MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu nuôi cá lồng lớn nhất tỉnh Hòa Bình trên sông Đà với gần 200 lồng. Ảnh: Trần Trọng.

Một ngày nuôi cá lồng giữa dòng Đà Giang

Hùng Dân - Trần Trọng LDO | 28/08/2022 06:48

Hòa Bình - Sóng nước mênh mông, 4 mặt là hồ, niềm vui duy nhất của những người nuôi cá lồng giữa lòng sông Đà là ngắm nhìn từng lứa cá đang lớn lên mỗi ngày…

Cuộc sống giữa lòng hồ

Những ngày cuối tháng 8, PV Báo Lao Động có mặt tại khu lòng hồ sông Đà, nơi có trữ lượng thủy sản nuôi trồng lớn nhất tỉnh Hòa Bình để trải nghiệm một ngày làm việc cùng những người nuôi cá lồng nơi đây.

Xuất phát từ cảng Bích Hạ, xã Hòa Bình, TP Hòa Bình, PV phải di chuyền bằng thuyền máy chở cá, lênh đênh giữa lòng hồ 30 phút mới tới được nơi nuôi cá lồng rộng bậc nhất tỉnh Hòa Bình.

Ghi nhận của PV, khu vực nuôi cá rộng khoảng 3 ha, thức ăn cho cá chủ yếu là cá tép tự nhiên ở sông, nguồn nước khá sạch sẽ. Lao động tại đây được phân công mỗi người một việc, người cho ăn, người vớt cá, người sửa lồng… gương mặt ai cũng vui vẻ, rạng rỡ, hăng say làm việc.

Anh Hưởng cho cá ăn trong niềm hân hoan thấy chúng lớn lên từng ngày.

Trao đổi với PV, anh Hà Công Hưởng (34 tuổi, xã Mỵ Hòa, huyện Kim Bôi) chia sẻ, vợ chồng anh lên lòng hồ này đã 8 năm, nuôi cá lồng cho công ty Cường Thịnh, hiện có khoảng gần 20 lao động làm việc trực tiếp tại đây.

Thức dậy từ sáng sớm, công việc thường ngày của anh Hưởng là cho cá ăn lúc 6h, vớt cá chết, sau đó kiểm tra lồng bè, sửa chữa, gia cố những lồng có dấu hiệu hư hỏng, đảm bảo sự chắc chắn, an toàn nhất.

Sáng cũng vậy, chiều cũng thế, nghề nuôi cá lồng quanh năm suốt tháng cứ lặp đi lặp lại như vậy… bám mặt hồ, làm bạn với cá, niềm vui duy nhất sau một ngày lao động là được ngắm đàn cá lớn lên.

Mỗi lồng cá có đến cả nghìn cá thể.

“Nhờ dòng chảy tự nhiên của Sông Đà, nguồn thức ăn dồi dào, cá lồng ở đây có chất lượng thịt săn chắc, thơm ngon, chủ yếu là cá diêu hồng, cá ngạnh, cá lăng, rô phi, trắm đen,… Đặc biệt, cá sinh trưởng tốt và đạt trọng lượng gần như tuyệt đối”, anh Hưởng chia sẻ.

Tốt nghiệp khoa nuôi trồng thủy sản – Trường Đại học Nha Trang, anh Đinh Việt Long (35 tuổi) đã gắn bó với nghề nuôi cá lồng 3 năm. Theo kinh nghiệm của anh, từ tháng 5 - 7 là thời gian cá sinh trưởng tốt nhất, còn từ tháng 7 – 11 là mùa nước lên, cây gai trong bờ thối rữa, nhiễm xuống nguồn nước, cá dễ sinh bệnh.

“Để đảm bảo môi trường sống tốt nhất cho cá, chúng tôi phải vệ sinh lồng thường xuyên, khử trùng bằng vôi bột định kì 2 lần/tháng. Đặc biệt, cho cá ăn vitamin C 3 tháng/lần để tăng sức đề kháng”, anh Long thông tin.

Nơi đây còn nhiều khó khăn về điều kiện sống.

Đam mê với nghề 

Có thể nói, nỗi vất vả chung của những người dân nuôi cá ở lòng sông Đà là khoảng cách để lên bờ. Do xa khu dân cư, nên các hoạt động sinh hoạt thường ngày ở đây khá bất tiện, khó khăn.

Chị Bùi Thị Lưu (34 tuổi, vợ anh Hưởng) chia sẻ, gia đình tôi ăn ở trực tiếp trên bè để tiện trông nom, chăm sóc cá. Khó khăn lớn nhất là là đưa đón con đi học do thời gian lên bờ mất gần 30 phút đi thuyền. Ngày nghỉ, bọn trẻ cũng chỉ biết quẩn quanh giữa lòng hồ này.

"Ở khu bè này có  3 - 4 gia đinh sinh sống thường ngày, có chừng dăm đứa trẻ, vào mùa mưa bão cũng cảm thấy bất an vì xung quanh toàn nước, nên chỉ mong chúng học hành giỏi giang, mai này lên bờ có việc làm tốt hơn, không phải bám hồ nữa", chị Lưu tâm sự.

Đa số người lao động ở đây cho rằng, nghề nuôi cá lồng  không chỉ là việc mưu sinh thuần túy mà còn là sự đam mê với nghề. Bởi nếu không yêu quý con cá, không cảm thấy hạnh phúc khi ngắm nhìn chúng lớn lên từng ngày thì có lẽ đã không chọn nghề này.

Với lòng yêu nghề, yêu loài cá thì những người lao động vẫn vui vẻ, cố gắng mỗi ngày.

Anh Phạm Văn Thịnh - Giám đốc Công ty TNHH Cường Thịnh cho biết. Để đảm bảo đời sống sinh hoạt tốt cho người lao động Công ty đã bố trí chỗ ăn ở miễn phí với đầy đủ tiện nghi. Các nhu yếu phẩm sẽ được tiếp tế 4 - 5 ngày/lần.

"Tuy chưa bằng được trên bờ nhưng chúng tôi luôn cố gắng hỗ trợ người lao động có điều kiện tốt nhất để sinh hoạt và làm việc, đảm bảo cho cuộc sống hằng ngày", anh Thịnh chia sẻ.

Theo Sở NN&PTNT Hòa Bình, hiện Hòa Bình là tỉnh nuôi cá lồng bè trên hồ chứa lớn nhất cả nước với 4.750 lồng với sản lượng đạt 5.594 tấn, chiếm 77% giá trị sản xuất thủy sản của tỉnh. Phát triển nuôi cá vùng hồ cũng đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 5.000 lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn