MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trước những khoản lệ phí trái quy định nhà trường thu hơn 10 năm, phía ban giám hiệu chỉ nhận “sai sót nhỏ”. Ảnh: TT

Một trường đại học hơn 10 năm đặt ra nhiều lệ phí tùy tiện: Chỉ nhận là sai sót nhỏ?

Thuỳ Trang LDO | 18/08/2018 07:06
Hơn 10 năm qua, từ khi còn là Trường Cao đẳng Công Nghệ Đà Nẵng, đến nay, ĐH Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng đã tự đưa ra những khoản lệ phí thu từ bảng điểm đến 50% phí khi sinh viên rút lui học phần. Thế nhưng, khi có kết luận sai phạm, nhà trường cho rằng, tất cả chỉ là sai sót nhỏ. Chưa có cá nhân nào bị kỷ luật và tập thể nhà trường cho rằng, đó là thoả thuận xác đáng, chỉ nhằm phục vụ sinh viên chứ không phải tận thu.

Đặt ra lệ phí thu từ 5.000 đến vài trăm nghìn đồng

Giữa tháng 8, Báo Lao Động nhận đơn thư tố cáo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng khi còn là Trường Cao đẳng Công nghệ đã có nhiều khoản thu - chi bất hợp lý, trái qui định. Từ khi bắt đầu đào tạo tín chỉ năm 2006 đến năm 2017, trường đã thu vượt trần học phí tại khoản thu cho các học phần Thí nghiệm - Thực hành - Thực tập - Đồ án khi áp dụng hệ số tín chỉ 1,2. Tức là với những môn học trên, sinh viên phải đóng học phí gấp 1,2 lần so với các môn khác.

Đầu năm 2013, GĐ Đại học Đà Nẵng đã yêu cầu không được phụ thu học phí nữa, nhưng chỉ đạo này không được nhà trường tiếp thu và khắc phục. Tháng 9.2017, tại các cuộc họp giao ban, khi tiếp tục có ý kiến từ các giảng viên về việc không được thu thêm học phí ngoài qui định, tập thể lãnh đạo nhà trường vẫn khăng khăng, phải thu thêm học phí, phải xé rào, đi tắt, đón đầu. Thậm chí, ngay cả Ban Giám hiệu nhà trường cũng đã biểu quyết tiếp tục thu thêm phần học phí trên. Đến khi PGS.TS. Ngô Văn Dưỡng - Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng - trực tiếp về họp chỉ đạo không được thu thì sự việc mới chấm dứt sau 11 năm.

Bên cạnh học phí, nhiều khoản lệ phí cũng được nhà trường đưa ra và mặc nhiên là để  “phục vụ sinh viên”. Cụ thể, Phòng Đào tạo nhà trường đã cho thu tiền cấp bảng điểm quá trình học tập là 5.000đ/bảng điểm và lệ phí xét tốt nghiệp là 50.000đ /sinh viên.

Cũng từ nhiều năm qua, Trường Cao đẳng Công nghệ quy định, khi sinh viên rút lui khỏi lớp học phần từ tuần thứ 3 đến tuần thứ 6, phải nộp lệ phí 50% học phí của tín chỉ đã đăng ký. Đáng nói, những khoản thu này, Phòng Đào tạo tự thu, tự chi. Một phần của số tiền lệ phí rút lui học phần còn được Phòng Đào tạo lập bảng kê chi quản lý cho một số ít đơn vị như: Ban Giám hiệu, Phòng Kế hoạch Tài chính, Phòng Đào tạo.

Nhà trường nói chỉ là sai sót nhỏ!

PGĐ.TS Phan Cao Thọ - Hiệu trưởng trường - xác nhận, từ năm 2006 đến năm học 2017, khi còn là Trường Cao đẳng, nhà trường có thu các loại lệ phí kể trên. Tuy nhiên, mục đích chính là để “phục vụ sinh viên”. “Để giúp các em được đào tạo nghề tốt hơn nên chúng tôi đã linh hoạt thu thêm phí. Số tiền này cũng chỉ để mua vật tư phục vụ các tiết học chứ không sử dụng mục đích khác” - ông Thọ cho hay.

Về tiền lệ phí rút lớp học phần, ông Thọ cho biết, khoản tiền này được đưa vào ngân sách nhà trường. Còn việc trích chi là cho những cá nhân và phòng, ban như một cách trả công cho “làm việc thêm giờ”. Khi được hỏi về tỉ lệ chi này là bao nhiêu, nhà trường cho biết, con số thu từ nguồn này khoảng từ 7 đến 30 triệu và việc chi khoản 50% cho các cá nhân, phòng ban trên “rất nhỏ”.

Thế nhưng, nói là để “phục vụ sinh viên” nhưng những tiết học, dù thực hành hay lý thuyết đều đã nằm trong tiền học phí, đã có sự cân nhắc kỹ trong quy định của Bộ Giáo dục. Nhà trường cũng thừa nhận, căn cứ đặt ra những khoản lệ phí là do “đặc điểm của nhà trường” chứ không dựa trên giấy tờ văn bản nào.

Bên cạnh đó, việc không có phiếu thu rõ ràng với các khoản lệ phí, ông Nguyễn Văn Lành - nguyên Trưởng phòng Đào tạo trường CĐ Công nghệ - cho biết, khoản thu 5.000 đồng/bảng điểm không đáng là bao nên không thực hiện phiếu thu. Tiền này được dùng để mua lại văn phòng phẩm phục vụ cho phòng. Thế nhưng, khi được hỏi, từ lúc dừng thu đến nay, trường có thêm gánh nặng kinh tế không thì ông Lành ngập ngừng. Tiếp lời, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định “số tiền không quá lớn, nhà trường có thể chi được”. Vậy, tại sao có thể chi được và không đáng là bao nhưng nhà trường vẫn tiến hành thu hơn 10 năm qua?

Ông Ngô Văn Dưỡng - Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng - cho biết, sau khi kiểm tra, nhận thấy những lệ phí và tiền phụ thu học phí trên không nằm trong quy định, từ năm học 2017 - 2018, ĐH Đà Nẵng đã yêu cầu chấm dứt các khoản thu.

“Trên nguyên tắc các anh phải nghiên cứu các văn bản, xin phép được thu, thông báo với người học. Vì vậy, dù là phục vụ sinh viên nhưng không nằm trong quy định vẫn phải dừng lại. Ban Giám đốc ĐH Đà Nẵng cũng đã yêu cầu Ban Giám hiệu nhà trường họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm sau sự việc này” - ông Dưỡng cho hay.

Nói là vậy nhưng với việc thu phí trái quy định hơn 10 năm, thế nhưng không có bất kỳ cá nhân và tập thể nào bị xem xét trách nhiệm  là điều khó chấp nhận. 5.000 đồng/ tờ bảng điểm, mỗi năm có sinh viên xin 10 bảng hoặc hơn. Nhân con số này với hàng nghìn sinh viên của trường, thêm số tiền rút lệ phí rút học phần mỗi năm vài chục triệu cùng lệ phí xét tốt nghiệp thì số tiền mà sinh viên nhà trường trong 10 năm qua phải chi ngoài tiền học phí sẽ không còn là vài nghìn hay vài chục triệu đồng. Trong khi nhà trường dựa vào đặc điểm đặc thù của trường nên thu. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn