệu đồng, không lãi trong thời hạn 5 năm để có vốn làm ăn.

"Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in lời anh Hà nói với tôi khi đứng ra bảo lãnh cho tôi vay tiền rằng "đây là danh dự của toàn ngành công an chứ không phải chỉ của công an phường". Điều đó đã thôi thúc tôi cố gắng mỗi ngày để xây dựng được cơ ngơi như ngày hôm nay" - anh L phấn khởi nói.

Được biết, hiện xưởng gỗ của anh L cũng đang tiếp nhận 5 công nhân - là những người đã có quá khứ lầm lỗi vào làm việc ổn định, với thu nhập ổn định từ 9 - 10 triệu đồng/ tháng. 

Câu chuyện của anh Đinh Văn L là minh chứng cụ thể về hiệu quả của mô hình “Chung tay góp sức giúp đỡ người có quá khứ lầm lỗi vượt khó, hoàn lương” được Công an Phường Thanh Tuyền, TP Phủ Lý tham mưu xây dựng cách đây hơn 1 năm và đã trở thành cá nhân tiêu biểu về nghị lực vươn lên sau những lầm lỡ.

Trung tá Trương Quang Hà - Trưởng Công an phường Thanh Tuyền. Ảnh: NVCC

Không chỉ anh L, anh Phạm Quốc V ( SN 1994, trú tại tổ 4, phường Thanh Tuyền, TP Phủ Lý) trước đây nghiện chất ma túy tổng hợp, đã nhiều lần cai nghiện tự nguyện nhưng không thành công.

Nhưng nhờ sự động viên của Công an phường Thanh Tuyền, anh đã tự cai nghiện và được bảo lãnh đến làm công việc lái máy xúc cho một doanh nghiệp xây dựng, với mức lương  hơn 12 triệu đồng/tháng.

Trung tá Trương Quang Hà - Trưởng Công an phường Thanh Tuyền, TP Phủ Lý cho biết: "Thú thật là thời gian đầu chúng tôi khá khó khăn để tiếp cận với những người nghiện hoặc mới chấp hành án phạt tù. Cứ chỉ cần nhìn thấy hình bóng hoặc nghe tin có công an đi qua là các anh ấy đã trốn rồi". 

Khó khăn là thế nhưng những cán bộ, chiến sĩ vẫn không bỏ cuộc, mỗi ngày một chút, cố gắng tranh thủ thời gian, cố gắng gần gũi, xóa bỏ mặc cảm với những người đã từng lầm lỡ. 

Từ mô hình phường Thanh Tuyền, lãnh đạo Công an TP Phủ Lý cho biết cơ quan này đã nhân rộng mô hình điểm trên đến 21 phường, xã còn lại.

Hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù tìm việc làm

Gần đây nhất, ngày 20.5, tại xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp, Công an tỉnh Hà Nam phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức phiên giao dịch tư vấn, giới thiệu việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương.

Tại phiên giao dịch, hơn 100 người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn huyện Kim Bảng đã được tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm miễn phí.

Hơn 100 người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn huyện Kim Bảng được tư vấn việc làm miễn phí. Ảnh: Công an Hà Nam 

Các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động thuộc các lĩnh vực may mặc, dịch vụ bảo vệ, sản xuất linh kiện điện tử đã trực tiếp phỏng vấn với các tiêu chí phù hợp khả năng, trình độ, chuyên môn và điều kiện của người chấp hành xong án phạt tù, mức lương từ 4,5 - 15 triệu đồng/người/tháng.

Ông Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hà Nam cho biết: "Đây là việc làm ý nghĩa, thiết thực, phải làm sao để cảm hóa, để giáo dục và đưa chính sách nhân văn của Đảng và nhà nước, giúp những người đã từng lầm đường lạc lối có việc làm, có thu nhập, có cuộc sống ổn định". 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn