MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xu hướng mua sắm online ngày càng phổ biến hơn nữa với sự “vào cuộc” của các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada. Ảnh: Quỳnh Trang

Mua sắm online, xu hướng phổ biến nhưng khó kiểm soát của giới trẻ

Quỳnh Trang LDO | 22/12/2023 07:15

Xu hướng mua sắm online ngày càng phổ biến hơn với sự vào cuộc của các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada cùng với hàng loạt chương trình khuyến mãi, ưu đãi lớn từ các đơn vị này. Thói quen, sở thích của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ này đang trở nên không dễ kiểm soát.

Dở khóc dở cười khi mua hàng online

Mua sắm online, săn hàng khuyến mãi là thói quen của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Chỉ cần chiếc điện thoại thông minh và vài cú click chuột là hoàn toàn có thể mua sắm và được giao hàng tới tận nơi mà không tốn quá nhiều thời gian, công sức để đi khắp nơi lựa chọn.

Sự thuận tiện, nhanh chóng với số lượng ưu đãi “khủng” những tưởng sẽ giúp các bạn trẻ có thể sở hữu các món đồ “vừa rẻ vừa chất lượng” và để ra nhiều khoản tiền tiết kiệm, thế nhưng thực tế thì ngược lại hoàn toàn.

Nhiều bạn trẻ sẵn sàng mua sắm bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu, thậm chí là với những món đồ không thật sự cần thiết và đôi khi còn gặp phải những tình huống dở khóc dở cười khi hàng trên mạng và thực tế quá khác nhau.

Chia sẻ về một lần mua hàng trên mạng nhớ đời, bạn Nguyễn Chu Quỳnh (20 tuổi, Hà Nội) cho biết: "Mình đã mua một chiếc áo trên một sàn thương mại điện tử khá nổi tiếng, thấy ảnh chụp là áo hai lớp dày dặn mà giá lại rẻ, nhiều đánh giá 5 sao, đọc bình luận thấy nhiều người khen nên rất tin tưởng. Nhưng đến khi nhận được hàng, mình đã rất sốc vì áo mỏng dính và chỉ có một lớp thôi. Vì mỏng quá, mặc ra ngoài sẽ rất ngại nên mình “bó tay”, chưa biết xử lý thế nào với chiếc áo này".

Ngoài việc có những trải nghiệm không tốt khi mua nhiều hàng qua thương mại điện tử, thói quen mua sắm kiểu “thích là mua” dẫn đến việc người trẻ tốn quá nhiều chi phí vào việc mua sắm, trong đó, có những món đồ mua về không được sử dụng. Một món đồ với giá rẻ nhưng nhiều món đồ rẻ thì thành một số tiền không nhỏ.

“Nghiện” mua sắm vì tâm lý sợ bỏ lỡ

Nhiều bạn trẻ có tâm lý không mua thì lỡ mất một món hời giá rẻ nên dù không thật sự cần thiết thì họ vẫn mua món đồ đó, chỉ vì đang được giảm giá. Dần dà họ xem mua sắm là một thú vui và muốn làm điều đó bất cứ lúc nào.

Cũng có không ít người lấy việc mua sắm để cải thiện tâm trạng, khiến bản thân tạm thời quên đi những cảm xúc tiêu cực, cũng như dùng việc mua sắm khỏa lấp những nỗi buồn trong công việc, tình cảm…

Bên cạnh đó, sự xuất hiện của các reviewer (người đánh giá trải nghiệm sản phẩm) trên các nền tảng mạng xã hội cũng gây tác động lớn đến việc chi tiêu, mua sắm vô tội vạ của giới trẻ. Bởi lẽ những reviewer này có “nghệ thuật” riêng để mô tả công dụng, tính năng, chỉ ra lợi ích của sản phẩm để lôi kéo người xem mua hàng.

Bạn Thiện Ân (22 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: "Mỗi khi có giảm giá, mình và các bạn đều cố gắng mua sản phẩm với giá tốt nhất. Nhiều lúc mình có suy nghĩ nếu không mua bây giờ thì sẽ rất tiếc, vì không phải lúc nào cũng được giá hấp dẫn như vậy. Có nhiều lúc đang “lướt” xem đồ trên sàn thương mại điện tử nhưng thấy một món đồ nào đó nhìn thật thích mắt, giá rẻ bất ngờ, thế là mua. Nhưng tính ứng dụng của nó rất thấp, hoặc vốn kiểu đồ đó mình có ở nhà rồi hoặc mình có quá nhiều đồ. Thế là vô tình mình quên mất mình đã mua món đồ đó. Nhiều lúc bản thân còn giật mình thảng thốt khi ngồi tính lại số tiền mình bỏ ra mua sắm online còn cao hơn cả tháng lương làm thêm của mình”.

Từ những câu chuyện trên, có thể dễ dàng nhận thấy xu hướng mua sắm vô độ đang dần trở thành một "căn bệnh" của nhiều người, đặc biệt với giới trẻ.

“Nhiều lúc bản thân còn giật mình thảng thốt khi ngồi tính lại số tiền mình bỏ ra mua sắm online còn cao hơn cả tháng lương làm thêm của mình” - Thiên Ân chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn