MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sạt lở ở km73+600 đến km75 quốc lộ 4D Lai Châu đi Lào Cai. Ảnh : TTXVN

Mưa lũ tại các tỉnh phía Bắc: Khẩn trương khắc phục hậu quả, ổn định đời sống người dân

KHÁNH VŨ LDO | 26/06/2018 07:15

Mưa lũ trong 3 ngày qua đã khiến nhiều địa bàn các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai bị nước lũ, đất đá sạt lở cô lập. Tính sơ bộ đến 18h ngày 25.6, đã có 25 người chết, mất tích; hàng trăm ngôi nhà bị chìm trong mưa lũ, nhiều nhà cửa, rau màu, đầm nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi, thiệt hại lên tới hơn 110 tỉ đồng. Từ hôm qua (25.6), công việc khắc phục hậu quả đã được cơ quan phòng chống thiên tai và các địa phương trên khẩn trương triển khai.

25 người thương vong, nhiều vùng bị chia cắt, cô lập

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai (PCTT) - Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) các địa phương miền núi phía Bắc, ngày 25.6 mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất đã gây thiệt hại ước tính trên 110 tỉ đồng. Mưa lũ, sạt lở đất khiến 14 người chết (Hà Giang: 3 người chết do sập nhà; Lai Châu: 11 người chết do sạt lở đất, lũ cuốn trôi và sạt lở đất đá); 10 người mất tích ở Lai Châu do lũ cuốn trôi, sạt lở đất, 7 người bị thương (3 người bản Sang Ngà, 2 người bản Nậm Sáng, xã Phúc Than, huyện Than Uyên bị sạt lở đất; 2 người ở bản Háng Lìa, xã Tủa Sín Chải, huyện Sìn Hồ, bị lũ cuốn).

Mưa lũ cũng khiến hàng trăm ngôi nhà bị thiệt hại, trong đó có 47 ngôi nhà bị đổ, cuốn trôi (Hà Giang: 16, Lai Châu: 7, Thái Nguyên: 24); 264 nhà bị hư hỏng, thiệt hại và di dời khẩn cấp. Về nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản, có 391ha lúa và hoa màu bị thiệt hại (Hà Giang 70ha, Lai Châu: 214ha), hàng chục ao cá cao cấp (tầm, hồi) của dân bị vỡ, cá trôi dạt khắp nơi gây thiệt hại nhiều tỉ đồng, một chủ đầm cá tại Lai Châu hiện nay vẫn đang mất tích. Về giao thông, các tuyến đường quốc lộ 4D, 279 từ Lào Cai đi Lai Châu bị sạt lở, hư hỏng gây ách tắc giao thông. Một số tuyến đường tỉnh lộ thuộc Lai Châu bị sạt lở còn gây tắc nghẽn giao thông: Tỉnh lộ 128 đoạn Chăn Nưa - Sìn Hồ qua xã Làng Mô; đường Làng Mô - Tủa Sín Chải; đường Mường Mô - Mường Tè.

Lực lượng chức năng của huyện Tam Đường khắc phục hậu quả mưa lũ tại Trang trại nuôi cá nước lạnh của gia đình ông Dương Ngọc Hưng tại bản Chu Va 12, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường. Ảnh: TTXVN

“Chạy đua thời gian” cứu người, cứu của

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhằm khắc phục hậu quả do mưa lũ phức tạp ở các tỉnh miền núi phía Bắc, ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT, Phó Chánh Văn phòng BCĐ về PCTT - cho biết: Số người chết, bị thương, mất tích đợt mưa lũ này phần lớn do bị lũ cuốn, đá sập đè khi đang đi làm nương. Thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng Chính phủ và công điện số 06 của BCĐ Trung ương về PCTT, các cơ quan chức năng và địa phương tập trung cứu chữa người bị thương, tìm kiếm người mất tích, thăm hỏi các gia đình có người bị thiệt mạng. Cùng với đó cần tăng cường thông tin, cảnh báo đến người dân về mưa, lũ để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Ngay trong đêm 24.6.2018, đoàn công tác của BCĐ Trung ương về PCTT do ông Trần Quang Hoài - Ủy viên thường trực, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai - dẫn đầu đã đến kiểm tra tình hình thực tế và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả. Sáng 25.6, đoàn đã đến làm việc tại xã Sơn Bình, huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu) và tiếp tục đi kiểm tra tình hình sạt lở tại QL32 đoạn đi qua huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu.

Trao đổi với Ông Lê Trọng Quảng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, ông Trần Quang Hoài đề nghị Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Lai Châu và các ban ngành liên quan các cấp thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là chỉ đạo kịp thời các cấp các ngành chủ động hỗ trợ, thăm hỏi, động viên gia đình có người thiệt mạng, cứu chữa người bị thương và tổ chức tìm kiếm người mất tích. Trước nguy cơ lũ quét và sạt lở đất tiếp tục diễn ra phức tạp, các cấp các ngành cần tăng cường truyền thông cảnh báo đến người dân, đặc biệt là khu vực có nguy cơ cao.

Theo Tổng Cty Điện lực Việt Nam, mưa lũ tại một số tỉnh phía Bắc đã ảnh hưởng đến vận hành hệ thống điện quốc gia. TCty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) và các đơn vị liên quan đang bám sát tình hình, tập trung nhân lực, phương tiện và vật tư để cố gắng khôi phục cấp điện trở lại... 

Ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia - cho biết: từ ngày 26-27.6, trên thượng lưu sông Đà sẽ xuất hiện 1 đợt lũ với biên độ lũ từ 2-4m. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt tại các tỉnh như: Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang.KH.VŨ

Nhiều tuyến đường vẫn chưa thể thông xe

Chiều 25.6, trao đổi với Báo Lao Động, ông Phạm Ngọc Phương - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lai Châu - cho biết, trên địa bàn tỉnh Lai Châu, hiện có 7 tuyến quốc lộ bây giờ bị nặng nhất gồm tuyến QL4D, QL32, QL12 và 4H, 279 nữa. UBND tỉnh đang huy động lực lượng khắc phục, trong đó, riêng tuyến QL4D nối Lai Châu với Lào Cai, ngoài lực lượng của Lai Châu, tỉnh Lai Châu đang nhờ Lào Cai cùng hỗ trợ để thông trước tuyến này.

QL32 (từ Lai Châu về Yên Bái) mất mấy điểm, có điểm mất cả mặt đường, cả nền đường, cắt đường khoảng mấy chục mét, nhưng hiện nay QL32 đã thông trưa 25.6 nhưng mới cho thông xe con, xe máy, còn xe tải to thì phải chờ khắc phục tiếp vào tối 25.6. Tuyến QL4H từ Lai Châu đi Pa Tần, Mường Nhé, Điện Biên hiện nay cũng tắc, khả năng phải 2-3 ngày nữa mới thông xe được. Ngoài ra, các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên bản, liên xã đều bị sạt lở nghiêm trọng. Cũng theo ông Phương, tại nhiều điểm sạt lở, chúng tôi phải đi bộ mang thức ăn lên, có khi đi bộ 5 - 10km để lên vị trí mắc kẹt.

Còn lãnh đạo Tổng cục Đường bộ VN cho biết, Tổng cục chỉ đạo các Sở GTVT, Cục QLĐB I và các đơn vị thực hiện công tác bảo dưỡng đường bộ tổ chức trực gác 24/24h tại những vị trí nguy hiểm, bố trí hệ thống an toàn giao thông tại hai đầu đoạn bị ngập để tổ chức điều tiết bảo đảm giao thông...KHÁNH HOÀ

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn