MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thu hoạch tôm nuôi tại tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Nhật Hồ

Mùa tôm mới nhiều thách thức ở ĐBSCL: Nhận diện khó khăn, tìm giải pháp để ngành tôm phát triển

NHẬT HỒ LDO | 25/03/2024 11:23

Năm 2024, những khó khăn, thách thức của ngành tôm vẫn chưa hết. Để nhanh chóng vượt qua những thách thức trước mắt và phát triển bền vững, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, các địa phương cùng vào cuộc tháo gỡ, nhằm nhanh chóng tận dụng tốt những cơ hội mới.

Liên kết 4 nhà cho ngành tôm

Lần đầu tiên việc liên kết 4 nhà cho ngành tôm được tổ chức tại tỉnh Cà Mau trong khuôn khổ Hội chợ Triển lãm Quốc tế công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ 5 năm 2024 (gọi tắt là VietShrimp 2024).

Ban Tổ chức VietShrimp 2024 tổ chức diễn đàn lớn để 4 nhà: Nhà quản lý - nhà khoa học - nhà kinh doanh - nhà nông cùng ngồi lại để tìm giải pháp hữu hiệu nhất đưa ngành tôm Việt Nam quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng, đồng thời hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững cho con tôm Việt Nam.

Hội thảo quốc tế xoay quanh các chủ đề “Nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn chuỗi giá trị tôm Việt”; “Đối thoại về ngành tôm ít phát thải và bền vững theo kinh tế tuần hoàn”; “Tăng cường chất lượng nâng tầm giá trị” và “Để nuôi tôm đem lại hiệu quả cao nhất”.

Hội thảo có sự tham gia của Cục Thủy sản, các Hiệp hội và chuyên gia đầu ngành thủy sản tại Việt Nam và trên thế giới.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: “Đây sẽ là cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp, các đối tác và khách hàng; là diễn đàn để 4 “nhà” là Nhà nước, Nhà khoa học, Doanh nghiệp và Nhà nông cùng chung tay tìm ra giải pháp, đưa ngành tôm phát triển hiệu quả và bền vững; cùng với đó, học tập kinh nghiệm, tiến bộ kỹ thuật của các quốc gia tiên tiến để nâng tầm ngành tôm Việt”.

Tăng chất lượng, nâng giá trị

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, vùng ĐBSCL đang tồn tại 6 điểm nghẽn chính cần chung tay từ các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và nhất là người nuôi tôm hợp sức tháo gỡ, đó là: Hệ thống hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản còn thiếu và không đồng bộ. Chất lượng giống còn thấp, chưa lai tạo hay nhập được tôm giống tốt (tôm bố mẹ). Công nghiệp chế biến tuy có cải tiến nhưng vẫn còn thấp so với thế giới, dẫn đến chưa có nhiều sản phẩm giá trị gia tăng cao phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.

Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn phát thải thấp mới chỉ ở sơ khai bước đầu và còn nhiều thách thức phải đối mặt. Liên kết giữa vùng nguyên liệu và nhà máy chế biến chưa chặt chẽ (chuỗi liên kết sản xuất còn lỏng lẻo, do vậy không tạo sức mạnh cạnh tranh cao). Chưa chủ động sản xuất nguồn thức ăn tôm trong nước, trong khi 65 - 70% nguyên liệu thức ăn tôm phải nhập hoặc lệ thuộc vào doanh nghiệp từ nước ngoài.

Tại hội thảo “Đối thoại về ngành tôm ít phát thải và bền vững theo kinh tế tuần hoàn” diễn ra ngày 21.3, một số đại biểu đã đề xuất các giải pháp nuôi tôm ít phát thải từ việc áp dụng các mô hình nuôi tôm nhiều giai đoạn như kiểm soát nguồn con giống chất lượng, quản lý dịch bệnh từ thức ăn; phương pháp kiểm soát bệnh do vi khuẩn ở tôm không dùng kháng sinh...

Ông Nguyễn Đức Tuấn - Giám đốc kỹ thuật Vietnam Food - cho biết, do phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên chi phí, nhất là thức ăn trong nuôi tôm của cả nước tăng cao. Hiện nay với tình hình thế giới biến động, chi phí này lại tiếp tục tăng thêm. Đã đến lúc cần áp dụng những giải pháp sinh học để tận thu phụ phẩm, biến nó thành sản phẩm phục vụ lại cho nghề nuôi để giảm chi phí.

Cùng chia sẻ về khó khăn trong chi phí nuôi tôm của cả nước, Tiến sĩ Lê Văn Khoa - Giám đốc kỹ thuật toàn quốc Tập đoàn Grobest - nhận định, giá thành sản xuất tôm trung bình của nước ta cao hơn các nước trên thế giới. Do đó, thị trường đầu ra gặp khó khăn là điều khó tránh khỏi. Do đó, đến thời điểm này triển khai nhiều mô hình giảm chi phí là điều tất yếu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn