MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân nhập quốc tịch được cán bộ Biên phòng Quảng Trị hướng dẫn bầu cử. Ảnh: Hưng Thơ

Mùa xuân của những người dân di cư tự do được trao quốc tịch Việt Nam

HƯNG THƠ - HẢI LÂM LDO | 23/01/2023 08:13

Quảng Trị - Mấy chục năm xâm cư trên đất Việt, hơn 100 hộ dân có Quốc tịch Lào được Chính phủ 2 nước Việt Nam – Lào đồng ý cho nhập Quốc tịch Việt Nam. Từ đó, họ được hưởng các chế độ chính sách, cuộc sống dần khấm khá...

Chuyện từ đôi bờ sông Sê Pôn

Thôn A Dơi Đớ ở xã A Dơi cách trung tâm huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) tầm 30km. Từ tỉnh lộ 586 rẽ vào thôn là đường bê tông rộng đẹp. Con đường này được đầu tư năm 2019 như một món quà cho cư dân miền biên viễn.

Ông Hồ Văn Kỉa, một trong những người được nhập Quốc tịch Việt Nam vào năm 2018 và được bầu chọn là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thôn A Dơi Đớ.

Đó cũng có thể gọi là người có “chức sắc” đầu tiên trong 119 công dân được nhập quốc tịch.

Ông Hồ Văn Kỉa với quyết định nhập quốc tịch. Ảnh: Hưng Thơ

Thôn A Dơi Đớ trải mình dọc hai bên bờ sông Sê Pôn, con sông chảy ngược từ Việt Nam sang Lào.

Năm 1977, Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào phân định lại biên giới, lấy ranh giới tự nhiên - sông Sê Pôn làm biên giới.

Lúc này, bản A Dơi Đớ được chia làm hai. Chính phủ cho phép người dân chọn lựa quốc tịch. Ở bên kia sông Sê Pôn nên anh chị em của ông Kỉa thuộc về Quốc tịch Lào, số còn lại ở phía Việt Nam.

Những năm tháng sống bên kia biên giới là thời gian khó khăn. Ông Kỉa kể lại rằng: Từ nơi ở tới trung tâm huyện mất một ngày đi bộ đường rừng. Không đường sá, không điện đài, không có trạm y tế, không có trường...

May mắn những năm mới giải phóng Hướng Hoá, ông có điều kiện được học chữ của Bác Hồ ở xã A Dơi nên biết viết, biết đọc.

Những đứa con ông ra đời trên đất Lào đều thất học. Chỉ biết lên rừng săn thú, hái măng mà sống lay lắt qua ngày. Nông sản có trồng ra được cũng chẳng biết bán cho ai, nghèo đói, thất học, bệnh tật luôn ám ảnh người dân những ngày đó.

Những ngày hồi hương

Năm 1998- 2000, nhiều hộ gia đình đã vượt sông về Việt Nam định cư. Trong dòng di chuyển đó có gia đình bà Hồ Thị Hiềng. Ở bên kia sông ông bà có 2 người con.

Về Việt Nam bà đẻ thêm 3 đứa. Cả gia đình 7 người không có giấy tờ tuỳ thân, không được hưởng các chế độ chính sách vì không có hộ khẩu.

Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn nhưng được người thân đùm bọc. Tuy nhiên, các chế độ phúc lợi khác như khám bệnh, vay vốn làm ăn, trợ cấp… không được hưởng một cách hợp pháp. Chính quyền và lực lượng vũ trang “tiếp tế” theo hình thức vận dụng vì thương đồng bào, thương dân những khi khốn khó.

Từ 1 xóm xâm cư chỉ có đường mòn, nay đã được đầu tư xây dựng đường bêtông. Người dân được vay vốn để sắm sửa máy cày phục vụ cho việc sản xuất. Ảnh: Hưng Thơ

Những đứa con sinh ra ở Việt Nam không làm được giấy khai sinh vì không có quốc tịch. Điều đó đồng nghĩa với việc các em sẽ không được hưởng các chế độ xã hội, trong đó có việc đến trường.

Đứng trước tình hình đó, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho các em học chữ như một hình thức vận dụng.

Ông Hồ Văn Đanh, Trưởng thôn A Dơi Đớ cho chúng tôi hay, trước năm 2018, con em các hộ di cư từ Lào qua không được theo học theo quy định mà chỉ được cho đi học vận dụng để khỏi thiệt thòi, để khỏi mù chữ.

Học xong lớp 5 thì buộc phải nghỉ học vì lên lớp 6 phải theo chế độ bán trú với những quy định cụ thể  mà chính quyền địa phương không thể lo nổi.

Do đó, từ  trước năm 2018, người có trình độ cao nhất trong số người nhập cư chỉ học tới lớp 5, sau 2018 đến nay, người có học vấn cao nhất trong số họ chỉ mới đến lớp 9.

Cũng như gia đình bà Hiềng, hơn 40 gia đình di cư từ Lào đều chung những nỗi lo toan như thế. Họ “làm khách” chính ngay trên quê cha đất tổ của mình…

Sinh ra không có giấy khai sinh và khi chết đi vẫn không có giấy chứng tử.

Những mùa xuân đầu tiên làm công dân Việt

Niềm vui vỡ oà sau thời gian nỗ lực của tỉnh Quảng Trị và các bộ ngành, cuối cùng những hộ dân di cư từ Lào vào xã A Dơi được công nhận Quốc tịch Việt Nam.

Ngày 23.11.2018, họ chính thức trở thành người Việt Nam khi có quyết định nhập Quốc tịch của Chủ tịch Nước.

Trẻ con ở xóm xâm cư sau khi nhập quốc tịch đã được đi học đàng hoàng và được hưởng các chế độ chính sách. Ảnh: Hưng Thơ

Sau gần 20 năm ở làm dân “ngụ cư”, họ chính thức trở thành công dân nước Việt, nỗi vui mừng, tự hào trào dâng trong mỗi con người.

Nhớ lại khoảnh khắc cầm tờ giấy quyết định, ông Hồ Văn Kỉa xúc động: “Từ nay mình là người Việt. Con cháu mình là người Việt. Được đi bầu cử, được học cao hơn, được đi đây đi đó để phát triển sự nghiệp”.

Đời sống của 119 người dân từ chỗ bất hợp pháp đã được công nhận quốc tịch, họ sống hợp pháp, được hưởng tất cả chế độ chính sách của Nhà nước. Với gia đình ông Kỉa, giờ đây có cuộc sống khá thoải mái. Nhiều ha sắn do các con ông canh tác tạo nguồn thu nhập khá ổn định.

Những đứa cháu đã được làm giấy khai sinh, theo học các trường trong xã, được hưởng các chế độ về y tế, giáo dục. Vợ ông, các con ông Kỉa được cấp thẻ căn cước công dân. Sự thiếu tự tin về thân phận người ở góp, kẻ ngụ cư không còn nữa. Tất cả đã hoà nhập vào nhịp sống bình thường, chung lưng đấu cật để xây dựng quê hương.

Trưởng thôn A Dơi Đớ, ông Hồ Văn Đanh vui mừng chia sẻ: Những hộ di cư từ từ Lào về A Dơi Đớ chiếm khoảng 30% người dân thôn. Ngoài làm nương làm rẫy họ đã chuyển sang kinh doanh như hộ ông Then kinh doanh hàng tạp hoá, hộ Hồ Văn Vưa sửa xe…

"Cuộc sống họ đã khấm khá lên từng ngày, xuân này ấm hơn xuân trước" - ông Hồ Văn Đanh, cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn