MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều bạn đọc cho rằng, quản lý việc mua bán chất nguy hại này quá lỏng lẻo. Ảnh: Ngô Đồng

Mua bán axit dễ như mua rau, mong Quốc hội lên tiếng

Cường Ngô LDO | 24/10/2017 15:14
Hàng loạt các vụ án liên quan đến axit đã để lại hậu quả nặng nề cho nạn nhân. Điều đáng nói, việc mua bán loại “vũ khí tử thần” này khá dễ dàng, như mua một mớ rau.

Mới đây, sau khi báo chí đăng tin về việc một nữ kế toán trường quốc tế bị tạt axit trên đường, rất nhiều người đã gửi lời chia buồn với nạn nhân, đồng thời lên án hành vi man rợ của kẻ mất nhân tính.

Sở dĩ ngày càng có nhiều vụ án liên quan đến axit là bởi việc mua bán chất lỏng này khá tràn lan, dễ dàng. Axit là hóa chất phục vụ trong ngành công nghiệp, y tế, song mặt hàng này hiện được rao bán rộng rãi, khó kiểm soát.

"Nên phạt kẻ tạt axit tội tử hình để răn đe" - một độc giả cho hay.

PV Báo Lao Động đã tìm đến một cửa hàng hóa chất trên đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội) để tìm hiểu quy trình mua bán thứ “hung khí tử thần” này.

Qua ghi nhận, giá của các loại axit giao động từ 50.000 đến vài trăm nghìn đồng/lít. Những loại axit đậm đặc có sức tàn phá lớn như axit sunfuric (H2SO4), axit clohydric (HCL)… được bày bán công khai.

Khi hỏi mua một chai axit clohydric loại nhỏ, chủ cửa hàng nói: “Chai nhỏ nhất là 0,5 lít, giá 35.000 đồng. Ở đây có đủ các loại axit”. Điều ngạc nhiên, người bán hàng không cần hỏi mục đích sử dụng của "thượng đế".

Mua bán axit dễ như mua rau.

Một nhân viên bán hóa chất trên phố Hàng Hòm (Hoàn Kiếm) chia sẻ, nếu khách hàng không đến trực tiếp cửa hàng thì có thể để lại địa chỉ, tên tuổi, sản phẩm sẽ được nhân viên giao hàng tận nơi. Thậm chí, nhiều cửa hàng còn lập cả fanpage bán công khai trên các trang mạng.

Trong khi đó, Thông tư 28/2010 của Bộ Công Thương quy định rõ, những axit đậm đặc như H2SO4 hay HCL nằm trong danh mục hóa chất phải khai báo, việc mua bán phải có phiếu kiểm soát.

Chia sẻ với Báo Lao Động, đại biểu Bùi Thị An - nguyên ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nói, nhân kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu nên dành chút thời gian bàn đến vấn đề này.

"Đây là hành vi man rợ, phải được cụ thể trong Bộ luật Hình sự, có chế tài xử lý tương xứng với tội lỗi gây ra. Nhà chức trách hãy kiểm soát tận gốc rễ nguồn bán axit, xử lý tăng nặng hành vi mất nhân tính này", bà An nói.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho biết, theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 mới ban hành, tạt axit là hành vi cố ý gây thương tích. Đây là hành vi nguy hiểm, không chỉ xâm hại về sức khỏe, tính mạng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần nạn nhân.

Khung hình phạt theo quy định mức cao nhất là tù chung thân. Chỉ khi nào đối tượng có hành vi dùng lượng axít lớn, nồng độ cao, hành vi man rợ và tạt vào những vùng trọng yếu trên cơ thể như đầu, mặt; phạm tội quyết liệt, cố ý tước đoạt tính mạng nạn nhân thì mới có thể xử lý tội Giết người.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn