MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mua bán trứng người là vi phạm pháp luật, đạo đức, chuẩn mực giống nòi

NHÓM PV LDO | 01/06/2022 21:51
Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu, cần có những chế tài đủ mạnh trước vấn nạn môi giới mang thai hộ, mua bán trứng người. Bởi đây không chỉ là vi phạm pháp luật, mà còn là hành vi vi phạm về mặt đạo đức và chuẩn mực cho sự bền vững của giống nòi.

Như Lao Động đã phản ánh trong tuyến bài: “Thị trường ngầm mang thai hộ, mua bán trứng người của ngành dịch vụ đẻ thuê” - nêu lên thực trạng các cò môi giới mang thai hộ, mua bán trứng phụ nữ (đặc biệt là phụ nữ trẻ, thậm chí có cả sinh viên trường đại học) núp bóng dưới vỏ bọc nhân đạo đã lợi dụng, biến tướng hoạt động này thành một dịch vụ thương mại quy mô để trục lợi.

Trước vấn đề này, ngày 1.6, trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế - nhận định: Còn nhiều lỗ hổng trong pháp luật chưa chặt chẽ, các văn bản dưới luật chưa được quy định cụ thể, rõ ràng đã tạo kẽ hở cho các cò môi giới lộng hành.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu trao đổi với phóng viên Lao Động về vấn nạn mang thai hộ, mua bán trứng người. Ảnh: V.T

Ngoài ra, những gia đình hay cá nhân thuê người mang thai hộ đa phần có điều kiện về mặt kinh tế. Họ cần có con nối dõi, hay thậm chí không ít trường hợp chỉ đơn thuần là muốn có cuộc sống đơn thân, không ràng buộc nên chấp nhận bỏ ra số tiền lớn thuê người “đẻ thay”.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu cũng cho rằng, trong thời gian tới cần có sự điều chỉnh, bổ sung và sửa đổi Luật Hôn nhân gia đình để siết chặt mọi hoạt động môi giới bất chính, trục lợi từ việc mang thai hộ và mua bán “giống” người theo hình thức thương mại.

“Theo tôi, khi sửa đổi luật, cần có những chế tài đủ mạnh để trừng phạt các hành vi vi phạm này, bởi đây không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn vi phạm về mặt đạo đức chuẩn mực về sự bền vững giống nòi”, bà Sửu nói.

Khi PV đặt vấn đề về thực trạng đa số những phụ nữ đồng ý mang thai hộ, bán trứng đều ở độ tuổi còn khá trẻ, thậm chí có cả sinh viên các trường đại học như trong loạt bài đã đăng tải, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, nhiều nguyên nhân dẫn đến việc mang thai hộ ở lứa tuổi trẻ.

“Họ có thể đang gặp khó khăn về kinh tế, hay có thể chỉ đơn giản là muốn có thêm nhiều nguồn thu nhập để giải quyết nhu cầu cá nhân hoặc thậm chí là đua đòi hay xuất phát từ sự bất mãn trong tình yêu và gia đình… Đây đều có thể là nguyên nhân dẫn đến việc sẵn sàng bán trứng, mang thai hộ”, bà Sửu phân tích.

Theo vị đại biểu Quốc hội này, những người phụ nữ ở lứa tuổi còn trẻ, còn ngồi trên ghế nhà trường, khi chấp nhận thực hiện mang thai hộ sẽ đối diện với những hệ luỵ về sức khoẻ và khả năng sinh sản về sau, khi tạo lập gia đình.

Để kịp thời ngăn chặn những hệ lụy khôn lường, rất cần có sự vào cuộc của cơ quan quản lý Nhà nước và các đơn vị chuyên môn để có giải pháp tư vấn thật hiệu quả, sâu sát cho giới trẻ. Qua đó giúp họ nhận thức đúng và đủ để điều chỉnh hành vi của mình một cách phù hợp.

Bà Sửu đề nghị: “Từ tiếng nói của truyền thông phản ánh mặt trái của xã hội hiện đại, không chỉ từ cơ quan báo chí, các đơn vị chức năng cũng cần có sự điều tra, vào cuộc kịp thời để thấy rõ một bức tranh cụ thể toàn diện và chân thực về thị trường môi giới, mang thai hộ và nhận mang thai hộ ở mọi vùng miền trên cả nước. Qua đó sẽ thấy được sự ảnh hưởng tiêu cực từ vấn nạn này”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn