MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều khu vực bị ngập lụt sâu trong nước, lực lượng công an tỉnh Phú Yên đưa người dân đi sơ tán. Ảnh: Phương Uyên

Mưa lũ, ngập lụt tại miền Trung: 1 người chết, 9 người bị mất tích

Vũ Long LDO | 01/12/2021 11:42

Mưa lũ tại miền Trung đã khiến nhiều tỉnh bị ngập lụt sâu, thiệt hại ban đầu: 1 người chết và 9 người bị mất tích, nhiều tài sản bị thiệt hại.

10  người chết và mất tích, nhiều tài sản thiệt hại

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, Chống thiên tai, cập nhật đến 8h30 sáng 1.12, mưa lũ gây ngập lụt tại miền Trung đã khiến 1 người bị chết và 9 người bị mất tích.

Cụ thể, tại Bình Định: 3 người, Phú Yên: 6 người, Kon Tum: 1 người. Người bị thiệt mạng được xác minh là cụ bà ở thôn Lý Tây, phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn (Bình Định).

Tính đến 6h30 sáng 1.12.2021, đã có 59.739 nhà bị ngập (Bình Định 31.100, Phú Yên 28.639), 4.704 hộ bị chia cắt (Tuy An, Phú Yên) có nơi ngập sâu từ 1-2m.

TP.Tuy Hòa (Phú Yên) bị ngập lụt bủa vây. Ảnh: Phương Uyên

Để bảo vệ tính mạng của người dân, các địa phương đã sơ tán dân tại chỗ cho khoảng 6.030 hộ (Quảng Nam: 53, Bình Định: 439, Phú Yên: 5.517, Khánh Hòa: 21).

Mưa lũ gây ngập lụt và sạt lở đất, đá đã làm ách tắc các tuyến đường Quốc lộ 14H, 40B, Đông Trường Sơn (Quảng Nam); quốc lộ 24, 24C (Quảng Ngãi); quốc lộ 1 (tuyến tránh An Nhơn, Bình Định); quốc lộ 19C, 25, 27, 29 (Phú Yên) và một số tuyến tỉnh lộ, giao thông nông thôn.

Về nông nghiệp, ngập lụt sâu đã khiến 641ha lúa bị thiệt hại.

Sáng 1.12.2021, tại cuộc họp ứng phó với mưa lũ do Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, Chống thiên tai tổ chức dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, TS Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết: Ngày 1.12, khu vực Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, và khu vực Nam Tây Nguyên có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa 20-40mm, có nơi trên 50mm. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Hiện tại, lũ trên các sông đã đạt đỉnh và đang xuống. Cụ thể, lũ trên sông Kôn (Bình Định), sông Kỳ Lộ (Phú Yên), sông Ba (Gia Lai); sông Krông Ana (Đắk Lắk) ở mức báo động 3; các sông khác từ Quảng Nam - Phú Yên ở mức báo động 1 - báo động 2.

Ứng phó với mối nguy ngập lụt sâu và sạt lở đất gây chia cắt

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mực nước sông Kôn tại Thạnh Hóa đạt đỉnh 9,46m lúc 13 giờ ngày 30.11; lúc 1 giờ ngày 1.12 là 8,75m, trên báo động 3 là 0,75m.

Dự báo ngày 1.12, lũ trên các sông ở Quảng Ngãi xuống mức báo động 1-báo động 2, các sông từ Bình Định đến Khánh Hòa tiếp tục xuống chậm và duy trì ở mức cao.

Để ứng phó với mưa lũ diễn biến phức tạp với nhiều hình thái thiên tai nguy hiểm, ngập lụt, sạt lở đất có thể gây chia cắt cục bộ nhiều khu vực, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, Chống thiên tai đề nghị các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Gia Lai, Đăk Lăk triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện số 1659/CĐ-TTg ngày 30.11.2021 và Công điện số 24/CĐ-QG ngày 30.11 của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, Chống thiên tai, chủ động triển khai biện pháp ứng phó mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, đảm bảo an toàn tính mạng của người dân và công trình cơ sở hạ tầng.

Ban chỉ huy Phòng, Chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Gia Lai, Phú Yên, Ban chỉ huy Phòng, Chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục theo dõi diễn biến mưa lũ, chỉ đạo vận hành hồ chứa để giảm lũ cho hạ du.

Các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau tiếp tục triển khai theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo và ứng phó với thời tiết nguy hiểm trên biển; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn