MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngư dân Khánh Hòa lái ghe ra biển vài hải lý thả lồng bẫy mực.

Một ngày bẫy mực trên vịnh Nha Trang

Hữu Long LDO | 29/05/2022 16:15

Khánh Hòa - Tháng 5 biển cả hiền hòa cũng là thời điểm ngư dân Nha Trang dong thuyền theo con sóng bẫy mực. Nếu chăm chỉ và may mắn, một ngư dân hằng ngày có thể thu về số tiền cả triệu đồng từ việc đánh bắt mực…

Vịnh Nha Trang nằm phía đông TP.Nha Trang, rộng gần 25.000 ha, lớn thứ hai ở Khánh Hòa sau vịnh Vân Phong. Nơi đây vốn là khu vực có nhiều giá trị về tài nguyên biển, hải sản.

Ông Nguyễn Văn Hảo – 45 tuổi, ngư dân TP.Nha Trang, là một trong số ngư dân sinh ra có truyền thống đánh bắt mực trên biển. Hàng chục năm qua, ghe thuyền của ông Hảo vẫn đều đặn di chuyển từ bờ ra biển để bẫy mực.

Theo lời ông Hảo, phần lớn ngư dân đánh bắt mực trên biển thường sử dụng ghe thuyền có công suất nhỏ từ 24-50CV. Việc sử dụng ghe công suất nhỏ nhằm tiện bề di chuyển trong phạm vi ngắn và tiết kiệm nhiên liệu.

Nhiều ngư dân thường đánh bắt hải sản trên vịnh Nha Trang.

Như ghe thuyền của ông Hảo có công suất 24CV. Từ khoảng 4h sáng, ông cũng nhóm bạn đã khởi động ghe để ra biển đánh mực. Ghe thuyền vượt màn đêm ra đến vị trí đã xác định trước mất khoảng 30-40 phút. Việc xác định vị trí của đàn mực thường được dựa vào la bàn và kinh nghiệm nhìn vào con nước của các ngư dân.

Nghe đến bẫy mực thường người ta nghĩ ngay đến việc ngư dân dùng thuyền thúng ngồi câu những con mực từ biển lên. Tuy nhiên, việc bẫy mực thực tế hoàn toàn không đơn giản như vậy.

Muốn bẫy thành công đàn mực, ngư dân chuẩn bị chiếc bẫy hình hộp chữ nhật, rộng nửa mét, dài hơn 1 mét làm bằng tre đan. Xung quanh lồng bẫy mực là những tấm lưới bọc lại. Thứ không thể thiếu bên trong lồng chính là những đùm trứng mực có tác dụng làm mồi nhử.

Thỉnh thoảng vì nguyên liệu trứng mực khan khiếm, ngư dân còn linh động dùng thạch rau câu trắng giả làm mồi cũng có thể đánh lừa được bầy mực trên biển.

Một con mực chui vào trong chiếc bẫy do các ngư dân làm ra.

Ngồi trên ghe Nguyễn Văn Hảo thoăn thoắt thả từng bẫy xuống biển sâu từ 4-5m. Để lồng bẫy ổn định, ông Hảo cột thật chặt một hòn đá nặng 10kg dưới đáy. Riêng trên đỉnh lồng nối sợi dây thừng dài 15-20m, buộc vào phao nổi trên mặt nước.

Với kinh nghiệm cá nhân, ông Hảo có thể nhận biết nơi nào có đàn mực xuất hiện nhiều để thả dày lồng bẫy hoặc thả thưa.

Ông Hảo dùng các sợi dây nhựa để sâu các chùm mồi nhử vào lồng.

Khoảng thời gian tốt nhất để vớt các lồng bẫy lên là lúc buổi chiều khi thủy triều dâng. Lồng bẫy sau gần 3 giờ dưới biển sẽ được ngư dân thu hoạch thành quả. Trong thời gian đấy, ghe thuyền sẽ neo đậu cố định trên biển. 

Nhìn con nước dâng, ông Hảo cùng nhóm ngư dân trên ghe bắt đầu dùng cây sào dài khoảng 2m gắn móc phía đầu, kéo từng sợi dây buộc phao lên. Lồng bẫy kéo lên bên trong có khi chứa cả một con mực nang nặng gần 1kg.

Theo lời ông Hảo, vì đánh bắt dựa vào thời tiết và cả sự may mắn. Có ngày ghe ông thu nhập vài triệu nhưng cũng không ít hôm lỗ nặng.

Một ngày ngư dân có thể thu nhập gần 1 triệu đồng từ việc bẫy mực trên vịnh Nha Trang.

Như chuyến đi ngày hôm nay, ông Hảo thu hoạch 7kg mực, trong đó 2kg mực lá và 5kg mực nang. Chuyến này trừ hết chi phí cộng bạn thuyền, riêng ông Hảo lãi 700.000-800.000 đồng.

Theo các ngư dân ngư dân lâu năm ở TP.Nha Trang, mùa cao điểm khai thác mực thường rời vào mùa hè, từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch. Mùa này thời tiết hiền hòa, biển cả êm đềm và ít rủi ro khi ngư dân đánh bắt.

Hiện nay, các ghe thuyền ngư dân đánh bắt ven biển đều bẫy các loại mực nang và mực lá. Sau khi đánh bắt, ngư dân vào bờ sẽ có thương lái thu mua toàn bộ. Hiện nay, giá mực nang bán tại bờ được thương lái mua giá 170.000 đồng/kg, mực lá 320.000 đồng/kg.

“Vì mực nang và mực lá đánh bắt thủ công nên sản lượng không cao. Toàn bộ số lượng mực đều được thương lái thu mua và bán cho các nhà hàng hải sản trên địa bàn TP.Nha Trang và một số tỉnh lân cận” – ngư dân Nguyễn Văn Hảo thông tin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn