MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân đến tìm việc tại Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Kim Bảo

Mục tiêu tạo ra hơn 3 vạn việc làm cho người lao động ở Đắk Lắk có khả thi?

BẢO TRUNG LDO | 27/04/2024 15:23

Đắk Lắk - Trong 9 tháng còn lại của năm 2024, cơ quan chức năng đặt mục tiêu giải quyết cho hơn 30.000 người lao động ở địa bàn có công ăn việc làm mới.

Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, trong quý I/2024, có hơn 1.400 người ở Đắk Lắk nộp hồ sơ xin hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đang tuyển dụng công nhân với số lượng rất lớn.

Trong 9 tháng cuối năm 2024, tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho 30.200 người, trong đó xuất khẩu lao động 1.700 người.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 27.4, trao đổi với Lao Động, Lãnh đạo Phòng Lao động, Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) tỉnh Đắk Lắk - nhận định: "Trong những quý sắp tới, dự báo địa phương sẽ vẫn còn nhiều ngành nghề chịu ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, nhiều đơn vị sẽ cắt giảm đơn hàng, một bộ phận người lao động sẽ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đó là chưa kể đến nhiều trường hợp công nhân lao động thất nghiệp ở các địa phương khác trở về quê nhà ở Đắk Lắk khiến sức ép tạo công ăn việc làm của cơ quan chức năng càng gia tăng. Chính vì vậy, mục tiêu giải quyết việc làm cho hơn 30.000 người lao động trên địa bàn là nhiệm vụ rất khó khăn.

Tuy vậy, vẫn còn đó những điểm sáng đối với thị trường lao động tại địa phương trong những tháng sắp tới, nhiều doanh nghiệp dệt may, giày da... ở trong các khu cụm công nghiệp tại địa bàn đã và đang tuyển dụng công nhân với số lượng lên đến hàng nghìn người. Bên cạnh đó, việc liên tục có các doanh nghiệp trong và ngoài địa phương tham dự các phiên giao dịch việc làm cũng là kênh quan trọng để người lao động thất nghiệp thoải mái lựa chọn công việc phù hợp với bản thân".

Theo lãnh đạo Phòng Lao động, Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp tỉnh Đắk Lắk: Trong thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động để tư vấn và tuyển dụng lao động đi xuất khẩu lao động; thực hiện có hiệu quả chính sách cho vay vốn duy trì, mở rộng và tạo việc làm trong nước, vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ Quỹ quốc gia về việc làm và từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sánh xã hội.

Ngoài ra, các cơ sở giáo dục sẽ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực theo hướng chuyên sâu, hiện đại đáp ứng với yêu cầu của thị trường lao động, gắn với định hướng và nhu cầu phát triển kinh tế của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tăng cường tuyển sinh các nghề trọng điểm, các nghề được chuyển giao từ Úc, các ngành nghề đã được đầu tư từ nguồn vốn nước ngoài; từ đó, gắn sâu sắc đào tạo nghề với giải quyết việc làm đáp ứng nhu cầu xã hội và doanh nghiệp, xuất khẩu lao động nhằm đảm bảo lao động tìm kiếm việc làm ổn định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn