MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đà Nẵng chi hơn 150 tỉ đồng để vận hành hai trạm xử lý nước thải quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn nhằm hạn chế tình trạng nước thải đen ngòm tràn ra biển. Ảnh: Mạnh Hùng

Một nửa các cơ sở chưa đấu nối, nước xả ra biển Đà Nẵng vẫn ô nhiễm

Nguyễn Linh LDO | 09/10/2023 06:53

Một trong những nguyên nhân khiến cho nước xả ra biển Đà Nẵng vẫn bị đen là dù thành phố đã đầu tư dự án tách nước thải sinh hoạt cả nghìn tỉ đồng nhưng thực tế còn nhiều hộ dân và các nhà hàng, khách sạn ven biển hiện chưa đấu nối vào hệ thống thoát nước chung của thành phố.

Chỉ có 45/80 nhà hàng, khách sạn đấu nối

Năm 2018, TP Đà Nẵng đã có chủ trương đầu tư thí điểm hạng mục Hệ thống thu gom nước thải riêng lưu vực Mỹ Khê - Mỹ An thuộc dự án Phát triển bền vững TP Đà Nẵng.

Tuy nhiên đến nay vẫn còn 35/80 cơ sở kinh doanh dịch vụ là nhà hàng, khách sạn chưa thực hiện đấu nối vào hệ thống thoát nước thải riêng. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc nước thải xả ra biển sau mỗi cơn mưa đều đen ngòm, bốc mùi hôi.

Trao đổi với Báo Lao Động, Ban Quản lý các dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng cho biết, tại địa bàn quận Sơn Trà đã vận động 35 cơ sở đồng ý đấu nối và thống nhất thực hiện trước ngày 30.9.

Đến nay, đã có 31/35 cơ sở thực hiện đấu nối nước thải riêng vào hệ thống thoát nước riêng Mỹ Khê - Mỹ An.

Đối với 4 cơ sở còn lại, Ban Quản lý các dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên đề nghị UBND quận Sơn Trà tiếp tục vận động thực hiện đấu nối theo ý kiến chỉ đạo của Thành ủy.

Trong đó, Học viện Chính trị khu vực III hiện đang được tư vấn thiết kế lập thiết kế - dự toán. Sau đó sẽ trình Học viện Chính trị quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt mới có cơ sở triển khai thi công.

Còn đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ hải sản Đà Nẵng Bé Biển, Khách sạn Paracel và Khách sạn Grand Sea hotel vẫn đang làm việc với đơn vị thi công, lập dự toán kinh phí. Dự kiến hoàn thành đấu nối trước ngày 31.10.

Trong khi đó tại, quận Ngũ Hành Sơn, có 45 cơ sở đồng ý đấu nối và thống nhất hoàn thành đấu nối trước ngày 30.9 nhưng đến nay mới có 14/45 cơ sở đã thực hiện.

“Trong 31 cơ sở kinh doanh trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn chưa hoàn thành việc đầu nối, các cơ sở này đều cam kết sẽ hoàn thành việc đấu nối vào hệ thống thu gom trong tháng 10” - ông Lê Thành Hưng, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên cho biết.

Đặc biệt, để thi công đường ống thu gom nước thải khách sạn Serene Beach vào Hệ thống thu gom nước thải riêng lưu vực Mỹ Khê - Mỹ An phải qua ranh giới đất (khoảng không giữa hai khách sạn) của khách sạn Mường Thanh.

Vì vậy, Ban Quản lý các dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên đề nghị UBND quận Ngũ Hành Sơn làm việc với khách sạn Mường Thanh cho phép thi công đường ống thu gom nước thải băng qua.

Vận hành 2 trạm xử lý nước thải 150 tỉ đồng

Thời gian qua, chính quyền TP Đà Nẵng cũng đã nỗ lực để khắc phục tình trạng nước thải đen ngòm xả trực tiếp ra biển bằng cách sử dụng bao cát để nâng cao ngưỡng tràn hạn chế trường hợp nước tràn ra biển, lắp đặt lưới thu gom rác tại các cửa xả để hạn chế tình trạng rác theo nước tràn ra biển và sử dụng các chế phẩm để xử lý mùi hôi thối từ các đập trong ống thải. Tuy nhiên các biện pháp này cũng chỉ mang tính tạm thời.

Tháng 9 vừa qua, UBND TP Đà Nẵng vừa thống nhất sẽ dành hơn 150 tỉ đồng để thực hiện công tác quản lý, vận hành Trạm xử lý nước thải Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà giai đoạn 1 trong thời gian 5 năm, từ năm 2023 - 2027.

Trong đó kinh phí quản lý, vận hành trong thời gian 5 năm đối với Trạm xử lý nước thải Sơn Trà - giai đoạn 1 là hơn 76 tỉ đồng, Trạm xử lý nước thải Ngũ Hành Sơn là gần 74 tỉ đồng.
Đây là cơ sở để UBND thành phố thực hiện phê duyệt dự toán và lựa chọn nhà thầu theo quy định.

Đồng thời, UBND TP Đà Nẵng cũng hy vọng Trạm xử lý nước thải Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà giai đoạn 1 sẽ hạn chế tình trạng nước thải đổ ra biển như thời gian qua.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn