MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mưa lớn, Bình Định, Phú Yên ra công điện khẩn cấp

Hoài Luân LDO | 13/10/2022 10:23

Theo dự báo từ đêm 13 - 16.10, Bình Định - Phú Yên có khả năng xuất hiện mưa to đến rất to và dông, với lượng mưa từ 200 - 500mm, có nơi trên 600mm. Theo đó, UBND tỉnh Bình Định và Phú Yên ra công điện khẩn cấp về công tác ứng phó tình hình mưa lớn tại địa phương.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, từ đêm 13.10 đến sáng 15.10, ở khu vực từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to; riêng khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định, Kon Tum, Gia Lai có mưa to đến rất to.

Mưa lớn gây ngập lụt, 319 hộ dân tại huyện Đồng Xuân phải di dời đến nơi an toàn.

Để chủ động ứng phó với vùng áp thấp trên Biển Đông có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và ứng phó với đợt mưa lớn từ ngày 13 - 16.10, UBND tỉnh Bình Định và Phú Yên đã ra công điện khẩn cấp.

 Nhiều hộ dân huyện Đồng Xuân bị cô lập do nước lũ chia cắt.

Theo đó, yêu cầu Sở NN&PTNT phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo và diễn biến của vùng áp thấp; khắc phục thiệt hại do đợt mưa lũ vừa qua; theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất và thông tin kịp thời đến người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

Sạt lở nghiêm trọng trên tuyến đường An Quang đi An Toàn thuộc huyện An Lão. 

Triển khai lực lượng xung kích PCTT kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có mưa lớn.

Bố trí lực lượng canh gác 24/24 giờ, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo tại các khu vực nguy hiểm; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn, ngập lụt.

Người dân phường Ghềnh Ráng lội nước mang đồ đạc đến nơi cao ráo.  

Kiểm tra, rà soát và triển khai phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và vùng hạ du, đặc biệt là các hồ chứa xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất, phòng, chống ngập úng các khu vực đô thị, khu công nghiệp.

Tùy theo tình hình thực tế của địa phương, chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống.

Chỉ đạo chủ đầu tư các công trình đang thi công, đặc biệt là các công trình trên sông, suối, vùng ven biển chủ động tổ chức các biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình, người lao động và thu dọn các vật cản trên sông, suối để thông thoáng dòng chảy, bảo đảm thoát lũ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn