MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá cả các loại hàng hóa tăng đã ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt của công nhân, người lao động. Ảnh: Bích Ngọc

Một ngày đi chợ bằng cả ngày lương, người lao động khó càng thêm khó

VÂN HI LDO | 15/08/2023 13:16

Vật giá leo thang, các mặt hàng nhu yếu phẩm đều tăng lên vài nghìn đến vài chục nghìn đồng, khiến người lao động bị "nuốt chửng" cả ngày lương mỗi khi đi chợ. Giá cả hàng hóa tăng, thu nhập thấp, người lao động loay hoay trong cảnh làm mãi mà không có đồng dư.

Mỗi ngày đi chợ bằng một ngày lương

Mặc dù đã rất cân nhắc trong vấn đề chi tiêu, mua sắm của gia đình, nhưng trước cơn bão giá, chị Nguyễn Thị Đến (công nhân một công ty may tại Hậu Giang) vẫn tiêu hết số tiền lương đi làm một ngày.

Theo chị Đến, thu nhập mỗi tháng gần 7 triệu đồng, tính theo ngày lương thì khoảng 220.000 đồng/ngày. Nếu lúc trước, chị tốn khoảng 130.000 đồng để đi chợ thì nay đã mất gần 200.000 đồng.

"Bây giờ ra chợ từ thịt, cá đến rau cải đều tăng từ vài nghìn đến vài chục nghìn. Lúc trước đi chợ, tiểu thương còn cho thêm chút ớt, chút hành, giờ là phải mua. Chỉ tính tiền mua gạo thôi cũng gần hết 1 ngày lương, vừa mua 10 kg gạo hết 180.000 đồng, đã tăng 20.000 đồng" - chị Đến nói.

Vật giá leo thang, số tiền mua các thực phẩm cho bữa ăn gia đình đã bằng một ngày lương của người lao động. Ảnh: Bích Ngọc

Tương tự, chị Phạm Thị Huỳnh Như (nhân viên một trung tâm dạy thêm tại TP Cần Thơ) cho biết, tiền dạy thêm mỗi ngày cũng chỉ được 150.000 đồng, nếu trước kia đi chợ chỉ tốn khoảng 100.000 đồng cho 2 người thì nay đã hết cả tiền lương một ngày làm.

"Cách đây 5 ngày, mua nửa ký thịt heo chỉ 37.000 đồng, giờ đã lên đến 45.000 đồng, một bó rau muống 8.000 đồng giờ đã lên 10.000 đồng, cộng thêm tiền mua các loại gia vị, trứng thì hết sạch 1 ngày làm. Chưa kể hôm nào nhà hết gas, phải đổi bình mới thì coi như mất hẳn 3 ngày đi làm" - chị Như nói.

Làm mãi vẫn không có dư

Trước những con số giá cả hàng hóa "nhảy múa" liên tục, với những người lao động có thu nhập thấp, cho dù có thắt chặt chi tiêu vẫn rơi vào cảnh làm mãi chẳng có đồng dư.

Chị Như cho biết: "Tiền trọ đã hết 1,5 triệu đồng, 1 triệu đồng tiền phụ gia đình lo chi phí học tập cho đứa em đang học đại học, còn lại 1,5 triệu đồng lo tiền ăn uống, điện, nước, như thế mỗi tháng tôi tiết kiệm được 500.000 đồng. Giờ cái gì cũng tăng giá, tôi phải rút ống heo tiết kiệm để chi tiêu" - chị Như nói.

Được biết, hiện nay để có tiền trang trải cuộc sống, chị Như phải làm thêm công việc bán hàng online.

Để có tiền trang trải cuộc sống, người lao động phải làm thêm nhiều nghề như bán hàng online. Ảnh: Bích Ngọc

Vật giá leo thang, thu nhập thấp, lại là lao động chính nên chuyện có đồng dư với nữ công nhân Nguyễn Thị Đến là rất khó khăn.

Chị Đến cho biết: "Mỗi tháng tôi chi 2 triệu đồng cho tiền điện, nước, xăng xe, đám tiệc. 4 triệu đồng cho tiền ăn uống, sinh hoạt hàng tháng cho 3 người, mỗi tháng tôi còn dư được gần 1 triệu đồng. Nhưng giờ từ gạo đến thức ăn, cái gì cũng tăng số tiền dư trước đó cũng bay đi hết".

Theo chị Đến, với tình hình giá cả như hiện nay, không những không thể tiết kiệm mà còn chi tiền nhiều hơn. Lúc trước chị dùng 150.000 đồng để đi chợ, còn dư được khoảng 20.000 để bỏ ống heo, giờ còn phải bù thêm gần 50.000 đồng mới đủ.

"Từ Tết đến nay, tôi tiết kiệm được khoảng 7 triệu đồng, giờ tiền tiết kiệm bị rút hết từng ngày mà không biết khi nào mới bù lại được" - chị Đến nói.

Cũng theo nữ công nhân này, khó khăn là tình hình chung, gia đình chị phải chật vật lắm mới xoay sở được nhưng không phải chạy ăn từng bữa đã là rất may mắn. Với những lao động có thu nhập thấp không ít người phải tằn tiện, cắt giảm triệt để các khoản chi tiêu và chỉ dám mua các mặt hàng thiết yếu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn