MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tình trạng mưa là ngập xuất hiện nhiều ở Hà Nội. Ảnh Sơn Tùng

Mưa úng nội đô, ngập ngoại thành: Công ty thoát nước phân trần "khó chấm dứt"

VƯƠNG TRẦN LDO | 25/07/2018 20:00
Ông Bùi Ngọc Uyên – Phó Trưởng phòng Đối ngoại Truyền thông, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho hay, việc thoát nước do mưa ngập tại thủ đô đang phụ thuộc rất nhiều vào ngành nông nghiệp.

Thưa ông, Hà Nội cứ mưa là ngập, điệp khúc này đã diễn ra nhiều năm. Ngay cả những khu vực đường mới mở cũng xảy ra việc này? Các đơn vị quản lý như thế nào?

- Ở các khu vực ngoại thành như phía Tây, phía Nam thành phố là khu vực mới phát triển. Ở đây việc thoát nước chỉ là một phần, hệ thống thoát nước chủ yếu thoát bằng dòng chảy qua các sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tích… Hệ thống tiêu thoát này do ngành nông nghiệp và các công ty thủy lợi quản lý và vận hành. 

Về phía công ty thoát nước, chúng tôi phối hợp với các đơn vị này để tìm cách thoát nước ở hạ nguồn để thượng nguồn hay những quận này thực hiện được việc thoát nước.

Về phía khu vực nội thành, lưu vực sông Tô Lịch khoảng 77,5km2 thuộc trách nhiệm quản lý của công ty. Tính từ phía quận Thanh Xuân trở về trong nội đô đến khu vực sông Hồng… Đây là những khu vực chúng tôi chịu trách nhiệm.

Với ngoại thành chúng tôi mới bắt đầu tiếp nhận từ năm ngoái theo phân cấp của thành phố. Hiện nay hệ thống thoát nước ở đây chưa được cải tạo gì. Việc thoát nước phụ thuộc rất nhiều vào sông, trục tiêu chính do bên nông nghiệp quản lý.

Ông Bùi Ngọc Uyên

Và chỉ cần cơn mưa như vừa qua đã khiến cho hệ thống thoát nước ở những khu vực này bị tê liệt, ngập nặng?

- Vừa rồi có mưa trên diện rộng, kéo dài ở miền Bắc, tất cả những sông tiêu thoát tự chảy đều bị ùn ứ. Nước lên rất cao, có những thời điểm sông Nhuệ mấp mé với đường đi. Sông lên cao ảnh hưởng tới việc tiêu thoát nước do đó phải chờ sông cạn đi, hạ cốt nước. Về việc này chúng tôi chỉ có thể phối hợp với bên ngành nông nghiệp để có thể thoát nhanh được.

Trong khu vực nội đô, phía cty cũng đã có phương pháp chủ động, trước và trong mùa mưa bão, chúng tôi có quy định mực nước ở trục thoát chính, dùng hệ thống bơm động lực để hạ thấp mực nước ở những dòng này đón mưa. Khi mưa xuống nó chảy ra hệ thống này và mình bơm đi. Ngoài ra, tại những vị trí có nguy cơ ngập, chúng tôi có bố trí lực lượng, phương tiện túc trực 24/24.

Còn ở khu vực ngoại thành như đã nêu trên, việc tiêu thoát nước đệm của các trục chính, sông Hồng, sông Nhuệ, sông Đáy, họ chưa có tiêu động lực, chủ yếu vận hành để nước chảy xuống khu vực Hà Nam, chảy xuống phía dưới. Mà khi hạ lưu nước dâng lên cao, do đó phía trên này cũng bị ngập, úng. Do vậy việc cải tạo hệ thống thoát nước cần phải nhanh hơn và phải chủ động để bơm ra được, tạo điều kiện cho việc thoát nước chống ngập.

Trong những năm qua, việc đầu tư chống ngập úng được thực hiện như thế nào?

-Trong những năm qua, đối với khu vực vùng lõi, thành phố và Chính phủ cũng đã có đầu tư dự án thoát nước giai đoạn 1, giai đoạn 2 bằng vốn vay của Nhật Bản. Đến nay việc này đang dần hoàn thiện. Dự kiến đến hết năm nay sẽ hoàn thành.

Trong khu vực này còn khoảng hơn 10 điểm ngập úng mỗi khi có mưa lớn. Phía đơn vị cũng đang xây dựng những giải pháp tiếp theo để thoát nước. Cty có đề xuất hồ ngầm một số địa điểm. Cùng với đó, khi các ban dự án của thành phố xây dựng, mở đường, cải tạo đường sẽ kết hợp với giải quyết thoát nước. Ví dụ trên đường Phạm Văn Đồng mở rộng đường kết hợp với cải tạo hệ thống. Một số điểm trũng khác sẽ có thêm giải pháp khác.

Phía bên ngoài, như tôi đã nói thành phố cũng cần phải đẩy mạnh đầu tư để cải tạo hệ thống thoát nước, như việc đầu tư ở khu vực sông Tô Lịch mới có thể giải quyết được.

Như vậy, tại các khu vực ngoại thành bây giờ vẫn đang là các giải pháp tình thế, tình trạng cứ mưa là ngập sẽ khó có thể chấm dứt?

- Có thể hiểu là như vậy. Bởi bây giờ những khu vực kia là để thoát nước theo kiểu tự chảy. Mặt khác, ngày xưa có hệ thống ruộng đồng trũng hơn, xuống thấp thì việc điều hòa xảy ra tốt hơn. Bây giờ tốc độ đô thị hóa đang cao, đô thị trước, hạ tầng chưa kịp theo… dẫn tới việc điều hòa, thoát nước chậm. Sông cao thì phải chờ mới thoát được.

Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn