MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Một nghề giáo "đặc biệt": Giáo viên của trẻ tự kỷ

LƯƠNG HẠNH LDO | 11/04/2021 18:05

Có một nghề dạy học mà giáo viên không đứng trên bục giảng, không bao giờ có khái niệm nghỉ hè. Một nghề mà các giáo viên phải trải qua hành trình đầy khó khăn, thử thách, sự kiên nhẫn và cả nước mắt: Nghề dạy trẻ tự kỷ.

Nghề đặc biệt

Đến Trường Mầm non Hòa nhập Cầu vồng xanh, PV trò chuyện với cô Nguyễn Thùy Hương (SN 1978) thì cũng là giờ các học sinh đến lớp. Bé C. vừa được mẹ đưa đến trường, cô Hương hỏi: “C. đến rồi à, con chào các cô chưa?”, C. ngờ nghệch, nói không nói sõi: “Chào cô” rồi vào lớp.

Người bình thường nếu nhìn các bé mắc tự kỷ, chắc hẳn đa phần sẽ phải "giật mình" trước những hành động của các em, thậm chí là còn thấy "sợ". Còn đối với mỗi một giáo viên như cô Hương, họ chỉ cảm thấy thương, yêu và đau xót.

Phụ huynh có trẻ mắc chứng tự kỷ tìm đến với cô giáo Hương. Ảnh: Lương Hạnh.

Khi được hỏi về những khó khăn vất vả khi dạy trẻ tự kỷ, các cô ở đây đều chỉ cười thay cho câu trả lời. Họ cười vì không biết diễn tả thế nào cho người khác hiểu được công việc của họ. Một nghề giáo mà không có bất kỳ một giáo án nào có thể chuẩn bị được.

H. là học sinh đầu tiên mà cô Hương tiếp nhận. Chính bản cô cũng nhận thấy mình không sợ H. mà chỉ đau lòng khi thấy H. bốc chất thải, la hét triền miên, đi vòng quanh không kiểm soát... Cô cố gắng nhẹ nhàng, nựng chiều H.rồi dần dần bé còn quý cô Hương đến mức gọi bằng "mẹ". Buổi trưa đi ngủ, H. còn kéo gối của mình đặt cạnh gối của cô Hương để được nằm cạnh cô.

Học từ trẻ tự kỷ

Còn cô Nguyễn Hồng Sinh (SN 1988) vốn là một sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin. Số phận đưa đẩy, cô trở thành giáo viên mầm non dạy trẻ tự kỷ. Khi được hỏi về một kỉ niệm khó quên, cô Sinh tâm sự ngày nào cũng là một ngày không quên đối với mỗi giáo viên của trẻ tự kỷ.

Sự kiên nhẫn là yếu tố hàng đầu của một giáo viên dạy trẻ tự kỷ. Ảnh: NVCC.

B. là một trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ, cháu hoàn toàn không chủ động, chỉ ngồi im một chỗ. Hơn 3 tuổi, B. được đưa đến với lớp của cô Sinh. Ban đầu, B. rất bướng bỉnh, không nói chuyện, nếu có nói thì chỉ phát ra âm thanh chứ không thành câu chữ. Cô Sinh phải dạy B. từ từng câu chào cho đến việc xin phép trước khi đi vệ sinh, đòi lại đồ chơi nếu các bạn dành mất…

Theo cô Sinh, ngoài việc khó khăn khi dạy trẻ, cô còn vướng vào các lời đồn ác ý rằng nếu dạy trẻ tự kỷ lâu năm, cô sẽ bị "lây bệnh" hoặc con cái của cô sẽ bị ảnh hưởng.

Phải có một tình yêu lớn với học sinh đặc biệt thì các giáo viên mới có thể tiếp tục công việc của mình. Ảnh: NVCC.

Song, bao gian khó, nhọc nhằn của việc dạy trẻ tự kỷ đổi lại cho cô Sinh một tính cách kiên nhẫn, trầm lắng, cẩn thận. “Trước kia tôi là người rất bảo thủ, nông nổi. Nhưng nhờ nghề này, nhờ chính các học trò đặc biệt của tôi mà tôi biết suy nghĩ hơn, biết lắng nghe hơn. Chuyện gì tôi cũng bình tĩnh giải quyết và vượt qua được”, cô Sinh tâm sự.

Theo các cô giáo tại Trường Mầm non Hòa nhập Cầu vồng xanh, việc có thể giúp các trẻ tự kỷ hòa nhập với cộng đồng không chỉ ở phương pháp dạy học của các cô giáo mà còn là sự phối hợp từ phía gia đình. Trẻ tự kỷ cần nhiều hơn ở các bậc phụ huynh sự quan tâm, yêu thương và đặc biệt là sự kiên nhẫn.

Tiến Sĩ Cao Xuân Liễu - Chuyên gia nghiên cứu tâm lý học giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) cũng chia sẻ: Mỗi một giáo viên dạy trẻ tự kỷ đòi hỏi vừa có “tâm” lại phải có “tầm”. Bởi việc giáo dục một trẻ mầm non bình thường đã quá đỗi vất vả thì dạy trẻ tự kỷ còn càng gian nan hơn. Việc này đòi hỏi ở các giáo viên phải khỏe cả tâm trí lẫn sức lực.

Cũng theo thầy Liễu, hàng năm, nhà trường tổ chức các đợt thực tập cho sinh viên chuyên ngành tâm lý học giáo dục ở các trường mầm non hòa nhập. Đây cũng chính là “cơ hội” để các giáo viên dạy trẻ tự kỷ tương lai có cơ hội hiểu hơn về “nghề giáo đặc biệt” này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn